Ca phẫu thuật lấy dị vật nghi là chiếc panh y tế, nằm trong ổ bụng bệnh nhân từ tháng 6-1998 dự kiến sẽ tiến hành trong vài ngày tới tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, bệnh nhân đã vào viện này để chuẩn bị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bệnh viện Gang thép cho biết do ca bệnh liên quan đến tai biến y tế, nên bệnh viện đã mời Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ. Về khả năng dị vật nghi là chiếc panh đã nằm trong ổ bụng bệnh nhân 18 năm rưỡi, vị này cho rằng mỗi cơ thể người có đặc trưng và sức chịu đựng khác nhau, hình ảnh dị vật trên phim X-quang nghi là chiếc panh, nhưng thực tế nó là gì cần phải đợi sau phẫu thuật. Chiều 29-12, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đã có văn bản gửi Sở Y tế Bắc Kạn, đề nghị làm rõ vụ việc, phối hợp với bệnh nhân và đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe cho người bệnh, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan (trong ca mổ để sót dị vật nghi là chiếc panh trong ổ bụng bệnh nhân từ tháng 8-1998 đến nay) và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 6-1-2017.
* Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM, đề nghị làm rõ ca tử vong sau mổ ruột thừa tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, của bệnh nhân Lê Thị Kim Tiền, 45 tuổi, ở quận 8, TP.HCM vừa qua.
* Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) ngày 29-12 cũng có báo cáo cho rằng bé sơ sinh Nguyễn Hồng Ngọc, cân nặng sơ sinh 4,9kg, tử vong hôm 20-12 tại bệnh viện này là do hạ đường huyết nặng, khó điều trị, nhiễm trùng sơ sinh do truyền đường liên tục. Trước đó khi bé Ngọc (sinh ngày 17-12 tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Hà Nội) tử vong hôm 20-12, gia đình đã bao vây Bệnh viện đa khoa Vân Đình vì cho rằng bệnh viện chậm trễ thực hiện mổ đẻ và chuyển viện lên tuyến trên.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh việnchiếc panhphẫu thuật

Các tin liên quan đến bài viết