Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hiếm hoi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nước nhưng không đạt tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại song phương.
Thuế nhập khẩu leo thang đã dẫn đến gián đoạn các chuỗi cung ứng và điều này đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại cuộc gặp trực tuyến sáng 16/11 (giờ Việt Nam), các vấn đề kinh tế vẫn xếp sau chủ đề địa chính trị, theo báo Al Jazeera.
Tổng thống Joe Biden trình bày ngắn gọn về việc “các chính sách kinh tế và thương mại không công bằng” của Trung Quốc gây tổn thất cho người lao động Mỹ, nhưng dành phần lớn thời gian nêu quan ngại về các vấn đề chính trị nhạy cảm giữa hai nước.
Trong phát biểu mở đầu, ông Biden nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Trách nhiệm của chúng ta – với tư cách là người lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc – là phải đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta không biến thành xung đột… Chỉ đơn giản là cạnh tranh thẳng thắn”.
Hình ảnh cuộc họp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại Nhà Trắng. |
Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành của tổ chức China Beige Book International, cho rằng “cạnh tranh thẳng thắn” là “cách nói hoa mỹ để thể hiện chính quyền Mỹ không muốn có bất kỳ cuộc chiến tranh vô tình hay đối đầu quân sự nào”. “Nhưng hiện tại, những thuật ngữ này cho thấy chính quyền Mỹ đang thiếu một chiến lược thực sự về Trung Quốc”, ông Qazi bình luận thêm.
Theo nhà phân tích Joe Mazur của nhóm nghiên cứu chính sách Trivium China, đang có một sự hiểu biết rất rõ ràng ở Nhà Trắng rằng, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong nhiều vấn đề đang kéo căng quan hệ song phương. Vì vậy, Mỹ đang tìm kiếm những lĩnh vực có thể giúp ích cho sự hợp tác vốn còn đang hạn chế với Trung Quốc, mà vẫn củng cố được quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu.
Theo ông Mazur, đây là một sự khác biệt lớn so với chính sách đối ngoại ‘Nước Mỹ trên hết’ của cựu Tổng thống Donald Trump.
“Theo chiến lược mới, Washington sẽ ngày càng tìm cách chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại của riêng mình. Điều này đương nhiên sẽ gây ra nhiều cạnh tranh kinh tế hơn giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng có thể mang lại lợi ích cho cả hai…”, chuyên gia này phân tích thêm.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nguồn thạo tin tiết lộ, tại hội nghị, ông Biden đã yêu cầu phía Trung Quốc mở kho dự trữ dầu thô để góp phần bình ổn giá năng lượng đang tăng cao trên toàn cầu. Tin tức cho biết, phía Trung Quốc “cởi mở” với ý kiến này nhưng không đưa ra cam kết sẽ thực hiện.
An ninh quốc gia
Tháng 1/2020, ông Trump đã ký với ông Tập thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó đặt điều kiện Trung Quốc nên cam kết tăng mua các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ của Mỹ trong những năm tới. Tuy nhiên, trong năm qua, Trung Quốc mới chỉ mua 60% lượng hàng hóa đã cam kết. Chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ bám sát thỏa thuận và mong muốn Bắc Kinh duy trì các cam kết của mình.
“Nhà Trắng đã thông báo rằng, về chính sách thương mại, họ đang theo dõi xem Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận giai đoạn một ra sao”, ông Qazi nhắc lại. “Hơn nữa, chúng tôi biết rằng có một sự thúc đẩy nội bộ từ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan để bắt đầu một cuộc điều tra nữa về Trung Quốc mà có thể dẫn đến việc áp thêm thuế. Điều đó nói lên rằng, nhiều trung tâm quyền lực khác nhau trong chính quyền Mỹ đang đấu tranh về chính sách này, vì vậy chưa có bước tiếp theo rõ ràng nào được đưa ra”.
Trong khi Tổng thống Biden không đào sâu quá nhiều vào các vấn đề kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra vấn đề thương mại, trực tiếp kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ và thúc giục Washington ngừng nới rộng khái niệm “an ninh quốc gia” để nhắm đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Gọi ông Biden là “người bạn cũ của tôi”, Chủ tịch Trung Quốc ví hai nước như những con tàu đi trên đại dương mà không va vào nhau, đồng thời nhấn mạnh hai nước “nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác cùng có lợi”.
Ông Tập cũng nói về nới lỏng các hạn chế thương mại để giúp kinh tế hai nước nhanh chóng phục hồi.
Quan hệ kinh tế “không thay đổi”
Hồi tháng 1, một nghiên cứu do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung ủy quyền thực hiện cho thấy, cuộc thương chiến giữa hai bên đã tước đi của Mỹ 245.000 việc làm, trong khi việc giảm thuế của cả hai bên sẽ tạo ra 145.000 việc làm vào năm 2025. Báo cáo của Oxford Economics dự đoán, một “sự tách biệt đáng kể” của hai nền kinh tế sẽ làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm đi 1,6 nghìn USD trong 5 năm tới.
Nhà phân tích Taylor Love của Trivium China cho rằng, cắt giảm thuế có thể sẽ trở thành hiện thực vào một thời điểm nào đó, nhưng không diễn ra cùng lúc.
“Thực tế là chúng ta đang bắt đầu suy nghĩ lại về các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự gián đoạn hiện tại có liên quan nhiều đến đại dịch, nhưng cả khi Covid-19 lùi vào quá khứ, việc cả thế giới cùng thúc đẩy các chuỗi cung ứng tự lực và an toàn – do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu – sẽ đè nặng lên các chuỗi cung ứng đã được thiết lập”.
Không có thông báo chung nào được đưa ra vào cuối hội nghị kéo dài ba tiếng rưỡi giữa ông Biden và ông Tập. Thay vào đó, mỗi bên đưa ra tuyên bố của riêng mình, nhấn mạnh vào những bất đồng vẫn kéo dài mà không có dấu hiệu thỏa hiệp.
“Về cơ bản, hội nghị thượng đỉnh không làm thay đổi nhiều tình trạng quan hệ kinh tế Mỹ – Trung”, nhà phân tích Taylor Loeb thuộc Trivium China nhận định. “Mỹ vẫn đang nghĩ xem họ muốn xác định chính sách thương mại quốc tế như thế nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn làm điều tương tự, nhưng trong thời gian đó lại muốn quan hệ thương mại trở về hiện trạng như trước thời Donald Trump. Điều đó sẽ không xảy ra”.
Hiện còn quá sớm để biết liệu hội nghị trực tuyến vừa qua có mang lại những kết quả trực tiếp về kinh tế hay không. Tuy nhiên, ông Mazur tin điều này chắc chắn có thể, đồng thời nhận định khả năng hợp tác về các vấn đề kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có vẻ lớn hơn so với cách đây vài tháng.
Nguồn: vietnamnet