Theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả”, Chính phủ đang lấy ý kiến để thay thế 2 Nghị định là Nghị định 24 về tổ chức các cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định 37 về tổ chức các cơ quan trực thuộc UBND cấp huyện.

Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là việc tổ chức, sắp xếp lại như thế nào để thực sự tinh gọn, hiệu quả. Với cách nhìn của “người trong cuộc”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, đại biểu Quốc hội khoá XII, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ với bạn đọc Báo CAND những quan điểm, kinh nghiệm của mình.

Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết về đề xuất của Bộ Nội vụ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 24/CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn  thuộc UBND cấp tỉnh?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Hiện nay, theo Nghị định 24/CP thì có 17 sở và cơ quan tương đương được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn 4 sở thì tuỳ từng địa phương có đặc điểm khác nhau mà có thể có, đó là: Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Ban Dân tộc.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 24/CP, Chính phủ hướng tới có 4 sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố là: Tư pháp, Lao động -Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; 10 sở sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông – Vận tải;  Xây dựng; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông. Các sở được thành lập hoặc thí điểm hợp nhất theo NQ 18-NQ/TW là: Sở Nội vụ với Ban Tổ chức; Thanh tra với UBKT; Văn phòng UBND và HĐND…

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh trả lời phỏng vấn PV 

Vừa rồi, Quốc hội đang bàn sẽ sát nhập cả Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội vào. Bên cạnh đó, tuỳ điều kiện từng địa phương đạt được tiêu chí qui định hay không mà thành lập các sở đặc thù, chuyên ngành, như: Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Sở Qui hoạch-Kiến trúc (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Theo đó, dự thảo Nghị định của Chính phủ đưa ra 3 phương án. Phương án thứ nhất: đối với đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) không quá 20 sở, ngành; đô thị loại I không quá 19 sở, ngành; tỉnh loại II: không quá 18 sở, ngành; tỉnh loại III: không quá 17 sở, ngành.

Phương án thứ 2: đô thị đặc biệt không quá không quá 20;  đô thị loại I không quá 18 sở, ngành; tỉnh loại II, III không quá 17 sở, ngành.

Phương án 3: tuỳ  địa phương quyết định nhưng không quá số lượng sở, ngành hiện nay.

Phóng viên: Còn đối với cấp huyện thì Chính phủ dự tính sẽ sắp xếp thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Ở cấp huyện, tức là Nghị định thay thế Nghị định 37/CP thì dự kiến sẽ có 5 phòng được tổ chức thống nhất ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các phòng: Giáo dục và Đào tạo; Tài chính-Kế hoạch; Tài nguyên-Môi trường; Tư pháp; Văn hóa và Thông tin. Có thể giữ ổn định hoặc hợp nhất là: phòng Nội vụ với phòng Lao động và Xã hội; giữ ổn định hoặc sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập cho phù hợp với yêu cầu gồm các phòng: Y tế và Dân tộc.

Các phòng được giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất là: Thanh tra với UB Kiểm tra, phòng Nội vụ với Ban Tổ chức, Văn phòng HĐND và UBND với Văn phòng cấp ủy cùng cấp. Các phòng được tổ chức ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô  thị. Các phòng được tổ chức ở huyện là: phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,phòng Kinh tế và Hạ tầng (hiện nay có 10 phòng chung cho các quận, huyện, 2-3 phòng khác tuỳ theo đặc điểm địa phương).

Ở cấp huyện, dự thảo Nghị định  cũng đưa ra 3 phương án. Trong đó, phương án 1 thì huyện loại I không quá 12 phòng; huyện loại II: không quá 11 phòng, loại II không quá 10 phòng. Phương án 2: là huyện loại I không quá 12 phòng; huyện loại II và III không quá 10 phòng. Phương án 3: Tuỳ theo tình hình thực tế nhưng không vượt quá số phòng hiện nay. Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về cách sắp xếp tổ chức theo như dự thảo Nghị định của Chính phủ? Việc sắp xếp như trên đã tinh gọn hay chưa?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, các phương án  trên đã có sự đổi mới nhưng chưa thực sự mạnh dạn. Ý của Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ phân cấp cho quyền chủ động của các địa phương được tự quyết theo điều kiện cụ thể của địa phương trên cơ sở khung số lượng đã qui định.

Việc sắp xếp lại như trên là trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành có sự tương đồng hoặc có sự chồng chéo, giao thoa nhau trong quá trình thực hiện, như Giao thông  Vận tải và Xây dựng thì chồng chéo rất rõ, nhất là trong quản lí đô thị thì chồng chéo lắm; Tài chính – Kế hoạch cũng tương tự,nhiều thành phố có khối lượng công việc rất lớn nhưng chức năng, nhiệm vụ cũng là quản lí nguồn vốn, cân đối thu chi dù là vốn chi thường xuyên hay đầu tư.

Hay như Giáo dục – Đào tạo và Khoa học, đương nhiên, Giáo dục – Đào tạo phải nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học phục vụ giáo dục-đào tạo và ứng dụng thực tế. Thông tin – Truyền thông với Văn hoá Thể thao cũng tương tự. Riêng Nội vụ và Tổ chức, Thanh tra – Kiểm tra thì theo Nghị quyết 18 của Đảng làm thí điểm. Văn phòng HĐND – UBND – Đoàn Đại biểu Quốc hội trước đây là 1 sau đó tách ra, vừa rồi lại có Đề án nhập vào.

Phóng viên: Có nhiều sở, ngành mới được tách ra, bây giờ lại nhập vào. Giải thích việc “xuất – nhập” thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực tế thì lúc tách ra cũng có lý, nhập vào cũng có lý, nhưng lý thế nào lại là câu chuyện khác. Chuyện tách nhập vừa rồi là do nhiều nguyên nhân, phù hợp ở giai đoạn đó, nay trước yêu cầu đổi mới không còn phù hợp nữa. Quan điểm của tôi là phải làm, làm đến nơi, đến chốn, mạnh dạn hơn. Sau khi nhập sở, ngành, có thể tiến tới sáp nhập các bộ,ngành cho tương ứng.

Riêng về sở, phòng thì việc sát nhập là rất cần thiết. Đề xuất của Bộ Nội vụ với Chính phủ là giao quyền chủ động cho địa phương, nhưng theo tôi khi thực hiện sẽ khó đạt được mục tiêu nếu các địa phương không có sự quyết tâm đổi mới. Vì với 4 sở ổn định thì được rồi, nhưng 10 sở có thể hợp nhất hoặc không nhưng lại có qui định khung là không quá 20 sở, ngành đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác là không quá 19, 18 và 17 sở. Hiện nay, cao nhất là Hà Nội cũng mới chỉ có 21 sở, ngành, nếu nhập vào 1 thành 20 thì chỉ cần nhập Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội thì không cần nhập gì nữa. TP Hồ Chí Minh vừa đủ số 20 rồi cũng không cần nhập

Hay phương án đô thị loại I là 19 đầu mối như Hải Phòng, Đà Nẵng… thì hiện nay các địa phương này cũng chỉ có 19 đầu mối. Chỉ có một số tỉnh loại I và loại II cho phép 17-18 đầu mối, hiện có khoảng 19-20 đầu mối, cũng không giảm được bao nhiêu. Chính vì vậy, nếu những sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo hoặc tương đồng nhau thì phải quy định cứng luôn. Nếu để cho địa phương thì có tình trạng nơi thì thấy cần phải cách mạng, nhưng có nơi vẫn thấy nằm “trong khung” thì không cần sáp nhập nữa.

Phóng viên: Qua nắm tình hình, tư tưởng của các địa phương, đơn vị có ủng hộ việc sáp nhập không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Lúc mới xây dựng đề án, có nhiều địa phương ủng hộ, nhưng sau lại không đồng ý, vì cho rằngcác sở có khối lượng công việc lớn, nếu hợp nhất sẽ rất khó khăn trong thực hiện. Theo tôi thì lớn là đúng, công việc nhiều nhưng lĩnh vực thì lại trùng. Có thể sáp nhập, nếu khối lượng việc lớn thì tăng số người chứ không tăng bộ máy.

Ví dụ như chúng ta có Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì trước đây quản lí kinh tế tập trung bao cấp nên phải có kế hoạch. Bây giờ vẫn cần kế hoạch nhưng khác trước đây nên Tài chính và Kế hoạch có chồng chéo nhau về nguồn vốn, cân đối nguồn vốn, thu chi, quản lí doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần phải nhập lại. Cấp tỉnh nhập trước rồi sẽ tính toán cấp Bộ.

Phóng viên: Trong xu thế tinh gọn bộ máy, vừa rồi, một số tỉnh lại thành lập thêm Sở Du lịch trong khi cấp Bộ không có, ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc tách Sở Du lịch ra như vừa rồi tôi thấy không phù hợp. Nhiều địa phương cho rằng cần đầu tư du lịch là ngành mũi nhọn, thu nhập chiếm 10% tỷ trọng GDP của tỉnh trong 5 năm liên tục thì được tách, nhưng thu nhập của du lịch bằng sao được Công nghiệp – Thương mại ngành này chiếm từ hơn 40% đến 60-70%. Trong khi đó, Công nghiệp – Thương mại nhập được thì tại sao phải tách Du lịch?

Thêm Sở Du lịch là thêm bộ máy, thêm các điều kiện, thủ tục hành chính, ngược với chủ trương tinh gọn, hiệu quả. Trên không có bộ nhưng dưới lại có sở. Chính vì vậy, theo tôi là không cần thiết.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc sáp nhập “căng” quá, một tổ chức nhưng lớn quá khó quản lí, chưa chắc đã hiệu quả. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi nói ở cấp Chính phủ. Trước đây, có hơn 40 đầu mối, nhập lại hiện còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan  thuộc Chính phủ. Tất cả các Tổng cục đã về hết các bộ, ngành, trở thành đa ngành, đa lĩnh vực. Như Hải quan, Dự trữ Quốc gia… về Bộ Tài chính đều hoạt động rất tốt. Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất ổn. Trước đây, lúc mới nhập Thuỷ lợi về Nông nghiệp, nhiều ý kiến phản đối lắm, nhưng khi nhập vào thì hoạt động tốt, hiệu quả vì lĩnh vực gắn với nhau. Thuỷ lợi cái chính là phục vụ nước cho nông nghiệp…

Vấn đề là con người có đảm bảo được không. Việc này thì cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp để đáp ứng được yêu cầu. Quan trọng là không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tinh gọn, đảm bảo thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Theo tinh thần cải cách hành chính hiện nay là xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, Nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Nhà nước ít can thiệp vào các hoạt động của xã hội thì việc sáp nhập là rất cần thiết.

Phóng viên: Vậy quan điểm của ông về việc nhập các sở, ngành ở cấp tỉnh, phòng, ban ở cấp huyện thì nên như thế nào cho phù hợp?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi thì Chính phủ nên quy định cứng là bao nhiêu đầu mối, cái này cần tính toán kỹ về chức năng nhiệm vụ, những lĩnh vực chồng chéo thì bắt buộc nhập lại. Như tôi đã nói, Tài chính – Kế hoạch; Giáo dục – Đào tạo – Khoa học; Công nghiệp – Nông nghiệp – Thương mại… đều có thể nhập được,  hoặc nghiên cứu xem còn mô hình gì khác không thì báo cáo Thủ tướng xem xét.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Công an nhân dân

Từ khóa : đồi mồihiệu quảsắp xếp bộ máytinh gọn

Các tin liên quan đến bài viết