Sáng 6/8, bác sĩ Trần Thanh Sang, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) cho biết, khoảng 16h chiều qua, bệnh viện tiếp nhận 5 sinh viên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nghi ngộ độc rượu.
Trong đó, 1 bệnh nhân hôn mê sâu, tử vong sau 30 phút nhập viện, 4 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia định cấp cứu. Ngoài ra, một trường hợp đã tử vong tại nhà trọ.
Khai thác thông tin cho thấy, nhóm sinh viên này đã ăn uống, có uống rượu, tại một quán ăn thuộc TP Thủ Đức vào ngày 4/8. Sau khi về, xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, đau đầu, chóng mặt, có người co giật nên được đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Trần Thanh Dũ, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định xác nhận, tối 5/8, 2 sinh viên L.Q.K và T.T.G.M cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Hai sinh viên này hiện đang được lọc máu và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, 2 sinh viên khác tự đến bệnh viện vì cùng nguyên nhân.
Bác sĩ Dũ cho hay, khi tiếp nhận, nồng độ methanol đo được ở các bệnh nhân lần lượt là 246mg/dL và 123mg/dL, chỉ số rất cao.
“Đáng ngại hiện nay là bệnh nhân G.M đang lọc máu và vẫn hôn mê, tiên lượng nặng. Các trường hợp nhẹ hơn được điều trị tại Khoa Nội tiết Thận trong tình trạng tỉnh táo”, bác sĩ Dũ nói.
Theo các bệnh nhân, sau buổi nhậu, nhiều người cảm thấy đau đầu, lơ mơ, nôn ói. Những người uống ít rượu tình trạng nhẹ hơn. Người uống nhiều có triệu chứng co giật, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Các bệnh nhân này nhập viện vào 17h30 chiều qua. Hiện cả 2 đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Thông tin từ Công an TP.Thủ Đức cho hay, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, tiến hành mời chủ quán lên làm việc và đã lấy mẫu rượu để giám định. Quán nhậu được xác định nằm trên đường 50, phường Phước Long B, TP Thủ Đức.
Các bác sĩ cảnh báo, ngộ độc methanol trong rượu chủ yếu gặp ở các loại rượu rẻ tiền, pha tạp chất, bán cho người lao động nghèo. Bệnh nhân có thể bị mờ hoặc mù mắt vĩnh viễn, tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, xuất huyết não, tử vong. Các bệnh nhân thường nhập viện vào giờ thứ 24 đến 48 sau khi uống rượu. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân chỉ ói mửa, nhức đầu, dễ nhầm với say rượu
Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, quy định tại các Khoản 1, 2, 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi pha trộn thêm các hóa chất khác vào rượu rồi đem bán gây ra các tình trạng về ngộ độc rượu methanol được xếp vào hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trong trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự, người vi phạm các quy định về sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Thêm vào đó, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP đã định nghĩa rằng, rượu là một loại đồ uống có cồn thực phẩm. Do đó, người vi phạm còn có thể bị xử lý về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Khung hình phạt cao nhất đối với với tội danh này là 20 năm tù hoặc chung thân, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì mức phạt cao nhất lên đến 18.000.000.000 đồng.
Nguồn: vietnamnet