Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô là vấn đề không dễ dàng. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều “điểm nóng”, gần đây như sự việc tại đình Lương Xá, hay tại Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối….

Điều này đòi hỏi những giải pháp nhằm giảm tải, khắc phục sự mất cân đối giữa mật độ dân cư và năng lực của hệ thống hạ tầng trong khu vực nội đô lịch sử, đòi hỏi những giải pháp tăng cường sự hiểu biết của các cơ quan quản lý tại địa phương và nhân dân… từ đó tạo điều kiện bảo vệ các di sản và phát huy giá trị di sản.

Phóng viên đã tiếp tục trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.

Sẽ có những quy định riêng đối với việc tu bổ di tích từ nguồn xã hội hóa? - ảnh 1

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Nguồn: phunuonline.com

+ Sau sự việc xâm hại di tích tại Di tích khảo cổ học Vườn Chuối, hay gần đây nhất là vụ việc tại đình Lương Xá, với cương vị là tư lệnh ngành văn hóa, di sản của Thủ đô, ông cho rằng cần phải giải quyết các vấn đề này như thế nào?

Địa điểm Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức là di chỉ khảo cổ học đã được khai quật 8 lần từ năm 1969 đến nay. Từ năm 2007, khu vực di chỉ khảo cổ học đã nằm trong dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Hiện nay, khu vực này chưa có hoạt động xây dựng hay lấn chiếm, vi phạm.

Để có phương án bảo tồn thích hợp, hoặc để đưa vào danh mục di tích đối với địa điểm di chỉ khảo cổ học này, hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất với Thành phố tiếp tục thám sát, khai quật để đánh giá giá trị, xác định phạm vi khu vực di chỉ, trên cơ sở đó sẽ đề xuất phương án bảo tồn thích hợp, xin ý kiến Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thê thao và Du lịch. Kế hoạch thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao xin ý kiến Cục Di sản Văn hóa về việc lập quy hoạch khảo cổ trên địa bàn Hà Nội, theo đó, sẽ chủ động hơn đối với việc bảo vệ các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn.

Đối với vụ việc đình Lương Xá, ngay sau khi có thông tin, Sở đã kiểm tra và có ngay văn bản chỉ đạo UBND huyện đình chỉ thi công, tổ chức bảo quản các cấu kiện cũ, đề xuất giải pháp khắc phục và đặc biệt là tăng cường việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn di tích tại các địa phương; Thời gian tới, Sở sẽ tham khảo chuyên gia chuyên ngành xin ý kiến về biện pháp khắc phục để đề xuất báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.

Sự việc tại Đình Lương Xá nằm trong số những vấn đề còn tồn tại của công tác quản lý di tích trên địa bàn Thành phố hiện nay. Với thực trạng này, chúng tôi thấy cần nhất là công tác giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản của người dân, của các tổ chức quản lý, trông nom, bảo vệ di tích và công tác kiểm tra của chính quyền địa phương.

Nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện, cấp xã và của Ban quản lý di tích cấp xã đã được quy định rõ tại Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành năm 2016. Như vậy, ngay trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quy chế quản lý di tích và các văn bản pháp luật về di sản văn hóa; sẽ tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp nắm bắt thông tin từ cơ sở để hạn chế tối đa những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý di tích. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn nhân lực quản lý di tích còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn và những khó khăn khác cũng cần được các cơ quan chức năng liên quan quan tâm đồng bộ.

Sẽ có những quy định riêng đối với việc tu bổ di tích từ nguồn xã hội hóa? - ảnh 2Sai phạm trong trùng tu di tích tại đình Lương Xá. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam

+ Đặc biệt, đối với những di tích đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí trùng tu từ nguồn ngân sách nhà nước mà do người dân địa phương tự đóng góp tu bổ, trùng tu từ nguồn xã hội hóa, việc quản lý tu bổ, trùng tu các di tích này cần thay đổi như thế nào?

Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di tích (trong đó gồm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích) được xác định từ các nguồn: ngân sách nhà nước, nguồn thu từ hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Công tác tu bổ di tích hiện nay thực hiện theo quy định tại các văn bản của pháp luật về di sản, pháp luật về xây dựng và các pháp luật có liên quan khác. Theo đó, trình tự, thủ tục các bước thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án đều không có quy định riêng đối với nguồn vốn xã hội hóa.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang kiến nghị với Chính phủ xem xét, ủng hộ chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa và các Nghị định quỵ định chi tiết hướng dẫn Luật di sản văn hóa. Như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có những quy định riêng đối với việc tu bổ di tích từ nguồn xã hội hóa, làm sao đảm bảo nguyên tắc bảo tồn di tích theo quy định chung mà vẫn có những quy định riêng nhằm động viên, khuyến khích mọi nguồn lực cho công tác này.

Để quản lý tu bổ, trùng tu các di tích đã xuống cấp từ nguồn kinh phí do người dân địa phương tự đóng góp, theo tôi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có văn bản triển khai Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo để hướng dẫn các địa phương thực hiện; đồng thời cơ quan được giao quản lý di tích phải quan tâm đến chế độ hỗ trợ tiền lương cho vị trí Trưởng ban quản lý di tích cấp xã, trưởng thôn (hoặc tổ trưởng tổ dân phố) và người trực tiếp trông coi di tích và gắn trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra các vi phạm tại di tích.

Sẽ có những quy định riêng đối với việc tu bổ di tích từ nguồn xã hội hóa? - ảnh 3Khu di tích Cổ Loa đang đứng trước sức ép của sự đô thị hóa ngày càng nhanh. Nguồn: thegioidisan.vn

+ Sự đô thị hóa ngày càng nhanh đang đẩy các di sản như Cổ Loa, hay Đường Lâm trước nhiều thách thức. Phía Sở VHTT Hà Nội nhận diện những thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn và phát triển các di sản này là gì? Và các biện pháp cụ thể sẽ áp dụng đối với 2 di sản tiêu biểu này?

Thách thức lớn hiện nay trong việc bảo tồn và phát triển di sản Cổ Loa và Đường Lâm là sức ép đô thị hóa thể hiện ở việc xâm lấn, xâm hại di tích. Hai di tích trên đều đã có quy hoạch tổng thể được phê duyệt, nhưng thực tế chưa triển khai được nhiều các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Về biện pháp cụ thể sẽ áp dụng với hai di sản này, thì có rất nhiều việc cần phải làm sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, ở đây, tôi chỉ muốn nói đến hai việc làm thường xuyên để ngăn chặn các nguy cơ xâm hại di tích là:

– Ban quản lý di tích, chính quyền địa phương và cả cộng đồng dân cư cần vào cuộc và phối hợp thực hiện bảo đảm tốt việc bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di tích (các địa điểm khai quật khảo cổ của vòng 1, vòng 2 với các tường thành, các nhà cổ, di tích…); cần có các biện pháp chống xâm lấn, xâm hại di tích và thực hiện việc giãn dân hoặc di dời khỏi di tích.

– Không cho phép các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tác động đến các yếu tố gốc cấu thành di tích.

+ Những kinh nghiệm thành phố đúc kết từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua, đặc biệt là sau khi tổng kết 10 năm ban hành Luật Thủ đô là gì?

Qua kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua, đặc biệt là sau khi tông kêt 10 năm ban hành Luật Thủ đô, chúng tôi nhận thấy có một sô kinh nghiệm sau:

–  Cần quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quan tâm đến số lượng và chất lượng bộ máy và đội ngũ tham gia quản lý di tích, tham gia hoạt động tu bổ di tích cho tương xứng với nhu cầu thực tế.

–  Những tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý và hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần có sự am hiểu về di sản, nắm vững và hiểu về hệ thống văn bản pháp luật về di sản và các pháp luật khác có liên quan, nắm được những khó khăn, tồn tại trong công tác này;

– Cần có sự chủ động của cơ quan văn hóa các cấp trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản và có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cơ quan cấp trên, sự phối hợp đồng bộ của các Sở, ban ngành chức năng trong việc hướng dẫn, triển khai công việc.

– Sự quan tâm của Trung ương và Thành phố trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là chương trình mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương chống xuống cấp và tu bổ di tích với thứ tự ưu tiên;

– Nhiều di tích được đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo nguồn lực cho chính hoạt động của di tích.

Chân thành cảm ơn chia sẻ của ông./.

Theo Gia Linh –  cinet.vn

Từ khóa : bảo tồn và phát huy giá trị di tíchCổ Loađình Lương XáĐường LâmKhu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuốisức ép đô thị hóa

Các tin liên quan đến bài viết