Chiến thắng sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi, Tổng thống Joe Biden đi qua 100 ngày đầu tiên trong sự dò xét nghi kỵ xen lẫn hân hoan đến từ trong và ngoài nước. Nhưng nhìn chung, những gì ông làm đã vượt xa sự mong đợi ban đầu.
Ông Biden sẽ đánh dấu 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống bằng bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 28-4 (giờ Mỹ), nơi ông sẽ nêu những bước đi tiếp theo trong kế hoạch “Build Back Better” (tạm dịch: Tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn).
Vắc xin và cứu trợ
Trong số các thước đo thời gian dùng để đánh giá một tổng thống, hiếm có mốc thời gian nào có sức nặng như mốc 100 ngày kể từ ngày nhậm chức. Mặc dù không có bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào kể từ đời tổng thống Franklin D. Roosevelt về sau, các tổng thống Mỹ luôn cố gắng ghi điểm tối đa trong 100 ngày đầu tiên để thể hiện “tôi là nhà lãnh đạo của những hành động quyết liệt”.
Về mặt đối nội, ông Biden đã làm được 2 việc lớn và cả hai đều liên quan đến COVID-19. Khi tiếp nhận nước Mỹ đang bị nhấn chìm trong đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ tăng tốc chương trình tiêm chủng và đặt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên.
Ông ra lệnh chi hơn 6 tỉ USD để mở rộng mạng lưới tiêm chủng, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương tiếp cận vắc xin. Ông kêu gọi các bang vào cuộc và giải quyết những nghi kỵ về mức độ hiệu quả vắc xin bằng 3 tỉ USD.
Nỗ lực thúc đẩy của chính quyền Biden đã thu được kết quả vượt ngoài mong đợi. Mục tiêu 100 triệu liều đạt được ở ngày thứ 58 khiến chính quyền Biden bất ngờ. Mục tiêu mới 200 triệu liều cũng nhanh chóng đạt được vào ngày 21-4, tức ngày thứ 92 trong nhiệm kỳ Biden.
Theo thống kê của Hãng tin Reuters, khoảng 290 triệu liều vắc xin đã được phân phát trên toàn nước Mỹ, trong đó có 230 triệu liều đã được sử dụng. Con số này tương đương 2,3 triệu liều vắc xin được tiêm mỗi ngày kể từ 20-1. Tính đến ngày 26-4, hơn 95 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin, chiếm khoảng 37% dân số trưởng thành, khoảng 44 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Việc lớn thứ hai Tổng thống Biden làm được là vận động Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ USD. Dù Đảng Dân chủ đang kiểm soát cả lưỡng viện, khoảng cách với phe Cộng hòa là rất mong manh, chỉ chênh nhau trên một chục ghế ở Hạ viện và ngang bằng ở Thượng viện.
Do đó, theo đánh giá của giới phân tích, việc gói cứu trợ được thông qua nên được xem là một thành tựu của chính quyền Biden. Đó là còn chưa kể đây là gói cứu trợ, kích thích kinh tế lớn nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
Chính sách xoay quanh Trung Quốc
Chính quyền Biden cho thấy sự bài bản trong cách tiếp cận với Trung Quốc khi thực hiện đúng những gì đã được nêu ra từ đầu. Trong 100 ngày đầu tiên, Mỹ đã tập hợp các đồng minh để thách thức những hành vi mà Washington cho là không phù hợp của Trung Quốc, nổi trội nhất là vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Nước Mỹ dưới thời Biden cũng đặt nặng vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Nga như đã được dự báo ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trên thực tế, phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền Biden trong 100 ngày đầu tiên đều xoay quanh Trung Quốc. Việc Washington tập hợp lực lượng, trấn an các đồng minh đều nhằm vào Bắc Kinh. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc với thái độ ngày càng tự tin khi đối mặt với chính quyền Joe Biden. Hai xu hướng này sẽ khó thay đổi trong thời gian ngắn, đồng nghĩa những căng thẳng giữa hai nước sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Cuộc gặp giữa các quan chức đối ngoại cấp cao Mỹ – Trung ở Alaska vào tháng 3 có thể xem là một cột mốc trong quan hệ song phương dưới thời ông Biden. Trong cuộc tiếp xúc đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thể hiện rõ quan điểm của Mỹ: không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, sẵn sàng hợp tác nhưng cũng chuẩn bị sẵn tinh thần đối đầu khi cần thiết.
Viết trên báo The Hill, ông Douglas Schoen, cố vấn cũ của cựu tổng thống Bill Clinton, cho rằng chính quyền Biden vẫn thiếu một chiến lược cụ thể, toàn diện đối phó Trung Quốc và đang “mạnh về lời nói hơn hành động”.
100 ngày là thời gian quá ngắn để Tổng thống Biden và cộng sự xây dựng được một “đại chiến lược” với Trung Quốc. Mặc dù đã đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm, ông vẫn tiếp nối và phát triển thêm những nền tảng đã được xây dựng cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Nhóm “tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng.
“Tổng tư lệnh tiếp thị”
Hãng tin Reuters ví von Tổng thống Biden sẽ trở thành “tổng tư lệnh tiếp thị” trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ (dự kiến bắt đầu lúc 8h sáng 29-4, theo giờ Việt Nam). “Tổng tư lệnh tiếp thị” (salesman in chief) là một cách chơi chữ từ cụm từ “commander in chief”, có nghĩa là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang – một vị trí các tổng thống Mỹ kiêm nhiệm theo hiến pháp.
Theo Reuters, ông Biden sẽ phải tìm cách thuyết phục cử tri cũng như các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và việc làm trị giá 2.000 tỉ USD. Theo một số quan chức gần gũi với ông Biden, tổng thống sẽ lập luận rằng hàng ngàn tỉ USD chi tiêu là cách tốt nhất để đổi mới đất nước, tăng cường tiềm lực quốc gia trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và thách thức Mỹ.
Nguồn: tuoitre.vn