Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các nước đang phải tiếp tục đối mặt với đại dịch nguy hiểm khác sau Covid-19 đó là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tim mạch.
Ngày 27/6, theo thông tin tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng bệnh không lây nhiễm. Sức khỏe cộng đồng ngày càng đe dọa do tỷ lệ mắc ngày càng cao với nhiều hậu quả, di chứng nặng nề.
Tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, sau đó tới bệnh ung thư. Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Hầu hết dự báo đều cho thấy trong tương lai không xa, tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiếp tục gia tăng và sẽ đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch Covid-19, các quốc gia sẽ phải tiếp tục đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Covid-19, Ebola, các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm thần. Ngoài ra, nước ta còn thêm mặt bệnh đó là chấn thương do tai nạn thương tích.
Chăm sóc bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo ông Khuê, báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều quá tải. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.
Thống kê của Bệnh viện Nội tiết trung ương (Hà Nội), khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường. Theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, sát thủ thầm lặng là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Ông Khuê cho biết điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch.
Do đó, ông Khuê cho biết để hạn chế bệnh không lây nhiễm, cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại thuốc lá, bia rượu, tổ chức các chương trình sàng lọc sớm ung thư, phát triển hệ thống bệnh viện điều trị, đồng thời chú trọng đến vấn đề đào tạo nhân lực.
Nguồn: vietnamnet