Một trong những thay đổi lớn nhất trong chiến lược phòng chống COVID-19 kể từ khi siết chặt giãn cách (ngày 23-8) là TP.HCM chuyển từ xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm sang xét nghiệm diện rộng toàn địa bàn.

Sáu ngày còn lại tìm F0 ở TP.HCM - Ảnh 1.

Dựa trên yêu cầu bao phủ vắc xin cho người dân TP.HCM và quy định Bộ Y tế việc tiêm 2 liều vắc xin, TP đã xây dựng lộ trình tiêm vắc xin gồm 4 giai đoạn đến cuối năm nay, với tổng liều cần là hơn 8,1 triệu  

Mục tiêu trong chiến lược xét nghiệm diện rộng này nhằm xác định F0, từ đó phân loại để có hướng điều trị hợp lý.

Theo đó, TP đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực vùng đỏ và vùng cam.

Đối với khu vực vùng xanh và vùng vàng làm xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 5 cho vùng vàng và mẫu gộp 10 cho vùng xanh) với tần suất 7 ngày/lần.

F0 ở nhà nhiều hơn

Không chỉ test nhanh tập trung, TP còn tổ chức hướng dẫn người dân tự test nhanh tại nhà. Kế hoạch này đã giúp phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca, tỉ lệ F0 chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 31-8, hiện TP có 83.643 ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 59.093 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.050 ca F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Số ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận huyện là 20.604 người.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết số F0 cộng đồng tăng đã được ngành y tế dự báo và có những lường định để “đón đầu”. Ông cho rằng lúc trước ngành y tế phải chạy đua mở rộng bệnh viện dã chiến, có lúc hụt hơi không thể thiết lập kịp so với số ca mắc tăng cao.

Từ khi thay đổi chiến lược, công tác điều trị có sự chủ động hơn khi có nhiều tầng (ở nhà, khu cách ly quận huyện, các bệnh viện dã chiến…) cách ly thông qua việc sàng lọc người bệnh. Do vậy dù số ca F0 được phát hiện tăng cao mỗi ngày nhưng đã không xảy ra “vỡ trận”, thiếu chỗ chăm sóc điều trị.

Song song đó, ngành y tế TP cũng đã hình thành một cơ chế phân vùng. Tức một bệnh viện dã chiến sẽ chịu trách nhiệm “chia lửa” tiếp nhận bệnh nhân ở từng khu vực được giao khi địa phương quá tải hoặc ngược lại.

Ông Thượng cũng đánh giá việc thiết lập 413 trạm y tế lưu động với tổ bác sĩ quân y đã giúp lực lượng y tế tiếp cận được dân, đặc biệt với những người F0 đang cách ly tại nhà. Trong thời gian tới, số trạm sẽ tăng hoặc giảm tùy thuộc vào lượng F0 điều trị tại nhà.

Tôi thấy mô hình trạm y tế lưu động có thể nói là điểm nổi bật nhất trong cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM ở giai đoạn này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Điều trị đang đúng hướng

Nói về công tác điều trị bệnh nhân nặng thời gian tới, ông Thượng nhận định:

“Ngoài loại thuốc Remdesivir (thuốc kháng virus truyền tĩnh mạch) được phân bổ điều trị bệnh nhân tầng 2 đang mang lại hiệu quả tích cực làm giảm hẳn số ca nặng phải chuyển tầng 3, ngành y tế cho thêm loại thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống áp dụng cho tầng 1.

Đây sẽ là những vũ khí trong điều trị sắp tới, giúp tăng số F0 khỏi bệnh và giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đánh giá số lượng F0 tăng nhưng chưa phải vượt quá cao so với dự báo ban đầu. “Tôi nhận thấy các phương án triển khai đang đi đúng hướng.

Trong vài ngày tới, dự báo F0 có thể vẫn sẽ tăng nhưng sau đó sẽ có xu hướng giảm dần nhờ việc đẩy nhanh xét nghiệm quét đi quét lại 3 lần liên tục ở các vùng đỏ để bóc tách F0 trong suốt thời gian giãn cách” – ông nhận định.

Việc xét nghiệm liên tục đã giúp một số quận huyện dần “vẽ lại được bản đồ”, từ đó tập trung đánh trọng điểm vào một số nơi có mật độ người nhiễm COVID-19 dày đặc, phân loại, cách ly F0 kịp thời.

“Bộ Y tế thống nhất với TP.HCM giữ nguyên tất cả các nguồn nhân lực chi viện, chỉ có thêm chứ không có bớt, nhằm hỗ trợ cho TP tốt nhất trong chiến dịch chống dịch từ nay đến hết ngày 6-9” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ca F0cách ly tập trungCOVID-19Vùng xanhXét Nghiệm COVID-19

Các tin liên quan đến bài viết