Giá xăng dầu được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 15h ngày 11-10 sau thông tin được phát đi của liên Bộ Công Thương – Tài chính, đánh giá việc tăng trở lại của mặt hàng này sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Sau 4 phiên giảm, giá xăng dầu quay đầu tăng trở lại - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội mang chai nhựa đi đổ xăng để tránh chờ đợi quá lâu 

Thông tin được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công bố chiều 11-10, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục đồng loạt tăng, trong đó tăng mạnh nhất là dầu.

Cụ thể, với vùng 1, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng từ mức 21.440 đồng/lít lên 22.007 đồng/lít (tăng thêm 560 đồng/lít)

Giá xăng E5RON92 tăng từ mức 20.730 đồng/lít lên 21.292 đồng/lít, tăng thêm 560 đồng/lít.

Tăng mạnh nhất là các mặt hàng dầu do diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian qua tăng liên tục ở mức cao. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng từ 22.208 đồng/lít lên mức giá hiện hành là 24.187 đồng/lít (tăng 2.179 đồng/lít)

Dầu hỏa tăng từ mức 21.688 đồng/lít lên mức 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít). Dầu mazut 180CST 3.5S hiện có giá 14.094 đồng/lít được giữ nguyên.

Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành quyết định thực hiện trích lập quỹ bình ổn như sau: mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa dừng trích và dầu mazut là 708 đồng/kg. Trong khi đó, dừng chi sử dụng với các mặt hàng xăng dầu, trừ mặt hàng dầu diesel là 200 đồng.

Việc giá xăng dầu trong kỳ điều hành này tăng cao đã được dự báo từ trước đó khi diễn biến giá thế giới trong 10 ngày qua tăng mạnh. Cộng thêm việc liên Bộ Công Thương – Tài chính thống nhất điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước) trong công thức giá cơ sở, càng khiến cho giá xăng dầu tăng mạnh.

Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho hay việc duy trì kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp đầu mối không những duy trì mức chiết khấu 0 đồng mà còn hạn chế cung ứng hàng cho các thương nhân phân phối, đặc biệt kể từ sau kỳ điều hành ngày 3-10.

Mức chiết khấu thấp gây nên những thua lỗ kéo dài, cộng thêm khó khăn trong việc duy trì cửa hàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, nhiều cửa hàng đã phải xin tạm ngưng bán hàng nhưng có những địa phương, Sở Công Thương không đồng ý cho cửa hàng đóng cửa.

Ghi nhận đến thời điểm cuối tuần vừa qua và ngày hôm qua 10-10, có tới hơn 100 cửa hàng đóng cửa và hơn 300 cửa hàng tại một số địa phương tạm ngưng bán.

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Dẫn chứng báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng. Như trong hệ thống Petrolimex tồn kho đến ngày 8-10 là khoảng 489.000m3; PVOil còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bộ công thươnggiá xăng dầuxăng dầu

Các tin liên quan đến bài viết