Dù đã bước sang tháng 10, nhưng hậu quả và ám ảnh về sự tàn phá nặng nề của sâu bệnh vẫn còn đeo bám hàng chục nghìn hộ dân trồng điều ở Bình Phước. Ðiều này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp hiệu quả khôi phục vườn điều, vốn chiếm gần 60% tổng diện tích trồng loại cây này của cả nước.

Cán bộ khuyến nông xã Ðăng Hà (huyện Bù Ðăng) hướng dẫn người dân chăm sóc, phục hồi cây điều bị sâu bệnh.

Sâu bệnh hoành hành

Bù Ðăng là huyện có diện tích cây điều lớn nhất tỉnh Bình Phước với gần 59 nghìn ha, cũng là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất với gần như toàn bộ diện tích bị nhiễm sâu bệnh hại. Hơn 18.100 ha gần như mất trắng, năng suất giảm hơn 46,5% so với vụ điều 2016… Trong đó, nặng nhất là xã Ðăng Hà, nơi có tới 90% số hộ dân trồng điều, chỉ mới đầu vụ (giữa tháng 3-2017) đã mất trắng 650 ha, năng suất bình quân cả vụ chỉ còn 50 kg/ha. Kế tiếp là huyện Ðồng Phú có tới 40% (tương ứng 5.763 ha) diện tích điều gần như mất trắng; huyện Bù Gia Mập có hơn 47,1% trong 20.457 ha điều bị nhiễm bệnh, năng suất giảm 51%, trong đó gần 1.900 ha mất trắng; huyện Phú Riềng có hai nghìn ha gần như mất trắng…

Dẫn chúng tôi đi xem rẫy điều rộng 1 ha của gia đình, anh Long Hoàng Ngân (thôn 3 xã Ðăng Hà, huyện Bù Ðăng) nói: Vụ điều vừa rồi, tôi mất trắng. May mà nhà có trồng lúa, tôi phải đi làm thuê, cho nên gia đình mới cầm cự được. Vụ điều năm 2016 anh Ngân thu được gần hai tấn hạt nên mùa 2017 anh mạnh dạn chi khoảng 17 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chăm sóc rẫy điều. Tuy nhiên, côn trùng, bọ xít muỗi, bệnh thán thư rồi cháy lá khô ngọn đã cướp đi tất cả… Bây giờ, dù nhiều cây điều đã đâm chồi non nhưng anh Ngân không dám đầu tư nữa…

Theo Trưởng thôn 3 Nông Văn Hược: Toàn thôn có khoảng 134 ha điều đang ở thời kỳ cho thu hoạch nhưng có tới 95% diện tích bị mất trắng trong vụ điều 2017. Tuy vậy, thiệt hại nhiều nhất tại xã Ðăng Hà là thôn 5, thôn nghèo nhất xã. Gia đình anh Âu Xuân Tứ (Trưởng thôn 5) có 9 ha điều thì có tới 7 ha mất trắng, 2 ha còn lại ở trên đồi cao cho nên bị ảnh hưởng nhẹ, thu hoạch được gần một tấn hạt. Anh Tứ cho biết: Thôn 5 có khoảng 518 ha điều trên đất sản xuất nông nghiệp và khoảng 468 ha trong đất lâm phần. Thống kê mới nhất cho thấy thôn 5 có tới hơn 860 ha điều mất trắng. Ðến nay, hầu hết rẫy điều không ra nổi chồi non; chỉ có số ít cây còn khỏe thì ra đọt nhưng cũng bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại chết rụi.

Năng suất điều bình quân toàn tỉnh chỉ còn 7,15 tạ/ha, tổng sản lượng là 94.485 tấn (giảm khoảng 38% cả về năng suất và sản lượng so với vụ điều 2016). Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas) Tạ Quang Huyên, mức độ sâu bệnh hại trên cây điều ở Bình Phước trong vụ điều 2017 là nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Chậm trễ dập dịch

Nguyên nhân vụ điều 2017 thất thu là do mùa khô 2016-2017 xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, trùng vào thời điểm cây điều ra hoa và thụ phấn, đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc thụ phấn, đậu trái của cây. Ngoài ra còn do sự lơ là, thiếu trách nhiệm của ngành nông nghiệp tỉnh. Từ cuối tháng 2-2017 đã có một số đoàn của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… về khảo sát, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại tại các vùng trồng điều trọng điểm của tỉnh Bình Phước. Kết quả kiểm tra cho thấy không có dịch bệnh lạ mà chỉ là những sâu bệnh hại thường xuyên từ nhiều năm nay, không phải đối tượng kiểm dịch thực vật. Vì vậy ngày 3-3-2017, Cục Bảo vệ thực vật đã có Công văn (số 315/BVTV-TV) gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cục yêu cầu các chi cục xây dựng phương án ứng phó trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt để chủ động tổ chức thực hiện; bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, nắm chắc diễn biến và xu hướng phát triển của sâu bệnh để dự báo, hướng dẫn, tham mưu kịp thời cho các cấp chính quyền chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Ðồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các biện pháp canh tác, quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch hại tổng hợp… Tiếp đó, ngày 15-3-2017, Cục Bảo vệ thực vật lại có Công văn số 453 gửi các Sở NN-PTNT các tỉnh trồng điều về việc ban hành “Quy trình kỹ thuật quản lý bọ xít muỗi và thán thư hại điều”. Công văn nêu rõ, Cục ban hành quy trình này là để hỗ trợ các địa phương thống nhất chỉ đạo phòng trừ bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều; các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và an toàn.

Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh hại trên cây điều ở Bình Phước vẫn bùng phát mạnh. Cuối tháng 4-2017, UBND huyện Bù Ðăng có văn bản báo cáo về tình hình sâu bệnh hại nặng nề; qua đó đề nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước kiểm tra, xem xét và công bố dịch để nhân dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại… Từ cuối tháng 4-2017, khi khảo sát tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh cũng phát hiện nhiều diện tích cây điều bị sâu bệnh hại rất nặng ở các huyện Bù Gia Mập, Bù Ðăng, Ðồng Phú. Ban Dân tộc dự định báo cáo bằng văn bản lên UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp xem xét công bố dịch. Thời điểm này lại đúng vào dịp UBND tỉnh Bình Phước chuẩn bị tổ chức hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều – Bình Phước tháng 5-2017 nên mọi việc đã phải tạm dừng. Trong khi đó sâu bệnh hại cứ hoành hành.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Trước hậu quả nặng nề của sâu bệnh hại trên cây điều, cuối tháng 8-2017, UBND tỉnh Bình Phước mới có công văn chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai công tác hỗ trợ nông dân. Trải qua nhiều thủ tục hành chính, mãi đến ngày 6-9, huyện Bù Gia Mập mới tổ chức ra quân chăm sóc vườn điều niên vụ 2017-2018 cho các hộ dân khó khăn bị thiệt hại do sâu bệnh. Ðây là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Phước “cấp cứu” cây điều. Tiếp đến, hai huyện bị thiệt hại nặng là Bù Ðăng và Bù Gia Mập cũng đã tổ chức các đoàn công tác xuống các xã để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tỉa bỏ cành (khô, bị bệnh), bón phân, phun thuốc BVTV…

Cùng với việc tổ chức “ra quân” cứu cây điều, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đưa ra phương án hỗ trợ (từ ngân sách) đối với diện tích điều bị thiệt hại nặng trong vụ mùa 2017. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách. Phương án là hỗ trợ hai triệu đồng đối với mỗi ha điều bị thiệt hại nặng để mua thuốc BVTV. Ðây là số tiền đủ mua khoảng sáu lít thuốc BVTV, sử dụng cho ba lần phun trên một ha (tương ứng với ba giai đoạn, từ lúc cây điều ra chồi non đến khi chăm sóc, bảo vệ quả). Theo thống kê, bốn đối tượng nói trên có gần 22 nghìn ha điều bị thiệt hại nặng. Còn chi phí phân bón cho cây điều qua ba giai đoạn là hơn hai triệu đồng/ha, nông dân sẽ tự đối ứng. Do nguồn lực của tỉnh hạn hẹp, Sở kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV, doanh nghiệp chế biến điều, Vinacas, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT… chung tay hỗ trợ, giúp nông dân Bình Phước khôi phục, phát triển cây điều.

Tuy nhiên, đây là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi theo quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc của ngành nông nghiệp, cây điều phải được “hồi sức” từ tháng 5 (thời điểm ngay sau khi vụ thu hoạch kết thúc); và đến tháng 11 thì chăm sóc điều đợt hai, thời điểm cây chuẩn bị ra hoa… Ðiều này dự báo nguy cơ lớn vụ điều 2018 sẽ tiếp tục mất mùa.

Qua vụ điều 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cần có những giải pháp phù hợp, trên cơ sở khoa học, để khôi phục các vườn bị suy kiệt, lấy lại vị thế của địa phương có vườn điều lớn nhất cả nước.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM

Nguồn Báo Nhân Dân

Từ khóa : cây điềuSâu bệnh

Các tin liên quan đến bài viết