Trong cuộc chiến Iraq (20/3 – 15/4/2003), máy bay trực thăng vũ trang Apache AH-64, được xem là “sát thủ trên không” của Lục quân Mỹ.

Những tính năng vượt trội

So với các loại trực thăng khác, Apache AH-64 trước hết nổi bật ở khả năng tác chiến linh hoạt và khả năng sống sót cao. Nó có thể hoạt động ở độ cao 1.220m so với mặt biển và có khả năng tác chiến trong điều kiện nhiệt độ môi trường lên tới 40 độ C.

Trong điều kiện địa hình rừng núi, nó có thể lợi dụng khả năng che khuất của địa hình để bay thấp, dọc theo các tuyến sông, ngòi, đường giao thông trên bộ để tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu mà không bị radar đối phương phát hiện.

“Sát thủ trên không” trong cuộc chiến Iraq
Trực thăng Apache AH-64.

Ngoài hệ thống radar hồng ngoại để gây nhiễu thiết bị ngắm của đối phương, trực thăng Apache AH-64 còn được trang bị hệ thống phóng “chùm nhiệt-quả cầu lửa” tạo mồi giả để đánh lừa các tên lửa phòng không tìm diệt bằng hệ thống dẫn nhiệt của đối phương.

Khi bị trúng đạn, với tốc độ rơi 3-5m/giây, Apache AH-64 vẫn đảm bảo tỷ lệ sống sót 95% đối với kíp bay. Nếu cánh quạt bị trúng 1 phát đạn pháo 23 ly, vẫn có thể bay tiếp trong thời gian 30 phút. Khu vực động cơ máy bay được bọc thép để tăng cường khả năng chống đạn cao, có thể chịu được đạn 12,7 và 23 ly.

Hai là, trực thăng Apache có hỏa lực rất mạnh và khả năng sát thương cao, nhờ được trang bị: 01 pháo 30mm có góc ngẩng 11 độ, góc chúi 60 độ, góc quét sang hai bên là 110 độ, cơ số đạn 1200 viên; 16 tên lửa chống tăng Spiral AGM-114 hoặc 76 rocket 70mm; súng máy có tốc độ bắn 625 viên/phút; 02 tên lửa hồng ngoại Stinger không đối không.

Thêm vào đó, trực thăng Apache còn được trang bị các hệ thống phát hiện, xác định, định vị, lựa chọn nhiều mục tiêu tấn công trong cùng một thời điểm. Nó có thể phát hiện và xác định được 120 mục tiêu trong cùng một thời điểm, xác định và lựa chọn ra 16 mục tiêu nguy hiểm nhất, truyền thông tin đến các máy bay khác và bắt đầu tấn công tất cả các mục tiêu trong vòng không quá 30 giây.

Hạn chế

Trước hết là khả năng độc lập chiến đấu kém. Thông thường, Apache phải chiến đấu phối hợp với các loại máy bay khác như máy bay trinh sát OH-58D và MH-6 hoặc có lực lượng yểm hộ. Nếu đối tượng tác chiến có khả năng cơ động cao mà không phải là các mục tiêu cố định thì Apache không thể phát huy được hiệu quả.

Khả năng chống cát bụi kém cũng là một hạn chế của trực thăng Apache. Trong chiến đấu ở sa mạc, sau 50 giờ bay, lượng cát mà máy bay hút vào là 36kg. Cát bụi cũng bám vào cánh quạt 1 lớp dầy làm cho công suất động cơ giảm đi 15% và mức tiêu hao nhiên liệu tăng lên 10%.

Ngoài ra, trực thăng Apache đòi hỏi việc bảo dưỡng mất nhiều thời gian và chi phí cao. Trung bình, mỗi giờ bay dã chiến của Apache cần thời gian bảo dưỡng là 19,76 giờ, với chi phí 4.365USD. Trong chiến tranh Iraq 2003, để phục vụ bảo dưỡng cho 16 chiếc Apache bố trí tại Albani, Mỹ đã phải sử dụng tổng cộng trên 200 lượt máy bay vận tải C-17.

Để đáp ứng nhu cầu tác chiến trong tình hình mới, lục quân Mỹ đã tiến hành cải tiến máy bay Apache theo 4 hướng sau:

Một là nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu, qua việc trang bị radar loại mới có thể bao quát 360 độ, xử lý 256 loại dữ liệu đối với 16 mục tiêu, đồng thời liên kết với các máy bay khác và cơ sở mặt đất để trao đổi dữ liệu về mục tiêu. Cự ly quan sát đạt tới 80km. Sẽ trang bị bản đồ địa hình loại kỹ thuật số, các thiết bị lái và ngắm mục tiêu ban đêm tiên tiến.

Hai là tăng cường hoả lực bằng các loại tên lửa không đối đất tầm xa, tên lửa điều khiển bằng lade và tên lửa không đối không.

Ba là để tăng tính gọn nhẹ của máy bay, kích thước của cánh quạt, thân máy bay đều được rút ngắn để mỗi chiếc máy bay vận tải C-5 có thể chở được 5 chiếc Apache. Đồng thời, giảm lắp ráp từ 6 giờ xuống 3 giờ để đưa vào chiến đấu.

Bốn là nâng cao năng lực tác chiến tầm xa, bán kính hoạt động đạt tới 350km, tầm bay 950km, có thể bay liên tục 5 giờ.

Các vũ khí có khả năng tiêu diệt Apache

Về mặt lý thuyết, tất cả các loại pháo phòng không (từ 12,7 ly đến 57 ly) và tên lửa phòng không hiện nay đều có khả năng tiêu diệt được Apache trong tầm bắn hiệu quả.

Ví dụ như trong điều kiện tác chiến ở khu vực rừng núi, thành phố, có thể bắn hạ trực thăng Apache bằng các loại súng pháo phòng không tầm thấp (14,5mm; 37mm) vì dễ cơ động, cất giấu và bố trí phục kích cũng như hạn chế được khả năng xác định mục tiêu và phối hợp tác chiến với các lực lượng khác của Apache.

Tuy nhiên, trên thực tế, do Apache được trang bị các thiết bị và vũ khí hiện đại có khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu ở cự ly lớn (4.000- 6.000m), nên trong các địa hình chiến trường trống trải và bằng phẳng, các loại pháo phòng không từ 37 ly (tầm bắn hiệu quả 3.000-3.500m) trở xuống và các loại tên lửa tự dẫn bằng tia hồng ngoại không thể phát huy tác dụng .

Pháo 57 ly (tầm bắn hiệu quả 5.500- 6.500m) và tên lửa do radar điều khiển cũng có khả năng tiêu diệt Apache, nhưng hiệu suất tiêu diệt của pháo 57 ly rất thấp, còn tên lửa thì chỉ có hiệu quả khi sóng radar dẫn đường không bị gây nhiễu. Có ý kiến cho rằng, có thể sử dụng tên lửa Kornet-E của Nga để tấn công tiêu diệt trực thăng Apache.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cuộc chiếnIraqsát thủ trên khôngtrực thăng

Các tin liên quan đến bài viết