Sau một vụ nổ siêu tân tinh, kích thước to lớn của Megalodon có thể khiến khiến tỉ lệ mắc ung thư của loài sinh vật này cao hơn các loài sinh vật nhỏ bé khác cùng thời trên Trái đất.
Đó là giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Astrobiology ngày 14-12.
Dựa trên các công trình nghiên cứu trong năm 2016 và 2017, nhóm nghiên cứu do ông Adrian Adrian Mellot dẫn đầu đã đi tới kết luận rằng một vụ nổ siêu tân tinh cách đây 2,6 triệu năm đã dẫn tới sự biến mất của 36% những sinh vật khổng lồ trong đại dương chúng ta, bao gồm cả loài Megalodon.
Theo ông Mellot, vụ nổ siêu tân tinh cách Trái đất 150 năm ánh sáng đã bắn những cơn mưa tia vũ trụ xuống Trái đất, bao phủ mặt đất bởi các muon – hạt cơ bản tương tự electron, gây ra tình trạng đột biến và ung thư cho các sinh vật.
Muon đi qua cơ thể người mỗi ngày và chiếm khoảng 1/5 lượng bức xạ mà chúng ta hấp thụ. Chỉ một số nhỏ lượng muon sẽ tương tác với các thành phần trong cơ thể. “Nhưng khi số lượng chúng quá lớn và năng lượng quá nhiều, chúng sẽ gây ra tình trạng đột biến và ung thư. Đó là tác động sinh học chính.
Với kích thước của con người, chúng tôi ước tính nguy cơ mắc ung thư sẽ cao hơn 50 lần so với bình thường. Kích thước càng lớn thì tỉ lệ mắc ung thư sẽ càng cao” – ông Mellot nói.
Brian C. Thomas, Giáo sư về Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Washburn (Mỹ), là một trong những nhà khoa học đầu tiên tìm thấy sự liên quan giữa các siêu tân tinh và sự tuyệt chủng.
Ông Thomas không tham gia vào nhóm nghiên cứu, nhưng cho biết những phát hiện của các tác giả cho thấy bức tranh thú vị về tác động siêu tân tinh đối với những dạng sống trên Trái đất.
Thứ duy nhất tồn tại của cá mập Megalodon đến ngày nay là những chiếc răng hàm. Có nhiều giả thuyết cho việc Megalodon – loài cá mập có chiều dài lên tới 18m và đường kính hàm răng hơn cả chiều cao một người trưởng thành, bị tuyệt chủng.
Chúng bao gồm biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn thức ăn và sự lấn lướt của những kẻ săn mồi mới trong đại dương.
Nguồn: tuoitre.vn