Nhiều bạn trẻ thắc mắc mình có mắc phải hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không khi liên tục ám ảnh vì sợ bẩn, lo âu, khó chịu quá mức..
Nhiều người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường sợ bẩn, lo âu và khó chịu quá mức
Thời gian gần đây, nhiều tài khoản Facebook liên tục đăng bài viết tự nhận mình mắc phải hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ bản thân thường xuyên có thói quen đặt đồ dùng hằng ngày ngăn nắp, có trật tự nhất định, sợ bẩn, nếu không sẽ cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu, không thể tập trung làm việc khác.
Bạn T.A. (21 tuổi, TP Thủ Đức) chia sẻ: “Mình là người rất thích sắp xếp mọi thứ có trật tự, rất hay dọn dẹp nhà cửa, những thứ xung quanh mình thường không có bụi bẩn.
Mọi người xung quanh hay nói mình là một người khó tính, già trước tuổi hoặc mắc phải rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Nhiều lúc cũng tự thắc mắc vì mình là người cầu toàn hay thật sự mình mắc phải rối loạn ám ảnh cưỡng chế?”.
Theo thạc sĩ Trần Quang Trọng – khoa tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một nhóm bệnh bao gồm ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế.
Những ý nghĩ ám ảnh hay hành vi cưỡng chế bền vững theo thời gian và ảnh hưởng rõ ràng tới thói quen, chức năng giao tiếp, hoạt động xã hội, nghề nghiệp của bệnh nhân.
Hiện tại ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể để xác định chính xác tỉ lệ mắc OCD, nhưng theo số liệu thống kê về số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh nhân có rối loạn cưỡng chế chiếm khoảng 2%.
“Đa phần mọi người thường lầm tưởng rối loạn ám ảnh cưỡng chế với việc kỹ tính, cầu toàn. Không phải ai yêu sạch sẽ, ngăn nắp cũng mắc OCD. Và không phải ai mắc OCD cũng gắn liền với sự sạch sẽ quá mức”, thạc sĩ Trọng nhấn mạnh.
Thạc sĩ Trọng cho hay các triệu chứng của ám ảnh cưỡng chế như:
Ám ảnh bởi những việc không đúng như ý mình quá mức, thường gây lo âu và khó chịu. Ám ảnh có thể là suy nghĩ, ý định, sự tưởng tượng, âm thanh, niềm tin, sợ hãi hoặc sự thôi thúc và chúng thường liên quan đến bạo lực, tình dục, tôn giáo, sự chán ghét và không cảm xúc.
Có bệnh nhân cứ ám ảnh mãi với các suy nghĩ có tính chất cân nhắc như: tay ta đã sạch chưa? Có chất độc trong nước uống không?
Ngoài ra, cưỡng bức là hành vi nhằm làm giảm sự khó chịu, nhưng tạo ra áp lực phải thực hiện hành vi. Cưỡng bức đáp ứng các ám ảnh này là rửa tay rất lâu và rất nhiều lần, kiểm tra lại khóa cửa, đổ bình nước uống đi…
Kiểm tra là hành vi bệnh lý, người bệnh cứ kiểm tra đi kiểm tra lại một đối tượng. Ví dụ như xem có ai lấy xe của mình không, xem cửa đó khóa chưa, xem có nhốt ai trong phòng không…
Bên cạnh đó, chậm chạp là triệu chứng ít gặp hơn rửa tay và kiểm tra. Bệnh nhân mất rất nhiều thời gian để mặc quần áo hoặc chuẩn bị đi ra khỏi nhà. Bệnh nhân có triệu chứng này có lo âu ít hơn so với các ám ảnh và cưỡng bức khác.
“OCD là một căn bệnh cần được điều trị kịp thời. Vậy nên đừng tự nhận mình là người bị bệnh, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại những biểu hiện của bệnh lý này”, thạc sĩ Trọng nhấn mạnh.
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế như thế nào?
Thạc sĩ Trọng cho biết đối với rối loạn OCD hiện nay có thể điều trị bằng thuốc và điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân sẽ giúp ít rất nhiều cho người bệnh bộc lộ cảm xúc, loại bỏ căng thẳng, khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động xã hội.
Trong trường hợp người bệnh có ý nghĩ ám ảnh và lo lắng quá mạnh, người bệnh cần được nhập viện để được chăm sóc y tế và loại bỏ căng thẳng từ môi trường bên ngoài.
Nguồn: tuoitre.vn