Bộ GTVT thừa nhận qua thực tế đã nảy sinh yêu cầu bổ sung quy định về an ninh đối với đoàn tùy tùng trên các chuyến bay chuyên cơ.
Theo Bộ GTVT, tháng 1-2009 Chính phủ đã ban hành nghị định số 03/2009/NĐ-CP về công tác đảm bảo chuyến bay chuyên cơ, quy định việc tổ chức thực hiện, bảo đảm các chuyến bay chuyên cơ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay trong vùng trời Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ.
Tuy nhiên, qua hơn 8 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, nghị định số 03/2009/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Nghị định 03/2009/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn chưa quy định đầy đủ, chi tiết tiêu chuẩn, yêu cầu về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ Việt Nam đi nước ngoài.
Thực tế ngày càng nhiều yêu cầu chuyên cơ Việt Nam đi nước ngoài, trong đó thành phần đi chuyên cơ có nhiều đại diện doanh nghiệp đi cùng đoàn chính thức; nhiều chuyến bay chuyên cơ quốc tế đường dài, phức tạp, chặng bay kết hợp nhiều điểm hạ cánh hoặc tới các điểm lần đầu đối với hãng hàng không, điều kiện nhiều sân bay hạn chế, thời gian chuẩn bị hạn chế…
Có những thời gian cao điểm, Vietnam Airlines tổ chức cùng lúc nhiều chuyến bay chuyên cơ nước ngoài.
Bộ GTVT thừa nhận qua thực tế đã nảy sinh yêu cầu bổ sung quy định về an ninh, an toàn hàng không cho chuyến bay chuyên cơ Việt Nam đi nước ngoài. Trong đó có quy định về vấn đề an ninh đối với đoàn tùy tùng trên các chuyến bay chuyên cơ, về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Bên cạnh đó, nghị định số 03/2009/NĐ-CP được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không dân dụng vẫn do Nhà nước là chủ sở hữu (nắm giữ 100% vốn điều lệ). Do vậy nội dung Nghị định được xây dựng trên quan điểm các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ là nghĩa vụ với chủ sở hữu.
Đến nay, các doanh nghiệp ngành hàng không đã có hình thức sở hữu đa dạng (hầu hết là công ty cổ phần) nên cần có các quy định phù hợp hơn theo hướng các hãng hàng không nhận đặt hàng cung ứng dịch vụ chuyên cơ từ các cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định số 03/2009/NĐ-CP cũng chưa có quy định cụ thể của pháp luật về đặt hàng, giao kế hoạch, thanh toán chi phí chuyên cơ đối với các chuyến bay chuyên cơ theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các chuyến bay chuyên cơ do Bộ Quốc phòng thực hiện…
Theo Bộ GTVT, từ khi nghị định số 03/2009/NĐ-CP có hiệu lực đến hết năm 2016, ngành hàng không dân dụng đã phục vụ 3.068 chuyến bay chuyên cơ và ưu tiên. Trong đó có 1.715 chuyến chuyên cơ chở lãnh đạo đi trong nước và quốc tế; 722 chuyến chuyên cơ nước ngoài và đối tượng ưu tiên nước ngoài; 631 chuyến bay phục vụ các đối tượng Việt Nam đặc biệt khác.
Nguồn: tuoitre.vn