Ngày 16-7, thêm một vài điểm bán tại TP.HCM được mở cửa trở lại hoạt động sau thời gian tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, giúp nhiều người dân có thêm điểm mua hàng.
Trong ngày mở cửa trở lại, siêu thị Satramart, siêu thị Sài Gòn (Q.10) và siêu thị Phạm Hùng (Bình Chánh) đã áp dụng biện pháp giới hạn lượt khách mua sắm từ 15-20 người, thời gian mua hàng 15-30 phút, không được mua quá 3 vỉ trứng/ngày, 2 thùng mì gói… Trong thời gian ngồi đợi đến lượt, khách được phát phiếu để ghi nhu cầu mua sắm, nhân viên siêu thị hỗ trợ soạn sẵn hàng.
Tại một số khu vực, lượng khách đến mua sắm có giảm nhẹ nhưng các siêu thị vẫn bị quá tải phục vụ do phải đảm bảo giãn cách. Tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), người mua hàng đã có mặt từ 5h sáng để xếp hàng chờ tới lượt vào mua sắm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ quả…
Tuy nhiên, khách không được đi lại tự do trong siêu thị mà theo lượt ưu tiên ngành hàng như bắt đầu từ khu vực hải sản rồi đến gian hàng thịt, trứng… Để giảm tải khách đến mua sắm, nhà bán lẻ này cho biết tiếp tục đẩy mạnh phát triển giải pháp bán hàng trực tuyến.
Hệ thống này cũng đang triển khai thí điểm hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế và phong tỏa theo những combo được chuẩn bị sẵn nhằm khắc phục phần nào tình trạng quá tải các đơn hàng online, nhanh đưa thực phẩm đến tay khách hàng.
Trong khi đó, nhiều điểm bán của Co.opFood bắt đầu ngưng đón khách vào bên trong, chỉ nhận đơn hàng đặt qua điện thoại, Zalo… Khách có thể đến nhận hàng trong khung giờ theo quy định hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng, nhằm bảo vệ điểm bán tránh nguy cơ lây nhiễm.
Tính đến cuối ngày 16-7, cả TP chỉ còn 40 chợ truyền thống, gần 100 siêu thị và hơn 2.770 cửa hàng tiện lợi hoạt động… Tuy nhiên, các điểm bán này phân bổ không đồng đều nên những điểm bán nằm trong khu dân cư đông đúc có tình trạng hết hàng sớm, chợ đẩy giá cao.
Chợ đầu mối Hóc Môn tiếp tục đóng cửa
Thông tin từ chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM) cho biết UBND huyện Hóc Môn vừa ra văn bản yêu cầu tiếp tục tạm ngưng mọi hoạt động mua bán trực tiếp tại chợ này cho đến khi có quyết định mới, thay vì chỉ đóng cửa đến ngày 15-7 như công bố trước đó.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nhu – phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sau 5 ngày áp dụng lập điểm trung chuyển đầu mối tạm thời, lượng nông sản về chợ khá khiêm tốn, thậm chí đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lượng nông sản nhập chợ hai ngày qua (15 và 16-7) chỉ hơn 60 tấn/ngày và chỉ giao cho 5-6 thương nhân, giảm 10 tấn so với ngày 14-7, khá ít so với lượng bình quân 3.300 tấn/ngày vào thời điểm bình thường.
“Rau củ quả tại các địa phương đang tồn đọng khá nhiều nhưng thương lái, tài xế không dám đánh hàng về chợ do gặp khó trong khâu vận tải. Chính quyền TP.HCM nên xem xét làm việc lại với các địa phương hoặc có phương án để tháo gỡ vấn đề này, nếu không chợ có mở ra cũng không có hàng bán” – ông Nhu nói.
Nguồn: tuoitre.vn