Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT sẽ chủ trì cụm thi duy nhất tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, việc in sao đề thi các năm trước do trường ĐH đảm nhiệm cũng sẽ giao lại cho sở GD-ĐT.
Sao in đề thi, gánh nặng của các sở 
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi môn sử tại điểm thi Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thuộc cụm thi Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) năm 2016 

Theo một số lãnh đạo sở GD-ĐT khu vực phía Bắc, trước đây khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức riêng thì các sở cũng đã phải in sao đề thi cho địa bàn của mình nên quy trình in sao, đóng gói, vận chuyển và bảo mật không phải xa lạ gì. Tuy nhiên, với những thay đổi theo dự thảo vừa ban hành, trách nhiệm sao in là gánh nặng lớn đối với các sở GD-ĐT. PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) – cho biết thực chất việc in sao đề – trong đó có cả đề thi trắc nghiệm và tự luận – đã được các sở GD-ĐT thực hiện khi tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia trước đây (các sở GD-ĐT chỉ chủ trì cụm thi địa phương, dành cho đối tượng xét tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, với sự thay đổi cấu trúc đề thi, tăng số đề thi trắc nghiệm, tăng mã đề thi trong mỗi bài thi theo hình thức trắc nghiệm thì khối lượng công việc mà các sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm sẽ tăng lên.

“Sở GD-ĐT các tỉnh sẽ phải khắc phục khó khăn khi căng người ra ở các khâu coi thi, chấm thi, in sao, vận chuyển đề thi. Việc này còn cần có sự phối hợp của chính quyền, các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan an ninh trong việc bảo vệ khu vực in sao đề, áp tải đề tới các điểm thi”
Ông Nguyễn Quang Vinh (trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình)

Theo ông Nghĩa, tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, mỗi phòng thi sẽ được bố trí tối đa 24 thí sinh. Ở các môn thi trắc nghiệm, 24 thí sinh trong phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau, đảm bảo đề thi của thí sinh sẽ có ít nhất 80% nội dung độc lập, không giống với các đề thi khác. Với thay đổi này, hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM bày tỏ sự băn khoăn của mình: “Theo dự thảo quy chế, tôi hình dung khâu in đề thi sẽ cực kỳ phức tạp và rất vất vả. Ví dụ trong một phòng thi có 24 thí sinh sẽ có 24 mã đề khác nhau. Khi in đề thi sẽ in theo từng mã đề nhưng khi đóng gói đề thi phải xếp theo phòng thi. Vì vậy khâu sắp xếp đề thi theo phòng thi như vậy rất dễ lẫn lộn. Hơn nữa, những năm trước việc in sao đề thi thường do các trường ĐH lớn có nhiều kinh nghiệm phụ trách, nay lại giao cho các sở GD-ĐT làm tất cả nên tôi rất băn khoăn. Bên cạnh đó, một số vấn đề Bộ GD-ĐT cần làm rõ là quy định thi phải có đề dự phòng. Trước nay mỗi cụm thi có một túi đề dự phòng chung, năm nay với quá nhiều mã đề thì đề dự trữ sẽ bố trí ở từng phòng hay thế nào?”. Chưa hết, theo một cán bộ làm công tác khảo thí của TP Hải Phòng – người từng có nhiều năm tham gia in sao đề thi, thì dễ nhầm lẫn nhất là có quá nhiều mã đề khác nhau trong một đề thi. “Một bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên (theo phương án thi năm 2017) có 3 tờ đề thi của các môn thành phần, nhưng phải in 24 mã đề. Như vậy một môn thi tổ hợp đã phải in 72 bản đề thi khác nhau của các môn thành phần. Ngoài việc tăng số lượng, việc phân túi đề thi đảm bảo chính xác, không thiếu, không sai sót là công việc tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, nhân lực. “Cái khó nhất của việc in sao năm nay ở chỗ này, chứ việc tăng số lượng hay áp tải đề, đảm bảo an toàn thì không ngại” – vị cán bộ này lưu ý. Tăng người, 
tăng máy mócXung quanh dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 về việc tăng số lượng mã đề, ông Lê Tuấn Tứ – giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa – khẳng định việc này chỉ làm mất thời gian trong quá trình chuẩn bị, khiến các đơn vị cẩn thận hơn để tránh nhầm lẫn. Theo ông Tứ, quy chế năm nay là mỗi thí sinh một đề thi, điều này yêu cầu các hội đồng tuyển sinh phải cẩn thận trong việc in sao, vào bì thư trước khi vận chuyển đề đi các điểm thi. Trong khi đó bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết việc sao in đề thi thì phương án tốt nhất hiện nay là sở vẫn phối hợp cùng Trường ĐH Cần Thơ để bảo đảm các khâu từ đầu mối sao in, di chuyển đến khâu kỹ thuật. “Mặc dù đã có chuẩn bị, nhưng chúng tôi vẫn xác định sẽ phức tạp và cực hơn những năm trước rất nhiều. Hiện tại chúng tôi vẫn đang họp góp ý, tham mưu từ nhiều phía để đạt kết quả tốt nhất. Đến khi bộ có quyết định chính thức thì Cần Thơ sẽ triển khai kế hoạch ngay” – bà Thắm nói. Ông Đinh Trọng Cường, trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết: “Hiện nay chúng tôi mới gửi dự thảo cho các trường lấy ý kiến, chưa tập hợp nhưng về in sao đề thi chúng tôi sẽ có các bước chuẩn bị sớm hơn.Trước đây chúng tôi đã in sao đề thi trắc nghiệm rồi nên cũng không phải việc mới. Năm nay chỉ có số lượng tăng, phức tạp hơn nên chắc chắn người huy động cho việc này sẽ nhiều gấp 2-3 lần. Ngoài ra phải chuẩn bị tốt máy móc, có các phương án dự phòng và đặc biệt là tập huấn”.

Sẽ tập huấn công tác thi chậm nhất vào tháng 3: Một số thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tập huấn công tác tổ chức thi một cách kỹ lưỡng đến các sở GD-ĐT để các sở kịp về triển khai cho các trường trước thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi. Dự kiến tập huấn tổ chức thi sẽ diễn ra chậm nhất vào tháng 3-2017. Trong tập huấn tổ chức thi nói chung, Bộ GD-ĐT sẽ đặc biệt lưu ý đến công tác in sao đề thi, coi thi và bảo mật đề thi vì có một số điểm mới. Với công tác coi thi, Bộ GD-ĐT lưu ý đến các buổi thi có bài thi tổ hợp, để bảo mật đề thi, thí sinh sẽ phải nộp lại cả đề thi và giấy nháp khi hết thời gian làm bài từng môn thi trong bài thi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đề thiSở GD-ĐT

Các tin liên quan đến bài viết