Ngày đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, giá các mặt hàng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Riêng rau xanh và trứng vẫn có giá đắt đỏ.
Ngày đầu áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 tại TP.HCM, khảo sát giá cả của PV. VietNamNet tại một số chợ trung tâm cho thấy các mặt hàng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” so với ngày cơn biến động giá “kinh hoàng” hôm qua – trước thời điểm bắt đầu phong tỏa thành phố.
Tuy nhiên, trứng và rau xanh vẫn là hai mặt hàng khan hiếm và ở mức giá cao. Nhiều người dân đi chợ từ sớm nay thất vọng khi giá rau, củ quả còn mức “trên trời”.
Cụ thể, tại chợ Đa Kao (quận 1), cải thảo có giá: 50.000 đồng/kg, súp lơ xanh: 80.000 đồng/kg, cà chua: 70.000 đồng/kg, cải xanh: 40.000 đồng/kg, mùng tơi: 40.000 đồng/kg, đậu que: 50.000 đồng/kg, xà lách: 60.000 đồng/kg,…
Kệ hàng rau không còn tại một siêu thị |
Trứng cũng hết từ rất sớm |
Thịt dồi dào trên kệ hàng |
Một số tiểu thương cho biết, giá rau không thể hạ thấp hơn được nữa do nguồn hàng không có, hàng chưa thể vào được trong thành phố để cung cấp tới các chợ. “Tôi không nhập nổi hàng thì lấy đâu ra mà bán được rẻ hơn được”, một tiểu thương nói.
Bà Lan (60 tuổi) đi chợ Đa Kao từ sớm, tuy nhiên cũng chỉ mua ít rau xanh mang về do giá đắt và không hợp lý. “Bình thường, một lần đi chợ tôi sẽ mua nhiều đồ nhưng nay giá cao quá nên mua ít lại. Rau, quả cũng không tươi như mọi khi nên không mua”, bà chia sẻ.
Một siêu thị nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) cũng không có rau nhập về trong sáng nay để bán cho người dân. Tại một siêu thị khác gần đó, chủng loại rau cũng không được phong phú như ngày thường.
Người dân dậy từ sớm xếp hàng đi siêu thị |
Trong khi đó, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mặt hàng trứng vẫn khan hiếm và giá vẫn ở mức rất cao. Trứng vịt có giá 50.000 đồng/chục (so với 55.000 đồng/chục của ngày hôm qua), trứng gà có giá 40.000 đồng/chục, nhưng một số sạp hàng cũng không có trứng để bán. Siêu thị cũng hết mặt hàng trứng từ khoảng 8h sáng.
Trái lại, theo quan sát, nguồn cung thịt tại các siêu đã dồi dào hơn. Nguyên nhân có thể do người dân đã tích trữ đủ và có thể dùng dần trong một vài ngày tới.
Liên quan tới việc cung ứng hàng hóa tại TP.HCM, ngày 8/7, Bộ Công Thương đã ra hai văn bản gửi Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đề nghị tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường cung ứng hàng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.
Đồng thời, các địa phương phía Nam có sự phối hợp với TP.HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa cho người dân trong các khu vực của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Nguồn: vietnamnet