Trước vụ việc một phụ nữ Quảng Nam tử vong có liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Whitmore, Sở Y tế tỉnh này có chỉ đạo nóng, tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị.

Một ca nhập viện do bệnh Whitmore ở TP Đà Nẵng vào năm 2020 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một ca nhập viện do bệnh Whitmore ở TP Đà Nẵng vào năm 2020 

Ngày 25-10, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản gửi các cơ sở y tế về việc tăng cường công tác chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore.

Cụ thể để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong do bệnh Withmore, sở yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà nắm được các biện pháp phòng chống bệnh.

 

Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán nên sở chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường thông tin, truyền thông đến rộng rãi cán bộ y tế và người dân.

Trước đó, trưa 11-10, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Quảng Nam tiếp nhận bà N.T.T.V. (47 tuổi, trú xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, khó thở, thở gắng sức.

Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Ngoài ra bệnh nhân còn bị bệnh đái tháo đường type 1 nhưng đã bỏ điều trị khoảng 1 năm, biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.

Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm, X-quang, cấy máu, siêu âm điện tim, cấy đàm. Đến 16h45 cùng ngày, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên được chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp nhưng bệnh nhân tử vong đêm cùng ngày.

Bệnh viện nhận được kết quả cấy máu và cấy đàm của bệnh nhân với kết quả nhiễm vi khuẩn Burkholederia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore – một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật.

Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, lây qua vết thương lở loét nên còn được gọi là vi khuẩn ăn thịt người.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng với những triệu chứng như lở loét da, lên cơn sốt, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp xe ở gan, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng.

Với tỉ lệ tử vong lên đến 40-60%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng, bệnh được Bộ Y tế đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu.

Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B.pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bệnh WhitmoreWhitmore

Các tin liên quan đến bài viết