Đồng tình với mục tiêu tinh giản biên chế, bà con nhân dân cũng mong muốn thành phố sáp nhập phường, quận khoa học để không gây nhiều xáo trộn.
Những ngày này, người dân thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 9, 10, Thủ Đức, Phú Nhuận đang rất quan tâm đến việc được chính quyền lấy ý kiến về việc sáp nhập phường, quận. Việc lấy ý kiến này nằm trong lộ trình thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021.
Theo ghi nhận, đa số bà con đồng tình với mục tiêu tinh giản biên chế, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và mong muốn chính quyền TP có cách làm khoa học, ít gây xáo trộn đời sống người dân.
Cần tạo thuận lợi cho dân “hậu sáp nhập”
Chiều 21-9, UBND phường 6, quận 3 đã tổ chức họp mặt ban điều hành khu phố, các tổ trưởng dân phố để triển khai chủ trương lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập 3 phường 6, 7 và 8 của quận này. Các tổ trưởng tổ dân phố bày tỏ sự đồng tình về chủ trương sáp nhập vì sẽ tiết kiệm biên chế, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, các tổ trưởng tổ dân phố cho biết vẫn không khỏi lo lắng cho giai đoạn “hậu sáp nhập”. Ông Trần Quốc Đạt, tổ trưởng tổ dân phố 19, lo lắng bày tỏ hệ lụy trước mắt là người dân phải tốn thời gian, tiền bạc để thay đổi thông tin hồ sơ, giấy tờ…
Ông Đạt đề nghị sau khi đổi tên phường, chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng làm lại hồ sơ. Ông Đạt cũng lo lắng về quy mô tổ dân phố khi lập phường mới: “Hiện tổ tôi có gần 100 hộ với 500 nhân khẩu nhưng quản lý đã rất khó khăn. Mai này con số tăng lên thì càng mệt”.
Anh N.H.P. (ngụ phường 7) cho biết gia đình anh rất ngại về việc sáp nhập phường. “Đổi tên phường, tên đường thì phải thay đổi tất tần tật giấy tờ. Nhà tôi 4 người đều làm nghề buôn bán, tất bật cả ngày không có thời gian rảnh để đi làm thủ tục” – anh P. lo lắng.
Anh P. đề xuất sau khi lập phường mới, chính quyền nên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thay đổi các hồ sơ giấy tờ; chẳng hạn như tăng cường làm việc ngoài giờ, làm việc các ngày nghỉ.
Ở một góc nhìn khác, chị L.T.H. (phường 7) đánh giá quận 3 là trung tâm TP, khu vực 3 phường sáp nhập lại có nhiều nhà hàng, quán nhậu. “Tôi nghe nói sáp nhập là nhằm tinh giản bộ máy, vậy thì liệu bộ máy mới có đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho người dân hay không? Sáp nhập để tốt lên thì dân ủng hộ nhưng phải đảm bảo được cuộc sống bình thường, ổn định cho người dân” – chị H. nêu quan điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết lãnh đạo các phường, quận trong diện cần sáp nhập đều cam kết sẽ đề xuất hướng giải quyết thuận lợi nhất về mặt giấy tờ, thủ tục cho người dân. Trước mắt, sau khi sáp nhập sẽ đề xuất thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ người dân làm nhanh các thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin trên giấy tờ nhà đất, hồ sơ ngân hàng, chứng minh nhân dân, hộ khẩu…
Băn khoăn tên gọi mới
Ông Nguyễn Huy Thoại (khu phố 2, phường Bình An, quận 2) cho rằng mỗi lần thay đổi địa danh sẽ kéo theo rất nhiều thứ liên quan có gắn liền với địa chỉ. “Nếu nhập hai phường thành một thì tên của phường mới nên lấy tên của một trong hai phường thành viên, để hạn chế thấp nhất xáo trộn mà người dân phải chịu” – ông Thoại nói.
Ông Thoại dẫn chứng là theo kế hoạch, phường Bình An nơi ông ở và Bình Khánh sẽ được nhập lại thành phường mới mang tên An Khánh. Tên gọi này lại trùng với tên một phường cũ khác ở quận 2 sẽ gây rất nhiều nhầm lẫn, phiền toái.
Ở quận 3, người dân bày tỏ thắc mắc và muốn biết tại sao khi sáp nhập 3 phường 6, 7, 8 thì phường mới lại mang tên Võ Thị Sáu. Bà Huỳnh Thị Minh Châu – phó chủ tịch UBND phường 6 – cho rằng dự kiến tên phường Võ Thị Sáu vì con đường Võ Thị Sáu là đường có ý nghĩa quan trọng của phường sau sáp nhập.
Ngoài ra, việc chọn tên bằng chữ thay vì số cho phường mới cũng sẽ hạn chế xáo trộn tại các phường còn lại. Tuy nhiên, bà Châu cũng nói thêm tên phường vẫn chỉ là phương án dự kiến và đang lấy ý kiến cử tri.
Với việc lập TP Thủ Đức từ 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, trong khi nhiều người dân tại quận Thủ Đức tán thành lấy tên TP Thủ Đức, cũng là tên cũ của vùng đất rộng hơn 211km2 này, nhiều người dân ở quận 9 và quận 2 muốn khu vực này mang một cái tên hoàn toàn mới.
“Nên gọi là thành phố Đông hay một cái tên nào đó mới mẻ để tạo động lực. Thủ Đức là tên gọi của huyện Thủ Đức xưa. Nay lấy lại tên này không phản ánh được xu thế phát triển hiện đại của khu vực cửa ngõ phía đông TP.HCM” – ông Trần Minh Thành, một người dân ở quận 2, nêu ý kiến.
Cần thông tin rộng rãi
Bà Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú, quận 9) cho rằng để người dân hiểu và cho ý kiến xác đáng về đề án sáp nhập thì họ phải hiểu việc thay đổi có ý nghĩa gì. Nếu việc sáp nhập 3 quận để tạo động lực phát triển thì Nhà nước có chính sách gì mới để thu hút đầu tư? Người dân sẽ được lợi gì, thuận tiện gì từ việc sáp nhập?
Cũng theo bà Dung, nếu không có thông tin rõ ràng, người dân dễ nhìn thấy cái phiền hơn là cái lợi. Nếu là sáp nhập để phát triển thì phải có thay đổi thực sự về mặt nội dung, về cách thức quản lý và đời sống của người dân thực sự có lợi hơn chứ đừng chỉ thay đổi hình thức và tên gọi.
Chiều 21-9, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo khẩn về quy trình lấy ý kiến người dân. Theo đó, UBND các phường nơi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phải niêm yết danh sách cử tri theo từng khu phố. Ngay sau khi niêm yết danh sách cử tri, các phường phải tổ chức các hội nghị, cuộc họp tại khu phố, tổ dân phố để thông tin về mục đích, yêu cầu của việc lấy ý kiến.
Để việc lấy ý kiến cử tri đạt yêu cầu, nhất là phải có chữ ký của thành viên hộ gia đình, UBND TP yêu cầu các phường phải thành lập các tổ lấy ý kiến cử tri. Chú ý hướng dẫn kỹ nội dung lấy ý kiến, gắn với tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Tổ lấy ý kiến cử tri sẽ gồm có tổ trưởng là bí thư chi bộ hoặc trưởng khu phố. Các thành viên trong tổ là đại diện các tổ chức chính trị xã hội và người dân có uy tín ở địa bàn.
Dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri vào ngày 3-10, bắt đầu từ 7h sáng, kết thúc vào 19h cùng ngày.
TP.HCM sẽ sắp xếp 3 quận và 19 phường
Theo phương án mới nhất được lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM báo cáo với bộ ngành trung ương, sẽ có 3 quận và 19 phường tại TP.HCM thuộc diện sáp nhập. Cụ thể:
Sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức.
* Quận 2: nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; nhập phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh.
* Quận 3: nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu.
* Quận 4: nhập phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13.
* Quận 5: nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12.
* Quận 10: nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2.
* Quận Phú Nhuận: nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Sáp nhập quận cần đi đôi đổi mới hệ thống quản trị
Về mặt chủ trương, tôi ủng hộ sáp nhập các đơn vị hành chính. Trước hết, chính quyền đô thị phải khác mô hình chính quyền nông thôn. Chức năng cung cấp dịch vụ công của đô thị khác nông thôn về thu thập dữ liệu, quy hoạch, cung cấp dịch vụ công… nên không cần bộ máy cồng kềnh vẫn quản lý và cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin phát triển đã cung cấp cho chính quyền những công cụ quản lý mới làm thay đổi hoàn toàn cả về tư duy và cách tiếp cận.
Nếu 3 quận sáp nhập để thành một đơn vị hành chính ngang quận mới mà vẫn sử dụng mô hình chính quyền 3 cấp thì việc sáp nhập, đổi mới chưa hoàn thiện, nhìn ở góc độ nào đó, đây chỉ mới là sáp nhập về hình thức, về lượng chứ chưa có sự đột phá, đổi mới về chất.
Trong bối cảnh hiện tại, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, tại sao TP.HCM vẫn duy trì một chính quyền 3 cấp cồng kềnh đã tồn tại từ hơn 40 năm trước? Theo tôi, quan trọng nhất là đổi mới cả hệ thống quản trị chứ không phải là sáp nhập cơ học. Sáp nhập phải đi kèm với thí điểm về mặt thể chế, đổi mới hệ thống quản trị, thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà TP đã theo đuổi trước đây.
Từ đột phá về mặt thể chế sẽ dẫn đến đột phá khác. TP nên tận dụng cơ hội để làm hình mẫu thí điểm cho chính quyền đô thị ở khu vực phía Nam.
Hà Nội: bố trí công việc xong cho 60 cán bộ dôi dư
Thành ủy Hà Nội đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm 5 đơn vị hành chính từ ngày 1-3-2020 có cả thuận lợi và khó khăn, nhưng đến nay đã giải quyết chế độ, bố trí công việc xong với 60 cán bộ dôi dư sau sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã.
Tại quận Hai Bà Trưng, toàn bộ phường Bùi Thị Xuân, một phần phường Ngô Thì Nhậm được sáp nhập vào phường Nguyễn Du. Phần còn lại của phường Ngô Thì Nhậm sáp nhập vào phường Phạm Đình Hổ. Tại huyện Phúc Thọ, xã Cẩm Đình cùng xã Xuân Phú sáp nhập thành xã Xuân Đình, xã Phương Độ sáp nhập với xã Sen Chiểu thành Sen Phương. Tương tự, huyện Phú Xuyên cũng hợp nhất xã Thụy Phú với xã Văn Nhân thành xã Nam Tiến.
Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính quy mô nhỏ thành đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn hơn đã tạo điều kiện tập trung các nguồn lực đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại.
Ngoài ra cũng thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, thu gọn các đầu mối đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế.
Với 5 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập, số lượng cán bộ dôi dư được tổng hợp có 60 người. Hà Nội chủ trương giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi và nghỉ chế độ với 27 người, tuyển dụng thông qua thi tuyển vào các cơ quan ở cấp huyện với 4 người, điều động 28 người sang đơn vị hành chính cấp xã khác.
Ông Đoàn Tuấn Anh – phó bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ – cho biết trong thực hiện, huyện chú trọng làm công tác tư tưởng với cán bộ vì khi sắp xếp khó tránh được việc từ cấp trưởng xuống cấp phó.
Tuy nhiên, theo ông Anh, do thời điểm sắp xếp từ trước giai đoạn chuẩn bị đại hội cấp xã, đang trong giai đoạn kiện toàn nên công tác bố trí cán bộ thuận lợi hơn, các đơn vị hành chính mới ổn định sớm, giảm tối đa những xáo trộn với người dân.
Cần Thơ đã sáp nhập 3 phường Tân An, An Hội và An Lạc, quận Ninh Kiều. Trong ảnh: chợ đêm Ninh Kiều, phường Tân An
Cần Thơ: dân không tốn phí khi chuyển đổi giấy tờ
Từ ngày 1-4-2020, Cần Thơ đã sáp nhập 3 phường Tân An, An Hội và An Lạc (quận Ninh Kiều) thành phường Tân An, do phường An Hội, Tân An chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, cho biết bộ máy chính quyền phường Tân An hoạt động cơ bản ổn định, chưa nghe người dân phàn nàn. Ngoài ra, HĐND TP Cần Thơ cũng có nghị quyết về giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư do sáp nhập.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Điền – chủ tịch UBND phường Tân An – cho biết việc giải quyết 61 cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập 3 phường thành 1 được thực hiện theo lộ trình. Trong đó đã giải quyết chế độ xong đối với cán bộ không chuyên trách, hiện còn 1 cán bộ và 12 công chức. Dự kiến trong năm nay quận Cái Răng sẽ nhận 6 người, còn lại đến cuối năm 2021 giải quyết dứt điểm. Ông Điền cho hay từ khi sáp nhập 3 phường thì công việc nhiều hơn do dân số đông, địa bàn rộng.
Sau khi thành lập, trụ sở làm việc được đặt tại trụ sở phường Tân An cũ, còn trụ sở UBND phường An Hội được xây dựng mới gần đây hiện là nơi làm việc của công an phường. “Sau khi sáp nhập, người dân chuyển đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu sẽ được công an phường hướng dẫn tận tình và không tốn phí khi chuyển đổi” – ông Điền nói.L.dân
Thực hiện theo nghị quyết 37
Một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được thực hiện theo nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Mục tiêu của nghị quyết là tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sáp nhập các quận huyện, phường xã, thị trấn chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến khích các tỉnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.
Từ năm 2022 đến 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
Nguồn: tuoitre.vn