Các trường đại học y khoa trên cả nước thường lấy điểm chuẩn thi đầu vào cao chót vót. Một nghiên cứu mới đây cho thấy tỉ lệ sinh viên y khoa có dấu hiệu trầm cảm khá cao mà áp lực học tập là yếu tố chính tác động nhiều đến trầm cảm.
“Có đến 49,2% sinh viên y khoa đa khoa chính quy của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có dấu hiệu trầm cảm” – cử nhân y tế công cộng Lê Hồng Hoài Linh, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và các cộng sự vừa công bố kết quả nghiên cứu này tại hội thảo khoa học công nghệ mới được tổ chức.
Áp lực từ việc học
Bạn T.K.N., sinh viên năm 6, chia sẻ: “Sinh viên y thường xuyên bỏ bữa do học bài, đi trực và thói quen sử dụng cà phê nhiều”. Một sinh viên năm 3 kể: “Có những ngày em cắm đầu vào học, chỉ uống một ly cà phê từ sáng tới chiều. Mấy ngày thi cử là ăn uống từa lưa hết…”.
Theo cử nhân Lê Hồng Hoài Linh, có nhiều yếu tố chính liên quan đến dấu hiệu trầm cảm như giới tính, kết thúc tình bạn, bất đồng hoặc gặp rắc rối với ba mẹ, thay đổi thói quen ăn uống, bỏ bữa ăn, học lực, áp lực từ việc học của bản thân. Trong đó, yếu tố áp lực từ việc học của bản thân là yếu tố chính tác động nhiều đến dấu hiệu trầm cảm của sinh viên y khoa.
Thời gian học tập của sinh viên y khoa kéo dài 6 năm, chương trình học khá dày. Sinh viên vừa phải học lý thuyết vừa thực tập lâm sàng liên tục, đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực rất nhiều để trau dồi cả kiến thức và kỹ năng, từ đó hình thành sức ép với bản thân và là yếu tố dẫn đến trầm cảm.
Giấc ngủ và bữa ăn là yếu tố rất quan trọng đối với con người, đặc biệt là đối với sinh viên y khoa.
Bên cạnh thói quen ăn uống, thói quen ngủ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến trầm cảm của sinh viên y khoa, khi các bạn thường xuyên đi trực đêm, thức khuya học bài.
Mối quan hệ với gia đình là một trong những yếu tố tác động nhiều đến tình trạng trầm cảm của sinh viên y khoa, khi gia đình vốn là nơi chia sẻ tâm sự, áp lực của các bạn trong cuộc sống, học tập, thì việc khó chia sẻ hoặc gặp những mâu thuẫn với ba mẹ càng khiến tinh thần của các bạn sinh viên cảm thấy nặng nề hơn.
Ngoài ra, học lực, áp lực từ việc học của bản thân, điểm số thấp hơn mong đợi, căng thẳng vì chương trình học, hiệu quả giờ học tại lớp và căng thẳng khi thi rớt là các yếu tố có liên quan đến dấu hiệu trầm cảm của sinh viên.
Rối loạn tâm thần phổ biến
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi nỗi buồn dai dẳng, mất hứng thú với các hoạt động thường thích, kèm theo việc không thể thực hiện các hoạt động thường ngày trong ít nhất 2 tuần.
Số lượng sinh viên đại học gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã gia tăng ở nhiều nước trên toàn thế giới, trong đó chủ yếu là các chứng trầm cảm, lo âu.
Theo nghiên cứu của Trần Quỳnh Anh và các cộng sự, thực hiện trên 2.099 sinh viên ở 8 trường đại học y khoa lớn trên cả nước, cho thấy có 43,2% trong 2.099 sinh viên có dấu hiệu trầm cảm.
Hầu hết các bạn sinh viên tham gia nghiên cứu đều cho rằng tỉ lệ trầm cảm trong sinh viên y đa khoa ngày càng tăng, đặc biệt vào thời gian thi cử.
Nguồn: tuoitre.vn