Rời công ty nhà nước sang làm kinh doanh riêng, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty Đại Nam hiện đang sở hữu khối bất động sản “khủng” tại Bình Dương.
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim – TLP) ghi nhận tăng trưởng cao về doanh thu với lũy kế doanh thu thuần nửa đầu năm đạt 6.814 tỷ đồng, tăng gần 84% (tương đương hơn 3.700 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu bán hàng chiếm tỷ trọng áp đảo gần 99% trong cơ cấu doanh thu. Phần còn lại là cung cấp dịch vụ và kinh doanh bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thalexim đạt được 80 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 63,6 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, 6 tháng đầu năm, Thalexim vay 5.290 tỷ đồng và trả nợ gốc 5.310 tỷ để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh; trong đó vay Vietcombank – chi nhánh Bình Dương 1.636 tỷ đồng; vay Vietinbank – chi nhánh Bình Dương 1.548 tỷ đồng; vay BIDV 870 tỷ đồng; vay Eximbank 512 tỷ đồng…
Các khoản vay chủ yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và đặc biệt, vay không có tài sản đảm bảo.
Nợ phải trả tính đến hết 30/6/2018 của Thanh Lễ là 8.121,6 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn 7.503,8 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến cuối quý II xấp xỉ 10.640 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Phần lớn trong số này là tiền và các khoản tương đương tiền, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, hàng tồn kho…
Tổng Công ty Thanh Lễ trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương, tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh sơn mài Thành Lễ được thành lập từ năm 1991. Công ty hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản.
Công ty được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước nhưng hoạt động bết bát, thua lỗ nặng suốt thời gian dài nên lãnh đạo tỉnh giao toàn quyền điều hành cho ông Huỳnh Uy Dũng, còn được biết đến với biệt danh Dũng “Lò Vôi”.
Khi tiếp nhận, ông Dũng ra điều kiện nếu công ty tiếp tục kinh doanh không hiệu quả sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại thì phải trích cho ông 10% lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/6/2018, Thalexim có 12 đơn vị trực thuộc (Tổng kho xăng dầu Chánh Mỹ; Tổng kho xăng dầu VK 102 – Thanh Lễ; Ban quản lý KCN Bình Đường – Sóng Thần I; hệ thống 13 nhà hàng bán lẻ xăng dầu; Nhà máy sản xuất bê tông An Sơn); 6 công ty con và công ty liên kết (25% vốn tại Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương; 35,02% vốn tại Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương; 80% vốn tại Công ty TNHH Xăng dầu Bình Dương; 76,6% vốn tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Bình Dương; 100% vốn Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương…).
Đại gia Dũng ‘Lò Vôi’ là ai?
Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch Công ty Đại Nam. |
Là một người con của đất võ Bình Định, ông Dũng từng có thời gian nhập ngũ và phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5 và Quân khu 7.
Lập nghiệp ở quê vợ, mảnh đất Bình Dương chính là nơi tạo nên cơ nghiệp đồ sộ cho đại gia sinh năm 1961 này. Ông Huỳnh Uy Dũng cũng từng là đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tỉnh Bình Dương.
Ông Dũng bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm lò vôi. Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng “lò vôi”, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh của vị đại gia này.
Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé – nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – Thalexim.
Năm 1992, Thalexim trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập khu công nghiệp Bình Đường với diện tích 16,5ha (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Năm 1995, Thalexim tiếp tục triển khai khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha.
Thành công của Thalexim khiến Bình Dương (tỉnh tách ra từ Sông Bé) sau này trở thành địa phương đi đầu trong cả nước phát triển khu công nghiệp và cũng trở thành cú chạy đà cho ông Dũng “lò vôi” khởi nghiệp kinh doanh riêng.
Năm 1996, ông nghỉ việc nhà nước lập Công ty Cổ phần Sóng Thần, chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2, với diện tích 279 ha. Năm 2005 ông mở tiếp khu công nghiệp Sóng Thần 3 với diện tích 533 ha.
Năm 1999, khi khởi công xây dựng khu du lịch, ông đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đại Nam, ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, công việc phát triển thuận lợi được nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ cũng đã kéo theo hệ luỵ với không ít thị phi xung quanh đời sống riêng tư của vị đại gia này.
Những vụ lùm xùm lẫn tai tiếng thu hút dư luận bàn tán trong thời gian qua như kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương, cưới thêm vợ trẻ, bị tung tin đồn thiếu nợ, treo thưởng trăm tỉ đồng, giao hết tài sản cho con trai 1 tuổi…đều ít nhiều làm lung lay và hoài nghi về hình ảnh cũng như thực lực của vị đại gia Bình Dương.
Bất đồng quan điểm với chính quyền tỉnh Bình Dương về việc phát triển các dự án bất động sản trong khu công nghiệp Sóng Thần 3, năm 2014, ông Dũng tuyên bố đóng cửa Đại Nam và khởi kiện chính quyền ra tòa. Tuy nhiên sự việc sau đó lắng xuống.
Năm 2013, ông chủ này có hành động “chơi ngông” tuyên bố thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh ông có đi vay nợ khi Đại Nam dính tin đồn nợ nần 2.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Du lịch Đại Nam đến nay đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến toạ lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. |
Ra đời vào năm 2007, Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến toạ lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có diện tích tới 450ha với số vốn đầu tư ngót nghét 6.000 tỷ bao gồm nhiều công trình như: Kim Điện, Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn, Biển nhân tạo Đại Nam, Đền thờ Đại Nam quốc tự…
Đường tình sóng gió của đại gia nghìn tỉ Dũng “lò vôi”
Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn.
Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500ha đất tại đây, và vị này đã biến vùng đất này trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực phía Nam, ngay khi rời khỏi chức vụ tại công ty Thành Lễ.
Người vợ kế của ông Dũng – bà Nguyễn Phương Hằng (biệt danh Hằng “Canada”) được biết đến là người có sáng kiến đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng trường đua phức hợp “5 trong 1”: đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe F1. Công trình trường đua Đại Nam được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2016.
Đua ngựa ở Khu du lịch Đại Nam |
Tháng 6/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã có đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Đại Nam do Công ty Cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư tại Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo đó, dự án có mục tiêu xây dựng nhà để ở với diện tích sử dụng hơn 105,8ha. Khu đất trên trước đây là phần diện tích của Khu công nghiệp Sóng Thần 3 nhưng nay đã được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhu cầu sử dụng đất ở dự án khu nhà ở Đại Nam thuộc Công ty Cổ phần Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương.
Nguồn: vietnamnet