Tổng cộng 5 nạn nhân bị bắn chết trong vụ tấn công khủng bố ở chợ Giáng sinh Strasbourg tối 11-12 (giờ địa phương). Cái chết đến với họ bất ngờ vào lúc họ đang vui vẻ dạo chơi cùng gia đình, bạn bè.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Strasbourg ngày 14-12 để vinh danh các nạn nhân vụ tấn công khủng bố. Ngoài bốn người chết còn có 12 người bị thương. Sau hai ngày truy lùng, cảnh sát đã bắn hạ tên khủng bố Cherif Chekatt.
Nhà báo tình nguyện bị bắn sau gáy
Nhà báo trẻ người Ý Antonio Megalizzi đã tử vong hôm 14-12 sau thời gian hôn mê gần ba ngày.
Lúc xảy ra vụ tấn công, anh đang đi cùng hai người bạn. Tên khủng bố bắn anh từ phía sau. Vị trí trúng đạn giữa gáy và cột sống nên không thể phẫu thuật.
Antonio Megalizzi tình nguyện làm việc cho trang web phát thanh Europhonica chuyên đưa tin về châu Âu. Anh đến Strasbourg để đưa tin thời sự về hoạt động của nghị viện châu Âu.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phát biểu từ hội nghị cấp cao EU ở Brussels (Bỉ): “Nghe hung tin tôi rất buồn. Antonio là người nhiệt huyết với châu Âu. Tôi gửi lời chia buồn đến hôn thê và gia đình anh ấy. Đó là một chàng trai tràn trề sức sống theo lời tôi nghe được”.
Một nhà báo khác người Pháp làm việc cho Europhonica bị thương nặng trong vụ tấn công.
Anh Barto Pedro Orent-Niedzielski, thường được gọi là Bartek hay Bart, là người đứng cạnh Antonio khi xảy ra vụ khủng bố và anh cũng bị trúng đạn vào trán.
Anh đã trải qua 5 ngày hôn mê trong bệnh viện và gia đình anh chính thức nhận lời chia buồn cho anh vào cuối giờ chiều 16-12 (giờ địa phương).
Người đàn ông 35 tuổi này quê gốc Ba Lan, được mọi người quý mến bởi các hoạt động xã hội và văn hóa.
Tránh biểu tình áo vàng và bị bắn chết
Anh Anupong Suebsamarn, 45 tuổi, cùng vợ từ Thái Lan sang Strasbourg du lịch. Trên đường dạo chơi không may họ đã gặp tên khủng bố Cherif Chekatt. Anh bị bắn chết.
Cậu của nạn nhân kể với báo chí Thái Lan ban đầu hai vợ chồng định đến Paris nhưng suy đi tính lại sợ đụng những người biểu tình áo vàng nên chuyển điểm đến ở Strasbourg và gặp nạn.
Anupong Suebsamarn làm chủ một nhà máy sản xuất mì sợi tại tỉnh Chachoengsao (miền đông Thái Lan). Anh sống cùng vợ anh Naiyana ở Bangkok, nơi vợ anh đang quản lý một cửa hàng quần áo. Họ vẫn chưa có con.
Chạy trốn loạn lạc để chết vì khủng bố
Anh thợ máy Kamal Naghchband 45 tuổi người gốc Afghanistan thuê mặt bằng mở gara sửa chữa ôtô ở Strasbourg.
Vào buổi tối định mệnh 11-12, anh dẫn vợ và ba con đi chơi chợ Giáng sinh. Tên khủng bố xuất hiện phía sau anh lên tiếng gọi. Anh quay đầu lại và bị bắn vào đầu. Anh ngã xuống trước mặt vợ con rồi hôn mê, sau đó không qua khỏi.
Một người anh em họ của nạn nhân kể lại với Đài France 3: “Anh ấy rời Afghanistan cách đây 20 năm để chạy trốn chiến tranh và tìm an bình ở Pháp. Ấy vậy mà anh ấy lại chết như thế. Thật đau đớn quá!”.
Láng giềng và khách hàng đều khen Kamal Naghchband là người tử tế, chăm chỉ lao động và hay giúp người khác.
Kamal theo Hồi giáo, thường đến đền thờ Eyyûb Sultan cầu nguyện. Đền thờ đã tổ chức lễ tang sau buổi cầu kinh thứ sáu và lễ an táng tại nghĩa trang Hồi giáo ở Strasbourg.
Bữa ăn cuối cùng bên gia đình thân yêu
Nạn nhân Pascal Verdenne 61 tuổi là người địa phương Strasbourg. Chiều 11-12, ông cùng vợ và con trai dự buổi giới thiệu sách của hai nhà báo, sau đó họ vào nhà hàng La Stub.
Ăn uống xong, vợ con ông vào nhà vệ sinh còn ông ra trước để lấy xe đạp thì bị bắn vào đầu trước cửa nhà hàng.
Người phục vụ nhà hàng Jonathan kể lại: “Tôi nghe có tiếng nổ. Tôi nghĩ chắc tấm bảng của nhà hàng ở bên ngoài rơi xuống… Tôi chạy ra thì nhìn thấy một người khách nằm dưới đất còn một người đàn ông khác bỏ chạy. Hắn tiếp tục bắn thêm bốn phát”. Jonathan lao đến chăm sóc nạn nhân nhưng không còn kịp nữa.
Ông Pascal Verdenne là nhân viên Ngân hàng Crédit Agricole ở Strasbourg đã nghỉ hưu một năm nay.
Nguồn: tuoitre.vn