Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) đã “trở kèo” không thực hiện các hợp đồng bán nền mà công ty tiền thân đã giao kết với khách hàng từ hàng chục năm trước.

Sau cổ phần hóa, công ty trở kèo khách hàng - Ảnh 1.

Bà Trương Thanh Tâm mua lô nền 1125 (khu đô thị An Phú – An Khánh) hơn 20 năm vẫn chưa được giao nền

Năm 2016, Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà (gọi tắt Công ty Kinh doanh nhà) – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – cổ phần hóa thành HDTC với vốn của nhà nước chỉ còn 30%. Bức xúc trước việc “trở kèo” của HDTC, nhiều khách hàng đã cầu cứu, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng.

20 năm chờ nhận đất

Năm 2002, bà Lê Ngọc Nga (63 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) cùng Công ty Kinh doanh nhà ký phụ lục hợp đồng chuyển nhượng nền đất để xây dựng nhà ở, kế tục hợp đồng “Bán nhà trả tiền nền và hạ tầng” đã ký vào năm 2000. Bà Nga mua nền số 791 trong dự án khu đô thị An Phú – An Khánh (TP Thủ Đức). Đến cuối năm 2005, bà Nga đã nộp đủ hơn 300 triệu đồng (100% giá trị hợp đồng) nhưng chưa được giao nền.

Tiếp nhận dự án sau cổ phần hóa, HDTC có nhiều văn bản khẳng định “nền đất 719 hiện trạng đã đền bù giải tỏa, đã hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp… Do đó các nền đất chưa bàn giao trước khi chuyển sang công ty cổ phần đều phải chờ quyết toán chuyển thể của cơ quan chức năng…”.

Bất ngờ đến tháng 4-2021, HDTC thông báo hợp đồng và phụ lục bà Nga ký trước đây vô hiệu do đất chưa thu hồi, đền bù giải tỏa, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

“Lúc mua nền tôi tin tưởng đây là công ty nhà nước, uy tín. Nghị định 59 năm 2011 cũng quy định công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Thế nhưng giờ đây họ bội tín…”, bà Nga nói.

Tương tự, tháng 4-2021 ông Hà Văn Cun (ngụ quận 3, TP.HCM) cũng nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô nền 1126 (100m2, đường Vũ Tông Phan) từ HDTC do chủ tịch hội đồng quản trị công ty Đinh Trường Chinh ký.

“Năm 2018 HDTC có biên bản đề nghị mua lại nền của tôi với giá 8 tỉ đồng, tôi không đồng ý vì lúc đó giá thị trường lô đất khoảng 20 tỉ đồng. Nay HDTC đòi đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đã nộp từ 20 năm trước và lãi suất xem như lấy mất nền đất…”, ông Cun nói.

Bà Nga, ông Cun và chín người mua nền đất khác đã có đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng. Tất cả đều bị HDTC “trở kèo” bằng lý do hợp đồng vô hiệu và đòi đơn phương chấm dứt hợp đồng, phía công ty sẽ trả lại tiền khách hàng đã nộp và lãi suất (nếu có).

Giao đất rồi cũng “mất đất”

Tình trạng này cũng diễn ra ở dự án khu nhà ở phường Long Toàn (TP Bà Rịa – Vũng Tàu) do HDTC kế thừa từ Công ty Kinh doanh nhà. Năm 2007, ông H.T.N. (quận Tân Bình, TP.HCM) góp vốn đầu tư để được nhận nền đất biệt thự tại dự án này và đã đóng đủ toàn bộ số tiền theo hợp đồng. Công ty Kinh doanh nhà sau đó cũng đã bàn giao nền đất tại vị trí đường số 10, lô 190 cho ông N., nhưng do chưa có nhu cầu nên ông chưa xây dựng nhà.

Bất ngờ, tháng 9-2021, HDTC có tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án, trong đó có chỉnh hướng tuyến đường cao tốc sang phần đất đã bàn giao cho một số khách hàng. Điều đáng nói việc điều chỉnh này ông N. và những người mua nền đất không hề hay biết. Chỉ sau này khi việc điều chỉnh hoàn thành, họ mới tá hỏa vì đất mình dính vào đường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc điều chỉnh đường sang phần đất đã bán khiến 29 khách hàng (mua 29 nền đất) bị “mất đất”. Thay vào đó, sau khi điều chỉnh, HDTC cũng thiết kế phân nền trên phần đất làm đường trước đây. Ngoài ra, HDTC cũng được điều chỉnh bốn khu biệt thự khác trong dự án thành nhà ở liên kế, từ đó số nền đất tăng lên.

Hiện nay, một phần dự án được HDTC chuyển nhượng cho bên thứ ba là Công ty cổ phần xây dựng DIC Holdings (DICcons) và DICcons đang rao bán với giá cao gấp nhiều lần giá ban đầu. Như vậy, với dự án cũ, chỉ một bước điều chỉnh và không cần đầu tư nhiều, HDTC cũng thu về thêm nhiều lợi ích, trong khi khách hàng cũ mất đất.

“Công ty tiền thân ký với khách hàng vậy là sai”?

Việc HDTC thu lại nền hoặc xin điều chỉnh dự án lấy phần đất dự kiến làm đường trước đây phân nền bán cho khách hàng mới với giá cao, trong khi “trở kèo” với khách cũ khiến khách hàng đặt nghi vấn có việc HDTC cố tình đẩy khách cũ đi để hưởng lợi? Bởi sau cổ phần hóa, tiếp quản dự án từ Công ty Kinh doanh nhà, nếu chỉ giao nền đất như hợp đồng trước, HDTC sẽ không được lợi gì.

Trao đổi Tuổi Trẻ về dự án Long Toàn, ông Đinh Trường Chinh – tổng giám đốc HDTC – cho hay thời điểm công ty ký hợp đồng góp vốn (khi chưa cổ phần hóa) không đúng quy định pháp luật, vô hiệu.

“Luật đâu có hợp đồng nào góp vốn, phải hợp đồng mua bán. Chưa chính thức giấy phép mở bán làm sao mua bán góp vốn được, hồi xưa mấy ông Nhà nước cứ làm tào lao, thiên địa không à”, ông Chinh nói. Theo ông Chinh, việc Nhà nước điều chỉnh quy hoạch chỉnh hướng tuyến đường cao tốc vào phần đất dự án bất khả kháng nên công ty chỉ hỗ trợ để thanh lý hợp đồng với khách hàng.

Tuy nhiên, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc HDTC đề nghị điều chỉnh và thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch nên không thể nói bất khả kháng. Điều đáng nói, khi xin điều chỉnh, công ty này không gặp khách hàng để thông báo về hậu quả của việc điều chỉnh và cách giải quyết.

Sau khi điều chỉnh, dự án được tăng lên hơn 1.200m2 đất ở nhưng HDTC không sử dụng để khắc phục hoán đổi, bố trí vị trí nền đất khác cho những khách hàng như ông N.. Việc này cho thấy, HDTC muốn lợi dụng những sự kiện không phải bất khả kháng nhưng dùng quy định hợp đồng bị vô hiệu để lấy luôn hết lợi ích của khách hàng, không bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

“Thực tế nền đất đã được giao cho khách, việc làm của HDTC là âm thầm làm biến mất luôn quyền sử dụng của khách”, ông Phượng nhận định.

Còn đối với các khách hàng ký hợp đồng mua nền tại dự án khu đô thị An Phú – An Khánh, ông Chinh cho rằng Công ty Kinh doanh nhà ký hợp đồng với khách hàng khi chưa có quy hoạch 1/500, chưa đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có đất sạch.

“Công ty tiền thân ký với khách hàng vậy là sai, nay tôi không thể giải quyết theo cái sai đó. Các trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng đều vô hiệu nên cần ngồi lại với HDTC giải quyết, HDTC sẽ trả lại tiền kèm với lãi suất…”, ông Chinh nói.

Thanh tra dự án khu đô thị An Phú – An Khánh

Thanh tra TP.HCM đang thanh tra đối với dự án khu đô thị An Phú – An Khánh. Một trong những nội dung sẽ được kiểm tra là quá trình, kết quả thực hiện dự án gắn với vai trò của Công ty Kinh doanh nhà và HDTC.

Giữa tháng 7-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.

Tháng 4-2022, tại buổi làm việc với thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Phan Đình Trạc – trưởng Ban Nội chính trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) – đề nghị đẩy nhanh tiến độ xác minh xử lý các vụ việc và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo đúng tiến độ.

Trong đó có một số vụ tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV, và việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển và kinh doanh nhà thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuyển nhượng đấtcổ phần hóavốn nhà nước

Các tin liên quan đến bài viết