Bất chấp Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo sẽ “suy nghĩ lại” về quan hệ với Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này lại cắt giảm sản lượng dầu, hành động ngược lại lợi ích của Washington.
Kế hoạch giảm sản lượng dầu của OPEC+
Ngày 3-4, giá dầu thế giới tăng vọt sau khi Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất khác thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác (OPEC+) thông báo cắt giảm sản lượng dầu tổng cộng thêm khoảng 1,66 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới hết năm 2023. Có lúc giá dầu thô Brent tăng 5,4% lên 84,22 USD/thùng, còn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,5% lên 79,84 USD/thùng.
Cắt giảm sản lượng dầu vì kinh tế?
Như vậy cùng với đợt cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 11-2022, giờ đây tổng sản lượng cam kết cắt giảm của các nước OPEC+ là 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, theo Hãng tin Reuters.
Quyết định mới nhất cho thấy Saudi Arabia – nước cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày – đang đưa ra chính sách năng lượng trái ngược với Mỹ trong lúc phương Tây đối đầu với Nga vì chiến sự Ukraine. Việc Saudi Arabia vẫn giảm sản lượng dầu bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ có khả năng chọc giận Washington.
Thời gian qua Mỹ tìm cách làm giảm doanh thu của Nga, một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, thông qua các biện pháp trừng phạt và giá trần. Tuy nhiên, giờ đây động thái của Saudi Arabia và các nước OPEC+ khác có thể đẩy tăng giá dầu, giúp làm đầy kho bạc của Nga trong lúc chiến sự Ukraine tiếp diễn và buộc người Mỹ trả nhiều tiền hơn tại cây xăng.
Động thái mới nhất có thể làm tăng thêm các vấn đề của Riyadh với Washington. Đợt cắt giảm được công bố vào tháng 10 năm ngoái vốn đã làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, mặc dù vài tháng trước đó Tổng thống Biden đã tới Saudi Arabia để hàn gắn quan hệ. Vào thời điểm đó, Nhà Trắng cáo buộc OPEC+ tích cực hỗ trợ Tổng thống Nga Vladimir Putin và cảnh báo hậu quả với Saudi Arabia.
Tuy nhiên, năm ngoái giới chức Saudi Arabia đã khẳng định việc cắt giảm sản lượng dầu là để bảo vệ lợi ích kinh tế của nước này, chứ không phải vì động cơ chính trị. Ngoại trưởng Adel al-Jubeir của Saudi Arabia giải thích nước này hợp tác với Nga cắt giảm sản lượng dầu nhằm ổn định thị trường.
Nhiều chuyên gia coi đây là dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia – từng là đối tác an ninh đáng tin cậy của Mỹ – ngày càng không phụ thuộc vào Mỹ, trong bối cảnh quan hệ của Saudi Arabia với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng. Saudi Arabia cũng đã là đối tác quan trọng của Nga trong việc quản lý các mức cung cấp dầu, theo báo New York Times.
Lo lạm phát tăng theo
Bộ Năng lượng Saudi Arabia gọi quyết định cắt giảm lần này này là “biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.
Báo Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần này – vốn không phải do toàn bộ OPEC+ nhất trí như đợt cuối năm ngoái – chủ yếu do Saudi Arabia và Nga đàm phán nhằm tăng giá dầu để tài trợ cho các dự án trong nước đầy tham vọng của Saudi Arabia và bổ sung kho dự trữ của Nga.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mới nhất đã gây bất ngờ lớn cho thị trường, bởi vì lãnh đạo của Saudi Arabia và các nước OPEC+ khác những ngày gần đây nói rằng họ không có ý định thay đổi chính sách sản xuất dầu mỏ.
Động thái này đã làm dấy lên mối lo ngại về áp lực lạm phát cũng như chính sách siết chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
“Kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm nữa của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên mốc 100 USD/thùng một lần nữa. Trong khi Trung Quốc mở cửa trở lại và trong lúc Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây”, nhà phân tích Tina Teng của Công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) nhận định trên kênh CNBC.
Bà Teng chỉ ra việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể làm đảo ngược quá trình giảm lạm phát của Mỹ và các nước, “làm phức tạp những quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương”.
Nhà Trắng mô tả quyết định mới nhất của các nước OPEC+ là không phù hợp trong điều kiện thị trường hiện tại và nói thêm rằng Mỹ sẽ hợp tác với các nhà sản xuất và người tiêu dùng để kiềm chế giá xăng dầu cho người Mỹ.
Saudi muốn đánh “phủ đầu”?
Giới phân tích đánh giá việc giá dầu mỏ giảm xuống mức khoảng 70 USD/thùng vào giữa tháng 3 có lẽ là điều đáng lo ngại đối với Saudi Arabia, và có thể nước này giờ đây quyết định hành động trước khi có thêm tin xấu đẩy giá dầu chìm sâu hơn. Nước này vốn cần doanh thu cao từ dầu mỏ để thực hiện các kế hoạch phát triển đầy tham vọng, theo báo New York Times.
“Động thái lần này của OPEC+ có vẻ sẽ khôi phục uy tín của tổ chức này là một lực lượng chủ động và hành động phủ đầu” – ông Gary Ross, giám đốc điều hành của Công ty thương mại Black Gold Investors, nhận định.
Nguồn: tuoitre.vn