Thấy việc dụ dỗ, lừa đảo người khác đưa tiền cho mình tiêu xài quá dễ dàng nên Hồ Thị Kim Luân đã không từ hành vi, thủ đoạn nào để ngày càng lún sâu vào con đường phạm tội. Trong đó, Luân đã cùng đồng bọn vạch kế hoạch, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện các hành vi lừa đảo. Nguy hiểm hơn, Luân còn thuê người đóng giả lãnh đạo quân đội… và “đạo diễn” cho những người này cùng thực hiện các hành vi phạm tội.

Siêu lừa sa lưới – Bài 1

THUÊ NGƯỜI ĐÓNG GIẢ THIẾU TƯỚNG…

Bà Trần Thị Nhiệm trú phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài có người con gái tốt nghiệp Trường cao đẳng công nghiệp cao su, nhưng chưa xin được việc làm. Qua sự giới thiệu của bà Đỗ Thị Thanh Luân (một nạn nhân trong vụ án) nên giữa năm 2012, bà Nhiệm nhờ Hồ Thị Kim Luân xin cho con gái mình vào làm việc tại Kho K882, xã Đồng Tiến (Đồng Phú). Luân ra giá xin việc là 45 triệu đồng và sẽ đi làm sau 1 tháng. Bà Nhiệm đồng ý và đưa tiền cho Luân.

Tiệm photocopy – nơi Vũ Thị Diệu Thúy thuê người làm giả con dấu, tài liệu để lừa đảo

Đến hẹn, Luân lấy cớ lãnh đạo đi công tác chưa sắp xếp được vị trí làm việc nhưng con gái bà Nhiệm đã có tên trong danh sách được mua đất giá ưu đãi. Trong việc mua đất, bà Nhiệm nghe bà Thanh Luân nói lại nên tin tưởng tuyệt đối vào kẻ lừa đảo. Sau đó, bà Nhiệm đưa cho bà Thanh Luân 100 triệu đồng để nhờ bà này mang cho “nữ quái” mua giùm 1 ha cao su và 1 lô đất ở. Cuối năm 2012, Luân trực tiếp gặp bà Nhiệm nói việc Kho K860 ở Biên Hòa (Đồng Nai) có phân lô bán nền và gợi ý bà Nhiệm góp vốn mua để kiếm lời. Bà Nhiệm không ngần ngại đưa 2,155 tỷ đồng cho Luân góp vốn mua đất. Để nạn nhân tin tưởng, Luân bàn với Vũ Thị Diệu Thúy (là một nạn nhân trước đó của Luân) trú phường Tân Phú, lấy một số điện thoại di động nhắn tin cho bà Nhiệm nói đây là số máy của Thiếu tướng Trần Trọng Tuấn, Cục trưởng Cục Quân khí (Bộ Quốc phòng) để bà Nhiệm yên tâm về dự án mua bán đất nền do “nữ quái” này đã vẽ ra. Sau đó, Luân bàn với Thúy tìm và thuê Lê Trần Minh (1978) trú phường Phước Bình, thị xã Phước Long đóng giả Thiếu tướng Trần Trọng Tuấn. Khi bà Nhiệm yêu cầu được gọi điện thoại nói chuyện với Thiếu tướng thì Luân nói tướng Tuấn đang bận họp, không tiện nghe máy mà chỉ nhắn tin trao đổi. Do bà Nhiệm làm căng nên Luân đồng ý cho Minh gọi điện thoại và yêu cầu bà Nhiệm đưa thêm tiền để được gặp mặt “Thiếu tướng”.

Đầu năm 2015, bà Nhiệm gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Hồng Thanh hỏi về vụ việc. Thanh xác nhận mình được Luân xin vào làm việc tại Kho K882 và thấy trong đơn vị có nhiều người nộp tiền mua đất. Tin lời Thanh, bà Nhiệm đưa thêm 145 triệu đồng cho Luân. Luân trích 10 triệu đồng thưởng công đóng vai Thiếu tướng cho Lê Trần Minh. Đến tháng 4-2016, tổng số tiền bà Nhiệm đưa cho Luân là 2,5 tỷ đồng. 

VÒNG VO ĐỂ TRỐN TỘI

Để có tiền đưa cho kẻ lừa đảo, bà Nhiệm đã phải vay bà Phạm Thị Hường cùng trú phường Tân Phú nhiều lần. Khi bà Hường đòi thì bà Nhiệm không có tiền trả và nói rõ lý do vay. Sau đó, bà Nhiệm đưa bà Hường đi gặp Luân để xác minh sự việc.

Sau khi gặp bà Hường, Luân xác định đây là “con mồi béo bở” nên bàn với Vũ Thị Diệu Thúy, Lê Trần Minh cùng giăng bẫy. Với bổn cũ soạn lại, Luân đã lấy của bà Hường nhiều lần với tổng gần 2,6 tỷ đồng. Do sự việc kéo dài nên đầu tháng 4-2016, bà Hường đòi lại số tiền đã chung nhưng Luân không có tiền để trả. Bà Hường đe dọa tố cáo hành vi lừa đảo của Luân đến cơ quan công an. Sợ bà Hường làm thật, Luân “lệnh” cho Thúy ra tiệm phôtô Hòa (phường Tân Đồng, TX. Đồng Xoài) thuê Huỳnh Phạm Phương Thảo và Bùi Nguyễn Minh Thảo làm giả giấy mời của Cục Quân khí có đóng dấu mộc đỏ đưa cho nạn nhân đến Kho K882 nhận đất. Với thủ đoạn tương tự, ông Nguyễn Danh Mạc trú xã Đồng Tâm (Đồng Phú) cũng bị Luân cùng Thúy, Minh lừa mua đất với tổng 2,065 tỷ đồng. Ngoài ra còn có bà Ngô Thị Tuyến (1971), bà Đỗ Thị Tố (1972) cùng trú phường Tân Đồng và Trần Thị Bích Phượng (1986) trú xã Đa Kia (Bù Gia Mập) là những nạn nhân của Hồ Thị Kim Luân cùng đồng bọn với số tiền bị lừa hàng tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, để đưa bà Phạm Thị Hường, ông Nguyễn Danh Mạc “vào tròng”, ngoài việc thuê Lê Trần Minh đóng giả Thiếu tướng Trần Trọng Tuấn, Luân còn thuê một người đàn ông trú phường Long Phước, thị xã Phước Long đóng vai cán bộ tên Hồng hiện công tác tại Cục Quân khí. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ giữa Luân cùng vị thiếu tướng giả với ông Mạc và các nạn nhân tại một quán cà phê thì người này cho bà Hường biết mình không phải cán bộ Hồng ở Cục Quân khí mà được thuê đóng giả. Ngay lập tức, ông Mạc, bà Hường, bà Thanh Luân đòi lại tiền. Cùng thời điểm đó, mẹ của Luân ở Đắk Lắk nhắn tin cho “nữ quái” này vay 2 triệu đồng và đã chuyển tiền vào tài khoản. Luân sửa tin nhắn từ 2 triệu đồng thành 14,2 tỷ đồng để lòe bịp các nạn nhân. Sau đó, Luân hứa cho Phạm Tiến Mịnh ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) vay 500 triệu đồng nếu ông này mặc quân phục sĩ quan đi gặp các nạn nhân nói về dự án bán đất nền ở Kho K882 là có thật. Đồng thời, Luân còn kể cho ông Mịnh chuyện mình đã lừa đảo các nạn nhân hơn 5 tỷ đồng và đang chờ gia đình ở Đắk Lắk bán đất để trả. Ông Mịnh biết ở Kho K882 không có dự án bán đất nhưng vì những lời hứa hẹn và thấy trong tin nhắn của Luân có 14,2 tỷ đồng nên đã khoác quân phục lên Đắk Nông gặp các nạn nhân để nói chuyện theo kịch bản kẻ lừa đảo đã soạn sẵn.

TRÁI ĐẮNG

Sau khi ông Mịnh đi gặp gỡ và hứa hẹn việc trả tiền cho các nạn nhân, Luân vẫn kiếm cớ để thoái thác. Nạn nhân tìm đòi thì Luân cho biết hệ thống chuyển tiền của ngân hàng bị “trục trặc” nên chưa rút được tiền. Vì vậy, các nạn nhân tiếp tục đưa tiền cho Luân để lên Đắk Lắk rút tiền, trong đó ông Mịnh đưa 4,7 triệu đồng, bà Hường 5 triệu đồng… làm lộ phí.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ thêm một số nạn nhân của Luân và đồng bọn. Theo đó, từ năm 2012 đến giữa năm 2016, bằng thủ đoạn xin việc và mua đất giá rẻ… Hồ Thị Kim Luân lừa được 13 người với tổng hơn 18,1 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan điều tra đã xác định Hồ Thị Kim Luân chỉ đạo cho Vũ Thị Diệu Thúy thuê người làm giả giấy thông báo để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Thúy là người trực tiếp liên hệ và thuê Lê Trần Minh đóng giả Thiếu tướng Trần Trọng Tuấn, đồng thời đưa các thông tin sai lệch để tạo điều kiện cho Luân lừa đảo hơn 8,4 tỷ đồng trong tổng số tiền nói trên. Còn Lê Trần Minh sau khi được thuê đóng giả thiếu tướng đã thường xuyên điện thoại, nhắn tin cho các nạn nhân để giúp Luân lừa đảo hơn 7,8 tỷ đồng. Riêng Nguyễn Thị Hồng Thanh, cơ quan chức năng xác định đây là nạn nhân đầu tiên trong vụ án nhưng vì hám lợi nên đã ngụy tạo ra nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật. Những thông tin mà Thanh đưa ra là để giúp Luân thực hiện các hành vi lừa đảo với tổng gần 2,75 tỷ đồng… Riêng trường hợp của Huỳnh Phạm Phương Thảo, chủ tiệm photocopy Hòa và Bùi Nguyễn Minh Thảo nhân viên tiệm này là bị can trong vụ án đã phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vì đã 2 lần được Vũ Thị Diệu Thúy thuê làm giả giấy thông báo giúp Luân thực hiện hành vi lừa đảo.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án và củng cố hồ sơ truy tố các bị can trước tòa xét xử theo quy định của pháp luật.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : lừa đảosiêu lừaVũ Thị Diệu Thúy

Các tin liên quan đến bài viết