Số bác sĩ tử vong vì Covid-19 ở Indonesia tăng cao kỷ lục trong nửa đầu tháng 7, trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến dịch bùng phát mạnh ở nước này.
Trong một cuộc họp trực tuyến hôm 18/7, các quan chức thuộc Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết, tính từ ngày 1 – 17/7 đã có tổng cộng 114 bác sĩ tử vong vì nhiễm virus corona chủng mới, mức cao nhất ghi nhận trong khoảng thời gian 17 ngày bất kỳ và chiếm hơn 20% trong tổng số 545 bác sĩ đã thiệt mạng kể từ đầu dịch.
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đang chuyển một bệnh nhân Covid-19 từ phòng hồi sức tích cực (ICU) tới phòng phẫu thuật ở bệnh viện Persahabatan tại thủ đô Jakarta, Indonesia |
IDI hiện lo ngại, hệ thống y tế quốc gia không thể chống chọi được cơn khủng hoảng vì dịch bệnh.
Theo Reuters, số trường hợp bác sĩ tử vong đang gia tăng ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, bất chấp việc 95% nhân viên y tế đã được tiêm phòng đầy đủ. Thực tế khiến chính phủ nước này phải sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của Moderna để tiêm tăng cường cho các nhân viên y tế đã được chủng ngừa bằng vắc xin Sinovac của Trung Quốc.
Indonesia đang được coi là tâm chấn mới của đại dịch toàn cầu, với số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới trong một tuần trở lại đây và số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi trong ngày cao thứ 2 sau Brazil. Hôm 18/7, quốc gia Đông Nam Á có thêm 44.721 ca mắc và 1.093 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên gần 2,9 triệu, trong đó 73.582 người đã tử vong.
IDI hy vọng chính phủ sẽ gia hạn và mở rộng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, vốn bắt đầu được triển khai ngày 3/7 và dự kiến hết hiệu lực vào ngày 20/7.
Ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt ở Singapore
Theo Bộ Y tế Singapore, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 88 ca mắc mới trong cộng đồng, mức cao kỷ lục kể từ tháng 8 năm ngoái, chủ yếu liên quan đến những ổ dịch mới bùng phát ở các quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong. Trong số các ca bệnh mới theo ngày, có tới 23 ca liên quan đến “ổ dịch” KTV và 37 ca liên quan đến cảng cá Jurong.
Nhằm ứng phó với diễn biến dịch phức tạp, nhà chức trách địa phương đã cho tạm đóng các cửa hàng bán cá tươi và hải sản tại tất cả các khu chợ, đồng thời tiến hành xét nghiệm kiểm dịch bắt buộc đối với mọi tiểu thương. Các tiểu thương sẽ phải tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm và những người nhận kết quả âm tính sẽ được phép tái mở cửa hàng của họ ngay lập tức.
Đài CNA trích dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh, hiện tiếp tục có bằng chứng cho thấy tiêm chủng đã giúp ngăn cản việc phát bệnh nặng khi mắc Covid-19. Cụ thể, trong 28 ngày gần đây, trong 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng cần truyền oxy, đưa vào khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện hoặc tử vong, có tới 7 trường hợp chưa tiêm vắc xin, 4 người tiêm một liều và không có trường hợp nào tiêm đủ cả 2 liều.
Nhà chức trách cũng yêu cầu các cá nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi, chưa đưa tiêm phòng cần “ở nhà càng nhiều càng tốt” và tránh đi ra ngoài vì những lí do không thiết yếu.
Cho đến nay, Singapore đã tiêm được hơn 6,7 triệu liều vắc xin, tương đương khoảng 58,3% dân số được chủng ngừa đầy đủ. Tổng số ca mắc ở đảo quốc sư tử hiện là 63.073 người, trong đó 36 ca bệnh thiệt mạng.
Thủ tướng Anh kêu gọi dân thận trọng vào “ngày tự do”
Đúng theo kế hoạch, Thủ tướng Boris Johnson sẽ chấm dứt hơn một năm áp các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm phòng chống dịch ở Anh trong ngày 19/7, “ngày tự do” như cách gọi của giới truyền thông. Quyết định được thực thi nhằm tái khởi động nền kinh tế điêu đứng vì Covid-19, bất chấp số ca mắc mới tại xứ sở sương mù đang gia tăng lên hơn 50.000 ca/ngày và nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tái bùng dịch sau đó.
Theo Reuters, nếu các vắc xin tiếp tục chứng minh hiệu quả trong việc giảm số ca bệnh nặng và số trường hợp tử vong vì dịch giữa lúc số ca mắc cao kỷ lục, quyết định của ông Johnson có thể báo hiệu cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác về cách khôi phục trạng thái bình thường.
“Nếu chúng ta không làm việc này bây giờ, chúng ta sẽ tự hỏi bản thân khi nào có thể làm được điều đó. Đây là lúc thích hợp, nhưng chúng ta cần phải thận trọng. Chúng ta cần phải nhớ rằng, đáng buồn thay, virus vẫn còn tồn tại ngoài kia”, Thủ tướng Anh tuyên bố trong một thông điệp video ghi sẵn hôm 18/7.
Bản thân ông Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đang phải tự cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm virus là Bộ trưởng Y tế Sajid Javid.
Anh hiện là “ổ dịch” lớn thứ 7 thế giới với hơn 5,4 triệu ca mắc và 128.708 bệnh nhân đã tử vong. Tuy nhiên, nước này đang có chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 nhanh hơn các quốc gia châu Âu khác. 87% dân số trưởng thành của Anh đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 68% đã được tiêm đủ cả 2 liều.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 19/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 191,2 triệu người, trên 4,1 triệu ca tử vong. Song, hơn 174,3 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 35 triệu ca mắc và 624.745 bệnh nhân không qua khỏi.
– Thủ đô Tokyo của Nhật đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa khai mạc Thế vận hội Olympic mùa hè. Nhà chức trách Tokyo hôn 18/7 ghi nhận thêm 1.008 ca dương tính với Covid-19, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp thành phố tăng hơn 1.000 ca/ngày. Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 xác nhận 2 ca mắc đầu tiên trong số các vận động viên đang lưu trú tại Làng vận động viên ở thủ đô Nhật và 1 vận động viên không lưu trú tại đây.
– Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo, nước này sẽ cấm tụ tập hơn 4 người ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận từ ngày 19/7, trong một nỗ lực nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus. Cho đến nay, xứ sở kim chi ghi nhận gần 178.000 ca mắc với 2.057 ca tử vong.
– Hơn 1.000 người hôm 18/7 đã đổ ra đường phố Bangkok, biểu tình đòi Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha phải từ chức bất chấp các quy định cấm tụ tập hơn 5 người ở thủ đô Thái Lan. Những người biểu tình đổ lỗi cho chính quyền của ông Prayut chậm trễ mua vắc xin dẫn tới việc nước này phải hứng chịu làn sóng dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, với số ca nhiễm mới mỗi ngày cao kỷ lục và các bệnh viện có nguy cơ quá tải. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng trấn áp cuộc biểu tình.
– Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang 3 tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao từ ngày 20/7 để phòng chống dịch sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp. Nhóm điều hành Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 Thái Lan cũng đề xuất các biện pháp phong tỏa bổ sung.
Nguồn: vietnamnet