Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vừa ký ban hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân. Ngay sau khi ban hành, quyết định này đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Bởi đây là các quy định cần thiết, là những chế tài dưới luật không những điều chỉnh tác phong, lề lối làm việc mà cả đạo đức công vụ của người “cầm cân nảy mực”. Và dư luận cho rằng, đây mới thực sự là giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, ngăn chặn những vụ án oan sai. Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc về các hình thức xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán tòa án nhân dân các cấp được nêu trong quyết định này:
HÌNH THỨC KIỂM ĐIỂM TRƯỚC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi có một trong những hành vi vi phạm sau đây: Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn. Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Thụ lý vụ, việc chậm quá thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày đủ điều kiện thụ lý theo quy định. Trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa án nhân dân.
Thẩm phán bị bố trí làm công việc khác khi ra bản án, quyết định không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến việc tòa án phải bồi thường. Trong ảnh là một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài (ảnh minh họa) – S.Hòa
Để từ 1 đến 3 vụ, việc quá thời hạn dưới 6 tháng, kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng. Ra 1 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định của pháp luật hoặc không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Ra bản án, quyết định, sau khi được công bố trên cổng thông tin điện tử tòa án có nhiều sai sót bị phát hiện, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa án nhân dân.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án theo quy định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Có hành vi chậm ra bản án, cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian giữ nhiệm kỳ, thẩm phán có tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan từ trên 1,16% đến dưới 2% so với tổng số vụ, việc đã tham gia giải quyết, xét xử. Ra 1 quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Trong 1 năm, thẩm phán ra bản án xử phạt 1 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.
TẠM DỪNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi có một trong những hành vi vi phạm sau đây: Đã bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị nhưng sau đó tiếp tục có một trong những hành vi vi phạm như sau:
Ra từ 2 quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để từ trên 3 vụ, việc quá thời hạn dưới 6 tháng hoặc 1 vụ, việc trở lên quá thời hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng. Chậm ra bản án; cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong 1 năm công tác, thẩm phán ra bản án xử phạt 2 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.
Ra 1 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định của pháp luật hoặc không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong thời gian giữ nhiệm kỳ, thẩm phán ra bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm từ 2% đến dưới 3% tổng số vụ, việc đã tham gia giải quyết, xét xử.
HÌNH THỨC BỐ TRÍ LÀM CÔNG VIỆC KHÁC
Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức bố trí làm công việc khác khi có một trong những hành vi vi phạm sau đây: Ra bản án tuyên bị cáo có tội, nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền tuyên bị cáo đó không có tội, hoặc hủy bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Xét xử bỏ lọt tội phạm đối với 1 bị cáo do lỗi chủ quan trong trường hợp viện kiểm sát truy tố, thẩm phán tuyên bị cáo không có tội nhưng sau đó tòa án có thẩm quyền ra bản án tuyên bị cáo có tội.
Ra bản án, quyết định không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến việc tòa án phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Có bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc: Xem xét, đánh giá chứng cứ; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; áp dụng pháp luật không đúng gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của tòa án. Trong thời gian giữ nhiệm kỳ, thẩm phán ra bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm từ 3% trở lên tổng số vụ, việc đã tham gia giải quyết, xét xử.
Trong 1 năm công tác, thẩm phán ra bản án xử phạt 3 bị cáo trở lên hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật. Trong 1 năm công tác, thẩm phán áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật đối với 1 bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc 1 bị cáo phạm tội khác nhưng gây dư luận xấu.
Đã bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng sau đó tiếp tục ra 1 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định của pháp luật hoặc không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật gây thiệt hại dẫn đến Tòa án phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
CHƯA XEM XÉT ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM LẠI THẨM PHÁN
Khi kết thúc nhiệm kỳ, thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong những trường hợp sau đây: Thẩm phán được giao giải quyết, xét xử dưới 100 vụ, việc có bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm từ 1,5% đến dưới 3% tổng số vụ, việc đã giải quyết, xét xử. Thẩm phán được giao giải quyết, xét xử từ 100 vụ, việc trở lên có bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan từ trên 1,16% đến dưới 3% tổng số vụ, việc đã giải quyết, xét xử.
Để từ 3 vụ, việc quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật từ 12 tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng. Ra bản án xử phạt 1 đến 3 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.
KHÔNG XEM XÉT ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM LẠI THẨM PHÁN
Khi kết thúc nhiệm kỳ, thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong những trường hợp sau đây: Có tổng số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% so với tổng số vụ, việc đã giải quyết, xét xử. Ra bản án xử phạt 4 bị cáo trở lên hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.
Quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật đối với bị cáo phạm tội tham nhũng hoặc đối với bị cáo phạm tội khác gây dư luận xấu. Trong nhiệm kỳ, thẩm phán có từ 2 lần trở lên bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao. Ban hành các quyết định khác không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà tòa án phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Nguồn Báo Bình Phước