Nhiều người sau khi mắc COVID-19 đã “săn lùng” những loại thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phục hồi chức năng, giải độc, thanh lọc phổi. Theo các chuyên gia khuyến cáo, sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ có thể “lợi bất cập hại”.

Săn lùng mua thuốc giải độc, thanh lọc phổi có cần thiết? - Ảnh 1.

Đổ xô mua thuốc giải độc, thanh lọc phổi

Chị N.T.H. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mắc COVID-19 từ đầu tháng 1, sau khi khỏi bệnh chị H. thường xuyên có biểu hiện ho, tức ngực. Nghe theo lời chỉ dẫn trên mạng xã hội, chị H. mua 2 loại thải độc, thanh lọc và bổ phổi để sử dụng.

Chị H. cho biết: “Tôi mua 2 hộp có giá gần 1 triệu, hàng nhập khẩu nên khá tin tưởng. Người bán cũng tư vấn, thuốc có tác dụng bổ sung các chất tốt cho phổi, thuốc có tác dụng từ từ”.

Cũng như chị H., anh Hoàng Văn Tiến (quận Hà Đông) cũng mua thuốc hỗ trợ phục hồi phổi sau khi bị mắc COVID-19 trên chợ mạng. “Cả gia đình tôi đều mắc COVID-19, dù không có biểu hiện ho, tức ngực gì nhưng tôi nghĩ mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến phổi nên mua về uống để phòng bệnh”, anh Tiến chia sẻ.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online tại một số cửa hàng thuốc, không khó để có thể mua được các loại thuốc bổ phổi. Khi được hỏi về thuốc có chức năng phục hồi, thanh lọc phổi, chủ cửa hàng thuốc tại quận Thanh Xuân giới thiệu 4-5 loại.

“Tất cả những loại này đều có tác dụng phục hồi cho phổi, nếu em đã mắc COVID-19 thì nên dùng. Loại đắt nhất nhập khẩu từ Úc có giá 500.000 đồng/hộp”, người này giới thiệu.

Còn trên chợ mạng, hàng chục loại thuốc được quảng cáo thanh lọc, thải độc, hỗ trợ phục hồi phổi được bán tràn lan. Loại rẻ nhất có giá từ 100.000 đồng, loại đắt có thể lên tới vài triệu đồng/hộp.

Nhiều người chi tiền triệu để mua các loại thuốc giải độc, thanh lọc phổi, phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bổ sung các loại thuốc, thực phẩm chức năng này cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Hồi phục chức năng phổi bằng tập luyện và dinh dưỡng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết hiện tại nhiều người mua và uống các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ phổi, bổ gan, thanh lọc phổi một cách không cần thiết.

Thậm chí nếu dùng nhiều loại thuốc quá lại thành phản tác dụng. Cơ thể không thể nào tiếp nhận được quá nhiều loại thuốc bổ, mà đôi khi thành phần còn giống nhau.

“Bên cạnh đó, người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Chưa kể dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị”, bác sĩ Hoàng cho hay.

Bác sĩ Đỗ Anh – Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai – cho rằng chế độ dinh dưỡng cân đối và bổ sung đủ nước là chìa khóa quan trọng cho sự hồi phục của người bệnh COVID-19. Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn có tác dụng giúp cải thiện chức năng phổi đối với bệnh nhân hậu COVID-19.

Điều quan trọng nhất là cần cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất nhằm giúp tái tạo hệ thống cơ, miễn dịch và năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Để hỗ trợ phục hồi chức năng phổi, theo bác sĩ Anh, các bài tập thở đơn giản có thể cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,… với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ích Thưởng – khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội – cho biết hiện nay tình trạng người bệnh “mặc định” các triệu chứng kéo dài sau hậu COVID-19 là hậu COVID-19 là không đúng và không phải ai mắc COVID-19 cũng bị ảnh hưởng đến phổi.

Bác sĩ Thưởng thông tin thêm: “Có thể người bệnh gặp vấn đề trước đó, sau khi mắc COVID-19 thì bệnh diễn biến nặng hơn dẫn đến các triệu chứng. Với những triệu chứng ho, tức ngực, khó thở…, nhiều bệnh lý có biểu hiện như vậy. Để xác định các triệu chứng sau khi mắc COVID-19 có phải là hậu COVID-19 cần được bác sĩ đánh giá và đưa ra phác đồ điều trị. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, dẫn đến bệnh kéo dài, chuyển biến nặng hơn”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Phục hồi chức năng phổiPhục hồi chức năng phổi hậu covidThải độc phổithuốc giải độc

Các tin liên quan đến bài viết