13 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã xác định rõ thuận lợi và khó khăn, từ đó có lộ trình thực hiện, tập trung vào những tiêu chí mang tính đòn bẩy, tạo bước chuyển căn bản trong nông nghiệp, nông thôn. Bước vào giai đoạn mới 2022-2025, Bình Phước đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo chuẩn NTM nâng cao, đón cơ hội từ công nghệ số để bước vào giai đoạn “số hóa”.
Xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới
Ðã thành thói quen, mỗi khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, anh Lê Thanh Trà, thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng đăng nhập vào cổng dịch vụ công để đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến. Làm thủ tục đăng ký kinh doanh nhóm trẻ, thay vì phải đến bộ phận một cửa của xã thì nay anh Trà ngồi ở nhà thực hiện các thao tác nhập thông tin và chỉ sau 10 phút là xong. Đây là một trong những lợi ích người dân được hưởng khi xã thực hiện chuyển đổi số.
Hội trường nhà văn hóa thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng được lắp đặt wifi miễn phí, giúp người dân thuận tiện sử dụng các dịch vụ số, truy cập internet đọc tin tức
Xây dựng NTM thông minh còn thể hiện ở tiêu chí về kinh tế số, xã Phú Riềng khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh. Điển hình như vườn dưa lưới của hộ anh Lê Biện ở thôn Phú Tân, trồng theo công nghệ tiên tiến của Israel nhưng mọi quy trình tưới nước, bón phân đều được anh cải tiến để phù hợp với điều kiện địa phương. “Điểm đặc biệt ở vườn dưa lưới của gia đình tôi là cho cây nghe nhạc. Điều khác biệt này đã giúp dưa cho năng suất và chất lượng trái cao hơn so với canh tác thông thường. Với diện tích 3 sào dưa lưới, năng suất đạt bình quân 4,5 tấn/sào” – anh Biện cho biết.
Anh Lê Biện, thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng trồng theo công nghệ tiên tiến của Israel và cho dưa nghe nhạc. Điều khác biệt này đã giúp dưa cho năng suất và chất lượng trái đạt cao hơn so với canh tác thông thường
Sau khi nhà văn hóa thôn được lắp wifi miễn phí, người dân đến nhà văn hóa đông hơn. Không chỉ tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ mà người dân còn sử dụng mạng wifi miễn phí để truy cập internet đọc tin tức. Chi phí lắp đặt ban đầu chỉ tốn vài triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, gắn kết tình làng nghĩa xóm, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Ông ĐỖ NGỌC SÁU, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Tân, xã Phú Riềng
|
Mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã đang được triển khai toàn diện. Xã Phú Riềng đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử… để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. “Từ khi thực hiện chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển sang phương thức trực tuyến. Số thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến hằng ngày đạt hơn 90%” – ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Phú Riềng cho hay.
Những nông dân thời đại số
Cánh đồng không dấu chân đang được nhân rộng tại Bình Phước. Những nông dân như ông Trương Văn Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long đã không còn cảnh chân lấm, tay bùn trong những năm gần đây. Sở hữu diện tích lớn, làm chủ máy móc hiện đại, cập nhật công nghệ mới là chân dung của những nông dân số trong giai đoạn hiện nay.
“Để số hóa vườn cây, toàn bộ diện tích vườn tôi đều áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, các khâu tưới nước, bón phân đều do máy móc thực hiện. Điển hình như quy trình tưới nước, trước đây phải cần 10 người kéo dây đến từng gốc cây thì nay chỉ cần một người đóng mở công tắc, tiết kiệm nhân công mà năng suất lao động cũng tăng lên” – ông Đảo chia sẻ.
Ông Đảo cũng là người tiên phong xây dựng kho đông lạnh bằng khí nitơ lỏng nên giữ được chất lượng sản phẩm tươi ngon đến tay người tiêu dùng. Đầu tư quy trình đóng gói, bảo quản sầu riêng theo quy trình bài bản, không chỉ xuất bán trái tươi, ông còn chế biến sâu trái sầu riêng xuất đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc. Ngay cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay các nước châu Âu cũng được ông tính đến. Niềm vui trong vụ sầu riêng năm nay, diện tích sầu riêng của ông Đảo và các thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé đã được Trung Quốc cấp mã vùng trồng 200 ha, đủ điều kiện xuất hàng chính ngạch và đang chuẩn bị hồ sơ để được cấp thêm mã vùng trồng 44 ha của 16 hộ khác trong vùng.
Các HTX ngày càng quan tâm, chú trọng đến các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến. Nhiều HTX đã chủ động xây dựng website riêng để giới thiệu sản phẩm và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn. Khi chuyển đổi số theo chuỗi giá trị thì sẽ loại bớt những khâu trung gian, từ đó lợi nhuận tăng lên, nông dân sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Ông NGUYỄN MINH QUANG, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
|
Hay như vườn tiêu của hộ ông Nguyễn Văn Trường, thôn 7, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, từ khâu làm cỏ, bón phân, xịt thuốc vào từng thời điểm, số lượng, chủng loại đều được định sẵn trong điện thoại. Chỉ cần bấm vào ứng dụng, tất cả những việc cần làm của hôm nay hoặc ngày mai đều có sẵn, nhà nông theo lịch đó để làm vườn. Phần mềm không chỉ nhắc việc mỗi ngày mà còn là nhật ký ghi chép lại tất cả hoạt động trên vườn. Ngay cả sau thu hoạch, phần mềm này còn tự tạo mã QR để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình cùng “dòng chảy số”
Bình Phước đang hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh vào năm 2025 có ít nhất 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; phấn đấu đạt 5% vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh được số hóa; 10% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị được số hóa; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP từng bước số hóa với mục đích năm 2023 đạt 30% sản phẩm OCOP được số hóa.
HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến, góp phần quan trọng vào hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
“Để hoàn thành mục tiêu này thì sự chủ động “nâng cấp mình” của mỗi người dân, đặc biệt là mỗi nông dân thời đại số chính là chủ thể quyết định. Tinh thần cầu tiến cùng với tư duy nhạy bén trước tín hiệu thị trường của nông dân sẽ là cơ hội, bước đệm để Bình Phước không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn là nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại” – ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Bằng cách đi thận trọng, thí điểm, lựa chọn HTX chuyển đổi số ở các mô hình điểm sau đó nhân rộng, đến nay toàn tỉnh đã có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic. Các cơ quan chức năng đã cấp 26 mã số vùng trồng cho diện tích chuối và sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.000 ha để xuất khẩu chính ngạch. Các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, tiêu biểu cũng được cấp chứng nhận OCOP từ 3, 5 sao để tạo thuận lợi cho người dân, HTX, tổ hợp tác đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu trong xu thế canh tác nông nghiệp thông minh. Đây là một thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng chuyển đổi số, Bình Phước đã cơ bản hình thành cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đây chính là bước đệm quan trọng, là cơ sở để tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh.
Theo Báo Bình Phước