Trong lúc nhiều nước châu Á vẫn phát các thông báo cập nhật về tình hình COVID-19 hằng ngày, Singapore đã bỏ cách làm này.

Singapore bỏ công bố ca nhiễm hằng ngày, giảm đưa tin về COVID-19, vì sao? - Ảnh 1.

Bản cập nhật đầu tiên trên web của Bộ Y tế Singapore sau khi quyết định không gửi thông cáo cho báo chí, chỉ công bố trên trang của Bộ với những con số cụ thể hơn về ca nhiễm

Bộ Y tế Singapore lý giải họ làm vậy vì “đợt dịch hiện nay do biến thể Delta gây ra đang tạm lắng”, song giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân còn nhiều hơn thế.

Giảm đưa tin về COVID-19

Trước ngày 7-12, trong các bản “Cập nhật tình hình COVID-19 cộng đồng” hằng ngày, Bộ Y tế Singapore sẽ cung cấp các thông tin như tình hình dịch trong cộng đồng, tình hình các bệnh viện, tình trạng bệnh nhân, tiêm chủng, số ca xuất viện…

Trong đó cũng sẽ công bố số ca nhiễm mới, tử vong, xuất viện trong 24 giờ cùng nhiều thông tin khác. Song từ ngày 7-12, Singapore sẽ không phát các thông báo như vậy nữa, dù các số liệu về dịch bệnh vẫn được cập nhật liên tục trên trang web của Bộ Y tế và người dân vẫn có thể xem nếu cần.

“Bằng cách không còn phát thông cáo hằng ngày về COVID-19, rõ ràng Bộ Y tế Singapore đã phát đi tín hiệu Singapore đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển tiếp từ “phản ứng với đại dịch” sang “phản ứng với bệnh đặc hữu”” – giáo sư Teo Yik-Ying, hiệu trưởng Trường y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), bình luận.

Theo ngày, tuần, hay tháng?

Hiện vẫn còn nhiều nơi ở châu Á cập nhật thông tin hằng ngày về COVID-19 trên truyền thông như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hong Kong…

Một số chuyên gia Singapore gợi ý chỉ cần cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần hoặc hằng tháng thay vì hằng ngày. Phó giáo sư Alex Cook của Trường y tế công cộng Saw Swee Hock cho rằng bản cập nhật hằng tuần sẽ cho “cái nhìn chính xác hơn, toàn diện hơn về dịch bệnh” và cũng phù hợp với tần suất cập nhật hằng tuần của Bộ Y tế Singapore với các bệnh truyền nhiễm khác.

Singapore bỏ công bố ca nhiễm hằng ngày, giảm đưa tin về COVID-19, vì sao? - Ảnh 2.

Người dân dùng điện thoại của họ để hoàn tất các thủ tục kiểm tra phòng dịch trước khi vào một trung tâm ăn uống tại Singapore trong dịch COVID-19, ảnh chụp ngày 3-11

Tuy nhiên, phó giáo sư Hsu Li Yang – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường y tế công cộng Saw Swee Hock – đưa ra đề xuất táo bạo hơn. Ông cho rằng ngay cả báo cáo hằng tháng cũng không cần thiết, “ngoại trừ một số thay đổi lớn như sự xuất hiện của biến thể Omicron”.

Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả từ cách tiếp cận của Bộ Y tế Singapore. Nếu quả thực cuối cùng Singapore có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu và không cần cập nhật tình hình COVID-19 hằng ngày nữa, đây sẽ là điều để các nước khác tham khảo.

Dẫu vậy lúc này Singapore vẫn đang mắc kẹt trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Họ còn áp dụng cơ chế làm việc mặc định tại nhà, giới hạn số người tụ tập tối đa 5 người và yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở hầu như mọi nơi công cộng.

Chính phủ Singapore cho biết chưa nới lỏng thêm các hạn chế lúc này vì lo ngại biến thể Omicron. Chưa rõ Bộ Y tế Singapore có phát lại thông báo cập nhật về COVID-19 hằng ngày không, nếu biến thể Omicron trở nên phổ biến hơn.

Chuyên gia WHO: Omicron không gây bệnh nặng hơn

Hôm 8-12, Hãng tin AFP đưa tin ông Michael Ryan – giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – đánh giá biến thể Omicron có thể làm lây nhiễm cao hơn so với biến thể khác nhưng dường như không gây bệnh nặng hơn cũng như “rất khó có khả năng” lẩn tránh được hoàn toàn vắc xin.

Cho tới lúc này, thế giới chưa ghi nhận ca tử vong nào do biến thể Omicron. Tới nay, biến thể mới đã lan ra ít nhất 57 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Trong một diễn biến khác, hôm 8-12 các nhà khoa học tại Đại học Hong Kong đã công bố hình ảnh đầu tiên về biến thể Omicron dưới kính hiển vi điện tử.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : OmicronSingapore bỏ công bố ca nhiễm COVID-19SingaporeCovid-19

Các tin liên quan đến bài viết