Sinh viên các trường đại học y dược có thời gian học tối đa đến 12 năm và có thêm 3 năm để hoàn thành các điều kiện tốt nghiệp. Trong khi đó ở Trường Bách khoa TP.HCM và nhiều trường khác thời gian học tối đa chỉ 6-8 năm.
Thông tư 08/2021 của Bộ GD-ĐT về Quy chế đào tạo trình độ ĐH quy định: Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Mặt khác, Thông tư 08/2021 cũng quy định: Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần giáo dục quốc phòng – an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.
Như vậy, với quy định này những ngành học theo kế hoạch học tập 3 năm rưỡi sẽ có thời gian đào tạo tối đa 7 năm, ngành 4 năm tối đa 8 năm, ngành 5 năm tối đa 10 năm và ngành 6 năm tối đa 12 năm, ngoài ra có thể cộng thêm 3 năm nếu chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. Trên cơ sở này, các trường đang xây dựng và ban hành quy chế đào tạo đại học phù hợp.
Học bác sĩ có thể kéo dài đến 15 năm
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo, cho hay theo quy chế đào tạo của trường, đối với các ngành đào tạo bác sĩ, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học là 12 năm, với những ngành cử nhân thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học là 8 năm.
Những sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng – an ninh hoặc giáo dục thể chất thì có thêm 3 năm nữa để hoàn thành các điều kiện này. Như vậy thời gian để sinh viên tốt nghiệp có thể từ 11 hoặc 15 năm tùy ngành học.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Theo ông Khôi, do đặc thù của ngành y dược, hiện nhà trường chưa ghi nhận sinh viên nào tốt nghiệp sớm, nhưng cũng chưa có sinh viên nào sử dụng thời gian đào tạo tối đa là 12 năm và 3 năm hoàn thành điều kiện tốt nghiệp.
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, theo quy chế đào tạo của trường, thời gian đào tạo chuẩn của trường cho các hệ là 4 năm, 5 và 6 năm. Thời gian đào tạo tối đa tương ứng là 8 năm, 10 năm và 12 năm.
Ngoài ra, nếu sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng – an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.
Nhiều trường từ 6-8 năm
(Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đạo tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết nhà trường quy định hệ cử nhân có 4 năm học tiêu chuẩn và 2 năm kéo dài, hệ kỹ sư có 5 năm học tiêu chuẩn và 2 năm kéo dài.
Những trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng sẽ quyết định thời gian kéo dài thêm 2 học kỳ. Trong thời gian học tiêu chuẩn và kéo dài, sinh viên phải hoàn thiện các điều kiện tốt nghiệp như đầu ra ngoại ngữ, an ninh quốc phòng, thể chất.
Ông Thắng cho hay, mỗi khoá trường chỉ có 1-2 sinh viên tốt nghiệp sớm, 50-60% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, còn khoảng 15-20% sinh viên phải kéo dài thời gian học và sử dụng hết thời gian đào tạo tối đa.
“Nhà trường quy định thời hạn đào tạo tối đa nhằm đặt ra lộ trình học tập hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường của người tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc học là suốt đời, người học có thể quyết tâm để rút ngắn thời gian, cũng có thể học chậm rãi bằng cách chuyển sang hệ vừa làm vừa học để hoàn tất chương trình đào tạo sau khi hết thời gian quy định kéo dài”, ông Thắng nói.
Còn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM xây dựng thời gian đào tạo cho hệ cử nhân là 3,5 năm và kỹ sư là 4 năm. Thời gian đào tạo tối đa tương ứng cho hệ cử nhân là 7 năm còn hệ kỹ sư là 8 năm.
Trường yêu cầu trong khoảng thời gian này sinh viên phải hoàn thiện các điều kiện tốt nghiệp. Tại trường này, mỗi khoá có vài chục sinh viên (khoảng 1%) tốt nghiệp sớm, 60% sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn, còn lại phải kéo dài thời gian đào tạo.
Ở Trường ĐH Sài Gòn, thời gian đào tạo chuẩn cho sinh viên là 4 năm, còn thời gian đào tạo tối đa là 8 năm. Hết thời gian học tập tối đa nếu chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần giáo dục quốc phòng – an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin thì sẽ có 3 năm để hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.
Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết thời gian đào tạo tối đa cho sinh viên của trường cũng 8 năm, trong đó 4 năm là thời gian chuẩn, 4 năm kéo dài. Trong thời gian này, sinh viên phải hoàn thiện các điều kiện tốt nghiệp.
“Rất hiếm hoi mới có sinh viên tốt nghiệp sớm. Sinh viên tốt nghiệp đúng hạn dao động từ 50 đến hơn 90% tuỳ từng ngành, bên cạnh đó có một số sinh viên phải mất 8 năm mới ra được trường”, ông Quốc nói.
Nguồn: vietnamnet