Ngày 27-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bắt đầu chuyến công du kéo dài sáu ngày đến Trung Quốc theo lời mời của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của ông Lý Hiển Long trong khoảng bốn năm qua.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) dự kiến gặp tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các quan chức cấp cao khác trong chuyến thăm - Ảnh: AFP

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) dự kiến gặp tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các quan chức cấp cao khác trong chuyến thăm 

Nhìn từ bối cảnh khu vực, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Lý Hiển Long diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, cả về thương mại, công nghệ, cáo buộc hoạt động gián điệp cho đến việc Washington nghi ngờ Bắc Kinh hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Vấn đề chung của ASEAN

Cạnh tranh Mỹ – Trung không chỉ là vấn đề cho chỉ riêng Singapore mà còn cho nhiều quốc gia khác trong khối ASEAN, khi tác động của nó ngày càng rõ rệt dần lên khu vực.

Không quốc gia thành viên ASEAN nào muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng sự cân bằng đó ngày càng khó đạt được. Chắc chắn đây là một trong những mối quan tâm của ông Lý trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.

Ngay trước chuyến thăm, vào đầu tháng 3 ông Lý Hiển Long đã đồng ý trả lời phỏng vấn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Trong cuộc phỏng vấn, ông Lý đã mô tả quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc là “rất tốt”.

Ông Lý cũng nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cần phải được chấp nhận từ tất cả các quốc gia, đồng thời thừa nhận rằng Trung Quốc hiện có vai trò và tiếng nói lớn hơn trên trường toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó ông Lý lưu ý về tác hại của căng thẳng Mỹ – Trung. Ông Lý cho biết thế giới không thể dàn xếp xung đột Mỹ – Trung, đặc biệt là khi tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.

Trung Quốc và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990 nhưng trên thực tế, sự hợp tác song phương bắt nguồn từ trước đó, khi người lập quốc Singapore Lý Quang Diệu có mối quan hệ thân tình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từ cuối thập niên 1970.

Trong nhiều thập niên qua, Singapore cố gắng thúc đẩy chính sách thân thiện với Trung Quốc nhưng bên cạnh đó cũng duy trì mối quan hệ đối tác thân thiết với Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ được coi là đã gây áp lực lớn hơn cho Singapore, đặc biệt nỗ lực gây ảnh hưởng để Singapore có lập trường thân thiện với một trong hai bên hơn.

Trong bài phát biểu Thông điệp Quốc khánh năm ngoái dài 10 phút vào ngày 8-8-2022, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo rằng “một cơn bão đang tập trung” xung quanh Singapore trong bối cảnh địa chính trị khu vực bất ổn, khi ông Lý nói về mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi “với những vấn đề nan giải, sự nghi ngờ sâu sắc và tiếp xúc hạn chế giữa họ”.

Ông Lý cũng lưu ý rằng: “Con đường phía trước của chúng ta sẽ không dễ dàng. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể cải thiện sớm. Hơn nữa, những tính toán sai lầm hoặc rủi ro có thể dễ dàng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

Bí quyết giữ cân bằng

Hiện tại, cách thức phản ứng của Singapore đối với sự căng thẳng Mỹ – Trung là áp dụng chính sách tương tự với cả hai siêu cường.

Theo bài báo “Sự chia rẽ Mỹ – Trung buộc Singapore phải chọn bên” của William Choong – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore – trên tờ Foreign Policy vào tháng 7-2021, Singapore đang cố gắng dung hòa lợi ích của hai bên Trung – Mỹ trong quan hệ với Singapore.

Năm 2019, Singapore ký gia hạn biên bản ghi nhớ mở rộng với Mỹ tạo điều kiện cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân của hòn đảo và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho nhân viên, máy bay và tàu hải quân của Mỹ.

Chỉ chưa đầy một tháng sau bản ghi nhớ đó, Singapore và Trung Quốc đã cập nhật thỏa thuận quốc phòng song phương, bao gồm các điều khoản về huấn luyện quân sự chung, đối thoại cấp bộ trưởng thường xuyên và đường dây nóng song phương.

Các chuyến thăm cấp cao cũng không nằm ngoài quy luật. Đúng một năm trước chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ từ ngày 26-3-2022 đến 2-4-2022.

Về mặt kinh tế, Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất theo quốc gia tại Singapore, với giá trị đầu tư trị giá 528 tỉ USD vào năm 2020. Còn Singapore là nhà đầu tư châu Á lớn thứ hai tại Mỹ sau Nhật Bản.

Ngoài ra, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ với các nguyên tắc về tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải về mặt lý thuyết sẽ được một quốc gia thương mại biển như Singapore hoan nghênh.

Tuy nhiên, Singapore cũng hết sức thận trọng để tránh bị Trung Quốc xem là gia nhập liên minh kiềm chế Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt.

Do đó, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gây chú ý không chỉ vì những gì Singapore sẽ đạt được sau chuyến đi, mà còn cả vì cách tiếp đón của chủ nhà Trung Quốc đối với một quốc gia đang cố gắng thực hiện chính sách cân bằng giữa hai đại cường Trung – Mỹ.

Coi trọng Trung Quốc về kinh tế

Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Bác Ngao về châu Á (BFA) ở đảo Hải Nam, với chủ đề “Một thế giới bất định: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức”.

Được khởi xướng và dẫn dắt bởi Trung Quốc, Diễn đàn Bác Ngao có mô hình giống Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên được tổ chức ở Davos (Thụy Sỹ), nhằm thảo luận các vấn đề nóng bỏng của khu vực cũng như có mục đích thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của cả Singapore và ASEAN. Do đó, thông qua chuyến thăm ông Lý dường như muốn đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Singapore, cũng như các quốc gia ASEAN khác, coi Trung Quốc là một động lực tăng trưởng kinh tế và ổn định cho sự thịnh vượng của khu vực.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Lý Hiển LongMỹ - TrungsingaporeThủ tướng Singapore

Các tin liên quan đến bài viết