Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm… cần được nghiên cứu làm rõ cách thức, trách nhiệm của từng chủ thể, người phát hành quảng cáo và các cơ quan liên quan.

Việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội sẽ được đưa vào diện quản lý của Luật Quảng cáo (sửa đổi) 

Việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội sẽ được đưa vào diện quản lý của Luật Quảng cáo (sửa đổi)

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9-2023, cho ý kiến về các đề nghị xây dựng Luật Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và các văn bản khác…

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chính phủ đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì đề nghị xây dựng luật nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để phát triển hoạt động quảng cáo.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Theo đó, việc sửa đổi luật cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động này trên môi trường mạng (Internet) và các nền tảng xuyên biên giới, bao gồm các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động như Facebook, TikTok, YouTube…

Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo.

Chính phủ lưu ý việc quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, cần nghiên cứu làm rõ cách thức, biện pháp quản lý. Trách nhiệm của từng chủ thể, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý nhà nước đối với loại hình quảng cáo này.

Bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; rà soát bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm…).

Đối với việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo chí, Chính phủ đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Mục tiêu nhằm tránh việc các ấn phẩm báo chí truyền tải thông tin có nhiều nội dung quảng cáo mang tính chất thương mại, gây phản cảm.

Đồng thời, rà soát các quy định về quảng cáo xuyên biên giới bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật về an ninh mạng, giao dịch điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tính chất, phạm vi quản lý, xu thế phát triển dịch vụ quảng cáo để có cơ sở phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm, giúp Chính phủ về quản lý hoạt động quảng cáo.

Phân định rõ trách nhiệm các bên

Cần phân định rõ trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước, bảo đảm hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ quảng cáo là một lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035.

Tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hành chính để quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình; quảng cáo ngoài trời, thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan (Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Xây dựng…). Mục tiêu nhằm bảo đảm yêu cầu quản lý kiến trúc, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn;

Rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung sửa đổi toàn diện hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, bảo đảm khắc phục được những hạn chế, vướng mắc; tạo hành lang pháp lý cho phát triển hiệu quả ngành quảng cáo và các ngành nghề có liên quan.

Trên cơ sở đó, Chính phủ thống nhất giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : facebookquảng cáoTikTok

Các tin liên quan đến bài viết