Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng gấp 3 lần so với bình thường, lên tới hàng triệu tấn gạo, thịt các loại cùng 1 triệu quả trứng gia cầm… Theo Sở Công thương Hà Nội, người dân không cần lo lắng vấn đề thiếu lương thực, thực phẩm.
Từ chiều tối 18/7, tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm về tích trữ.
Tại một số siêu thị lớn, lượng khách tăng vọt. Mặt hàng được mua nhiều nhất là lương thực, thực phẩm. Nhiều siêu thị, người dân xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt thanh toán. Hàng trên quầy kệ siêu thị cũng trống trơn.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc, cho hay, bắt đầu từ chiều tối 18/7, hệ thống VinMart/VinMart+ tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm tăng cao. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau và trái cây,… được khách hàng lựa chọn nhiều, dẫn đến tình trạng trống kệ cục bộ các mặt hàng này tại một số điểm bán.
Người dân Hà Nội đang có tâm lý mua thực phẩm tích trữ, lượng người đến siêu thị tăng đột biến |
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, đơn vị này đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh.
“Tại Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán”, ông nói.
Theo ông Hà, người tiêu dùng cũng nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa từ các doanh nghiệp uy tín. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa lúc này là không cần thiết, tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trước đó cũng cho hay, Hà Nội đã bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Sở Công Thương Hà Nội và các siêu thị khẳng định, lượng hàng dự trữ rất lớn, siêu thị hết hàng lại được bổ sung ngay, không lo thiếu lương thực, thực phẩm |
Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường với 836.000 tấn gạo; 167.346 tấn thịt lợn; 48.150 tấn thịt trâu, bò; 55.782 tấn thịt gia cầm; trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Năng lực sản xuất của người dân Hà Nội gần như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10,5 triệu dân hàng tháng. Ngoài ra, thành phố còn tăng cường hợp tác, kết nối với 21 tỉnh, thành trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tại cuộc làm việc với Sở Công Thương Hà Nội mới đây, các doanh nghiệp cho biết, hiện tại lượng hàng hóa thiết yếu họ dự trữ tăng tăng từ 30-50%. Bên cạnh đó, để lưu thông hàng hoá, các doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tăng cao.
Sở Công Thương cũng chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictics.
Trên địa bàn thành phố hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa,… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
nguồn: vietnamnet