Trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tại vương quốc Saudi Arabia, chính quyền thực hiện chính sách chủ yếu thu lại khối tài sản khổng lồ từ tay các nhân vật tham nhũng.

Saudi Arabia chống tham nhũng, thu lại 100 tỉ đô - Ảnh 1.

Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman – đứng đầu Ủy ban tối cao chống tham nhũng Saudi Arabia 

Chiều tối 4-11, nhà vua Salman Bin Abdual-Aziz bất ngờ ban bố chiếu chỉ cho thành lập Ủy ban tối cao chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền xử lý mọi cá nhân và tổ chức có dính đến tham nhũng; có quyền trực tiếp điều tra, ra lệnh bắt giữ, cấm xuất cảnh và nhiều biện pháp chế tài cần thiết khác đối với những cá nhân dính líu đến các vụ án tham nhũng.

Như chống khủng bố

Đứng đầu ủy ban đầy quyền lực này là con trai của nhà vua – hoàng thái tử Mohammed Bin Salman, người uy quyền thứ hai trong vương quốc đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ như phó thủ tướng thứ nhất (không có thủ tướng), bộ trưởng quốc phòng…

Tham gia ủy ban này với tư cách thành viên gồm chủ tịch Hội đồng điều tra và giám sát, chủ tịch Hội đồng quốc gia chống tham nhũng, tổng Thanh tra chính phủ, tổng Chưởng lý vương quốc và chủ tịch An ninh quốc gia.

 Ngay sau khi chiếu chỉ của nhà vua Salman được ban bố, Hội đồng trưởng lão dòng Hồi giáo Sunni (cơ chế cao nhất của Hồi giáo tại Saudi Arabia) ra tuyên bố ủng hộ và khẳng định việc thành lập Ủy ban tối cao chống tham nhũng này thể hiện quan điểm của hoàng gia coi chống tham nhũng cũng cấp bách như chống khủng bố.

Ngay đêm 4-11, một loạt nhân vật vốn “bất khả xâm phạm” đã bị bắt giữ trong một chiến dịch bất ngờ quy mô lớn. Những người bị bắt giữ bao gồm 11 cháu nội của cố quốc vương Abdu al-Aziz Al Saud – người sáng lập Vương quốc Saudi Arabia vào năm 1932, 4 bộ trưởng đương nhiệm và hàng chục cựu bộ trưởng.

Những người này bị kết tội đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung, chiếm đoạt công quỹ, lợi dụng uy tín, quyền lực để tùy tiện sử dụng và biển thủ tài sản công.

Ủy ban tối cao chống tham nhũng đã ra lệnh phong tỏa 70% tài sản của những người bị bắt cùng hơn 2.000 tài khoản của họ tại các ngân hàng.

Đứng đầu trong số người bị bắt giữ là hoàng tử Matab Bin Abdullah – con trai cựu hoàng Abdullah bin Abdu al-Aziz, người tiền nhiệm của nhà vua Salman. Hoàng tử Matab đồng thời là bộ trưởng tư lệnh Vệ binh hoàng gia. Nhân vật cỡ bự thứ hai bị xử lý cùng thời điểm là Adel Faqih – bộ trưởng kinh tế – kế hoạch.

Trả lại tài sản bất minh hoặc đi tù

Những người bị bắt được ưu ái tạm giữ trong điều kiện “tiện nghi” mà có tin nói là “tại khách sạn 5 sao Ritz Carlton Riyad”.

Mặc dù các thông tin liên quan đến vụ bắt giữ sau đó được giữ kín, nhưng báo giới Ả Rập gần như có được khá nhiều nguồn thẩm thấu đáng tin cậy. Họ nói rằng đích thân hoàng thái tử Salman thường xuyên lui tới khách sạn này “trò chuyện” với các “khách lưu trú bắt buộc đặc biệt” ở đây.

Đến ngày 22-11, có tin cho rằng chính quyền quyết định trả họ về gia đình và chịu chế tài “cư trú bắt buộc”, cấm xuất cảnh đến khi nào họ chấp nhận điều kiện mà chính quyền áp đặt.

Điều kiện đó là phải từ bỏ khối “tài sản bất minh khổng lồ” mà họ đang sở hữu, chuyển giao cho chính phủ để đổi lấy miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không chấp nhận điều kiện này, họ sẽ bị chuyển đến giam tại nhà tù al-Hair ở phía nam thủ đô Riyad, nơi được coi là “rất khắc nghiệt” và sẽ bị xét xử tại tòa án.

Chiến dịch chống tham nhũng do hoàng thái tử Bin Salman trực tiếp điều hành tại Saudi Arabia từ ngày 4-11 được coi là “chưa từng có” tại vương quốc Ả Rập vùng Vịnh này. Việc bắt giữ các nhân vật thành viên hoàng gia là điều chưa từng xảy ra, bởi họ trước nay thuộc diện không thể bị công khai xử lý vì bất cứ lý do gì.

Chấp nhận nộp lại “tài sản bất minh” để đổi lấy việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là thể hiện cách xử lý riêng biệt độc đáo của vương triều Salman đối với các thành viên hoàng gia và các quan chức cao cấp của vương quốc phạm tội tham nhũng.

Ước tính thu lại 100 tỉ USD

Trả lời báo New York Times ngày 24-11, hoàng thái tử Mohammed Bin Salman cho biết 95% những người bị bắt chấp nhận trả lại tài sản bất minh để tránh vòng lao lý; 1% số này được chứng minh vô tội; 4% còn lại khẳng định họ không tham nhũng và chấp nhận các biện pháp tố tụng.

Tổng chưởng lý Saudi Arabia ước tính số tài sản thu lại được trong chiến dịch này lên đến 100 tỉ USD.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chống tham nhũngkhủng bốSaudi Arabiatài sảnỦy banvụ án

Các tin liên quan đến bài viết