Gian lận thi cử được phanh phui theo cấp độ ngày càng “tinh vi và xảo quyệt” hơn ở những địa phương đã bị phát giác cho thấy có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Chỉ nghe báo cáo tự rà soát tốt là chưa đủ”
Ông Nguyễn Văn Ngai |
Gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình không phải do quy trình mà con người đó là những người có trách nhiệm đã không làm hết vai trò, quá tin tưởng, chủ quan và không quản lý chặt chẽ. Vì vậy, ngoài việc xem quy trình có những sơ hở nào để bổ sung thì phải chọn lựa người biết nghiệp vụ làm công tác chấm thi.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tiêu cực thi cử không chỉ xảy ra năm nay mà đã có tiền lệ từ những năm trước, nhưng mức độ giới hạn không tạo ra bức xúc trong xã hội. Tôi nghĩ, nếu gian lận nhưng chỉ ở 1-2 điểm sẽ rất khó phát hiện nhưng năm nay gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và mới đây nhất là Hòa Bình đã làm quá “lố” mới bị phanh phui. Như vậy, câu hỏi đặt ra với các địa phương còn lại có nghiêm túc hay không?
Bộ GD-ĐT phải tự rà soát, có những điều chỉnh phù hợp, xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội những người sai phạm thì may ra sẽ có sự đánh động, răn đe để ngăn ngừa tiêu cực trong những năm tiếp theo. Còn nếu phát hiện mà cân nhắc, châm chước kiểu trấn an dư luận thì sang năm chắc chắn sẽ có tiêu cực xảy ra.Tôi rất đáng hoan nghênh khi trước hội nghị lớn của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm dù có hơi chậm. Dư luận đang chờ sau khi nhận trách nhiệm của Bộ trưởng làm gì.
Nhiều địa phương cho rằng, giáo dục là đơn vị chịu trách nhiệm chính nhưng kỳ thi quốc gia tại địa phương đều có ban chỉ đạo thi, trong đó Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo thi. Vì vậy lãnh đạo địa phương cũng không vô can.
Hiện nay, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát, nhưng kết quả không có gì thay đổi bởi các nơi cũng nghĩ việc mình làm là nghiêm túc hơn người khác. Nhưng theo dõi chất lượng giáo dục ở từng địa phương, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ phát hiện những địa phương có cái gì cần quan tâm. Bộ nên có tổ công tác tự rà soát, nếu chỉ nghe báo cáo tốt thì chưa đủ.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Tây Ninh: “Giám đốc Sở đừng nói sai ở đâu chúng tôi xử ở đấy”
Ông Nguyễn Hữu Tài |
Gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình tựu trung lại ở khâu chấm thi và đều có sự tham gia của lãnh đạo. Những người này đã cố tình sai phạm, phần nào cho thấy sự giám sát và chỉ đạo đã có kẽ hở để địa phương muốn làm như thế nào thì làm.
Gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chỉ là một trong những địa phương điển hình, vẫn còn một vài địa phương nữa chắc chắn có tiêu cực, nhưng có thể có ít và chưa bị phát hiện.
Vì vậy, cần một cơ chế ràng buộc hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt có thể tổ chức chấm cụm.
Giám đốc Sở GD-ĐT địa phương, không thể nói sai ở đâu sửa ở đó mà phải chịu trách nhiệm về sự việc xảy ra ngành của mình. Tôi rất mong, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình phải tự nhận hình thức kỷ luật.
Hiện tại, Bộ trưởng có ra văn bản yêu cầu rà soát, nếu có vấn đề gì bất thường phải báo cáo về Ban chỉ đạo thi quốc gia. Việc rà soát chỉ được thực hiện nghiêm túc khi các địa phương thực hiện có đầy đủ ban ngành, thành phần như Sở GD-ĐT, Trường ĐH phối hợp tổ chức kỳ thi, công an, thanh tra rà soát lại các khâu.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội: Giải quyết rốt ráo 3 yếu tố
Thầy Đỗ Việt Khoa |
Bằng chứng là từ trước đến nay, sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần, chưa bao giờ chấm dứt.
Ngay năm đầu tiên vận động “2 không” năm 2007 là Trường Lương Tài (Bắc Ninh) đã tái phạm rồi. Lúc đó, tôi cũng nhận được tin nhắn từ nhiều địa phương khác các thầy cô nhắn về nói rằng tình hình vẫn gian lận như thế, họ vẫn vô hiệu hóa được thanh tra. Đến năm 2012, tôi tổ chức mua máy móc, gắn máy quay đưa cho học sinh ở Đồi Ngô (Bắc Giang) để làm chứng cứ tiếp về sự không nghiêm túc của kỳ thi. Kỳ thi năm 2014, tôi đã đưa sự việc của Nam Lương Sơn (Hòa Bình) lên báo chí. Còn gian lận năm nay ở mức độ quy mô hơn, trắng trợn hơn, thách thức hơn.
Thứ hai, yếu tố quy chế: Có rất nhiều kẽ hở. Kẽ hở lớn nhất là giao về cho các Sở tự chấm. Một kỳ thì quan trọng như thế mà đưa cho các Sở tự quét, tự chấm, báo cáo về Bộ là không được. Liệu có nên đặt niềm tin vào Sở trong khi đây là nơi có thể nảy sinh ra nhiều thứ?
Thứ ba là việc xử lý sai phạm chưa nghiêm. Vụ Phú Xuyên A chỉ có một lãnh đạo hội đồng thi bị cảnh cáo, còn những người tổ chức gian lận là lãnh đạo trường sở tại thì lại chỉ bị khiển trách. Học sinh thì hầu như không ảnh hưởng gì cả. Cả hội đồng gian lận mà xử lý như vậy là không đúng. Đúng quy định pháp luật là phải khởi tố. Hay vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) cũng không có cán bộ nào liên quan bị khởi tố. Chỉ có một số giáo viên bị đình chỉ công tác một năm. Năm sau họ lại quay lại đi dạy tiếp. Thế thì có tác dụng gì?
Tôi hi vọng rằng đợt tới này muốn chấn chỉnh được kỳ thi, chúng ta phải giải quyết rốt ráo 3 yếu tố: con người, quy chế và xử lý sai phạm. Xử lý thật nghiêm những người làm sai và phải nêu rõ tội cụ thể, chứ không thể chỉ nêu chung chung là lợi dụng chức vụ quyền hạn như cơ quan công an khởi tố vừa rồi.
Dư luận nhìn chung cũng như bản thân tôi rất muốn cơ quan công an phục hồi các tin nhắn, cuộc gọi cho thấy những thí sinh nào được phụ huynh xin điểm, mua điểm, tác động để các vị kia nâng điểm lên. Những thí sinh đó phải đình chỉ thi một năm, chứ không phải chỉ tìm lại điểm gốc rồi công nhận kết quả thi đó. Đã có dấu hiệu xin xỏ, chạy điểm là gian lận rồi, mà theo quy chế là đình chỉ, hủy kết quả thi.
Bước tiếp theo là phải xử lý những cán bộ nào tham gia tác động nhờ vả, mua điểm. Năm nay người ta chỉ xem xét những người tham gia trực tiếp sửa điểm, chứ không xem xét trách nhiệm của những người tác động. Những người tham gia ở đây phải là cả nguồn “cung” và “cầu”, chứ không phải tự nhiên mà những người kia ngồi sửa điểm.
Còn việc tự rà soát, tôi thấy còn thiếu tự giác trong việc này lắm. Càng là lãnh đạo thì càng lo sợ đến quyền lợi, trách nhiệm của mình nên họ sẽ giấu nhẹm đi. Quy chế quy định quyền kiểm tra giám sát là của Bộ, chứ Sở không thể tự làm, tự chấm, lại tự giám sát.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân:
Chính phủ cần phải phê bình lãnh đạo các địa phương có sai phạmTôi cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn trong việc nhận trách nhiệm và đưa ra những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp THPT sắp tới và vẫn đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải phê bình đối với các địa phương có sai phạm, nhất là người có trách nhiệm tham gia chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Nếu Bộ GD-ĐT có chặt chẽ đến đâu nhưng địa phương làm không nghiêm thì cũng không thể có một kỳ thi trung thực và công bằng. |
Nguồn: vietnamnet