Đánh vào tâm lý của người dân muốn biết nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân tung ra các gói xét nghiệm với lời quảng cáo hấp dẫn…
Đến tận nhà lấy mẫu
Theo tìm hiểu, xét nghiệm kháng thể hiện nay là có thật. Lướt một vòng trên các trang mạng, chúng tôi nhận thấy chỉ cần có người đăng tải nhu cầu xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, lập tức có hàng chục tài khoản cá nhân, cơ sở y tế “bay vào” chào mời với mức giá khá “chát”, dao động từ 300.000 – 800.000 đồng/mẫu và được đến tận nhà để lấy mẫu. Trong dòng tin quảng cáo, những nơi này đều cam kết chắc nịch “đã được Bộ Y tế cấp phép”.
Sau khi tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19, để biết được chắc chắn mình có đủ kháng thể hay không, chị M.T. (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã liên hệ một phòng khám tại quận 10 xét nghiệm với giá 300.000 đồng/lần.
“Để chắc chắn cứ đi xét nghiệm cho an tâm, phòng bệnh hơn chữa bệnh” – chị T. nói về lý do xét nghiệm.
Ngày 27-9, chúng tôi liên hệ với một tài khoản Facebook có tên T.M.. Người này ra giá xét nghiệm kháng thể là 460.000 đồng/lần/người. Khách chỉ cần ngồi ở nhà sẽ có người đến tận nhà lấy mẫu và cam kết “2 tiếng sau kết quả sẽ được gửi qua tin nhắn” và người này cũng cam kết việc xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép (?).
Ngoài các cá nhân, theo tìm hiểu của chúng tôi còn có nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí là bệnh viện công lập tại TP.HCM đăng thông tin xét nghiệm dịch vụ kháng thể cho người dân sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Các bệnh viện này cho biết người dân có thể đến bệnh viện hoặc nhân viên y tế đến tận nhà xét nghiệm với giá từ 300.000 – 600.000 đồng/lượt/người.
Đơn cử tại Bệnh viện TP Thủ Đức, khi liên hệ với số điện thoại đăng ký xét nghiệm kháng thể, một nhân viên tư vấn cho chúng tôi biết số lượng người đăng ký xét nghiệm kháng thể tại nhà đã “chật kín lịch trong ngày”. Khi được hỏi về mục đích của việc xét nghiệm kháng thể, người này cho biết chỉ mang tính chất tham khảo để biết nồng độ kháng thể bao nhiêu sau tiêm vắc xin.
“Chưa có ai dám khẳng định nồng độ kháng thể trong cơ thể bao nhiêu là đủ, nghĩa là chưa có nghiên cứu rõ ràng nên chỉ mang tính tham khảo” – nhân viên này giải thích và cam kết “kết quả xét nghiệm hoàn toàn chính xác”.
Bộ Y tế: “Chưa khuyến cáo”
Theo tìm hiểu, hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về chi phí xét nghiệm định lượng hay định tính kháng thể COVID-19. Một số đơn vị triển khai, chỉ áp dụng cho nhóm đối tượng được bác sĩ chỉ định hoặc có yêu cầu xét nghiệm khi chẩn đoán nghi ngờ mắc hoặc đã mắc COVID-19.
Kết quả này nhằm hỗ trợ chẩn đoán xem cơ thể có kháng thể nhiều hay ít, qua đó biết được đáp ứng sinh kháng thể của người bệnh. Một số trung tâm xét nghiệm lớn cũng chỉ nhận mẫu xét nghiệm “nội bộ”, chủ yếu phục vụ công tác chuyên môn, chưa xét nghiệm trực tiếp cho người dân.
Trước hiện tượng nhiều người (có F0 khỏi bệnh hoặc đã tiêm vắc xin – PV), nóng lòng tự xét nghiệm kháng thể, một lãnh đạo Sở Y tế TP khuyến cáo người dân không nên đổ xô xét nghiệm kẻo bị người khác lợi dụng, tốn kém tiền bạc. Đến nay, Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy – cho rằng mục tiêu của việc tiêm vắc xin là phòng bệnh và đã đạt được. Việc người dân đổ xô đi xét nghiệm đo kháng thể như hiện nay là điều không cần thiết và cũng chưa ai khẳng định kết quả xét nghiệm đó đảm bảo chất lượng.
Theo bác sĩ Hùng, có thể thấy đa số người đi xét nghiệm chỉ muốn biết có đủ kháng thể để chống bệnh hay không. Tuy nhiên, họ quên mất một điều rằng mỗi loại vắc xin đều có một tỉ lệ tạo kháng thể khác nhau, và mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm lại khác nhau nên hầu như không mang lại giá trị nhiều.
“Mục tiêu lớn nhất của việc tiêm vắc xin nhằm bảo vệ con người. Do đó đã tiêm vắc xin chắc chắn có kháng thể và chắc chắn được bảo vệ, nếu có mắc cũng không bị trở nặng dẫn đến tử vong” – bác sĩ Hùng phân tích.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có văn bản khẩn gửi viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Pasteur TP.HCM, giám đốc sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua có ghi nhận một số người dân, đơn vị xét nghiệm triển khai xét nghiệm kháng thể COVID-19. Bộ khẳng định hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục lựa chọn kết hợp các phương pháp xét nghiệm phù hợp, ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc COVID-19 và triển khai phòng chống dịch kịp thời.
Văn bản do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký nêu rõ: “Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm”.
3.600 người dân ở TP.HCM được xét nghiệm kháng thể
Từ ngày 29-8 đến 14-9 vừa qua, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức lấy mẫu điều tra kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 cho 3.600 người dân tại 6 phường của quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.
Bác sĩ Trương Thị Thùy Dung – Viện Pasteur TP.HCM – cho biết khi tham gia, người dân phải thỏa các tiêu chí là công dân Việt Nam, từ 6 tuổi trở lên, không có tiền sử về bệnh rối loạn đông máu và tự nguyện cho lấy mẫu xét nghiệm.
Theo đó, kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện trong máu của bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi phục hồi và có thể được phát hiện trong máu. Việc khảo sát tỉ lệ người dân có kháng thể kháng virus sẽ giúp đánh giá được mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 tại TP.HCM trong thời gian qua.
Nguồn: tuoitre.vn