Tạp chí Le nouvel Economiste của Pháp cho rằng cách thức phát sóng và xem thể thao hiện nay đã mở ra một thị trường toàn cầu sinh lợi cho các giải đấu đủ loại, với các quy tắc mới của cuộc chơi.
Bế mạc Olympic Paris 2024 – bữa tiệc của âm thanh và ánh sáng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã khép lại, Paralympic đang chuẩn bị mở ra.
Nhận định về xu hướng phát triển của thị trường thể thao toàn cầu, Tạp chí Le nouvel Economiste của Pháp cho rằng cách thức phát sóng và xem thể thao hiện nay đã mở ra một thị trường toàn cầu sinh lợi cho các giải đấu đủ loại, với các quy tắc mới của cuộc chơi.
Từ thị trường trong nước đến thị trường toàn cầu
Trừ Thế vận hội Olympic và FIFA World Cup đều quy tụ khán giả trên toàn cầu, nhiều tổ chức thể thao sinh lợi nhất thế giới cho đến nay vẫn chống lại toàn cầu hóa. Liên đoàn bóng đá quốc gia Mỹ (NFL) tạo ra 98% doanh thu từ bản quyền phát sóng tại nước này.
Giải đấu cricket ngoại hạng Ấn Độ, có bản quyền truyền thông vượt xa bản quyền truyền thông của Thế vận hội Olympic hàng năm, tạo ra 96% doanh thu của nước chủ nhà. Chỉ có giải Ngoại hạng Anh là kiếm được nhiều tiền ở nước ngoài hơn ở quê nhà.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ truyền thông, toàn cầu hóa cuối cùng đã có chỗ đứng trong ngành thể thao. Công nghệ đang thay đổi cách phát sóng thể thao và cách mà người hâm mộ thưởng thức chúng, mang đến cho các giải đấu cơ hội vươn tầm quốc tế. Điều này thể hiện một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp – hàng tỷ đôla đang chờ đợi những ai chinh phục thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, còn có một cơ hội thậm chí còn lớn hơn cho khán giả, khi những chương trình vốn đã làm hài lòng người hâm mộ ở một quốc gia, lại bắt đầu gây hứng thú cho những người hâm mộ ở quốc gia khác.
Cuộc cách mạng nguồn cung
So với các ngành giải trí khác, thể thao có thể đi sau, xét về sản phẩm xuất khẩu cũng như quy mô tiềm năng. Kể từ đầu thế kỷ này, Hollywood đã kiếm được hơn một nửa doanh thu từ nước ngoài.
Các nghệ sỹ âm nhạc Mỹ phụ thuộc vào người nghe nước ngoài đối với gần 1/3 số lượt phát trực tuyến và phần lớn doanh thu bán vé hòa nhạc của họ (như Taylor Swift, người đang lưu diễn ở châu Âu, có thể chứng minh).
Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, máy chơi game Nhật Bản và ứng dụng Trung Quốc thu hút người chơi trên toàn thế giới. Nhưng nhờ phát trực tuyến, thể thao có thể gặt hái thành công trên sân chơi toàn cầu.
Hiện đang có hai xu hướng phát triển góp phần vào quá trình toàn cầu hóa thể thao. Đầu tiên là cuộc cách mạng về nguồn cung, với việc các chương trình phát sóng thể thao chuyển từ các kênh truyền hình cáp và quốc gia sang các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu. Netflix, đã từng thu hút khán giả toàn cầu bằng các bộ phim phim kinh dị Hàn Quốc và phim hài Pháp, hiện cũng đang làm điều tương tự với thể thao.
Cổ động viên Mỹ và cổ động viên Italy trên khán đài. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
Sau loạt phim tài liệu ‘Drive to Survive’ đã giới thiệu cho người Mỹ biết về Công thức 1, vào tháng 12 tới, Netflix sẽ mang đến cho nhiều người trong số 270 triệu khách hàng thuê bao cái nhìn đầu tiên về Giải bóng đá quốc gia Mỹ NFL.
Năm ngoái, Apple cũng đã bắt đầu phát trực tuyến Major League Soccer (MLS) tại hơn 100 quốc gia. Khi việc phân phối trở nên toàn cầu hơn, người hâm mộ sẽ có cơ hội xem các môn thể thao mới.
Cuộc cách mạng nhu cầu nhờ mạng xã hội
Cuộc cách mạng thứ hai nhắm vào nhu cầu. Trở ngại chính cho việc chấp nhận một môn thể thao ở nước ngoài là, không giống như các hình thức giải trí khác, công chúng muốn xem đội tuyển quốc gia của họ hơn là đội xuất sắc nhất. Nhưng giờ đây, với mạng xã hội, sự gắn bó của người hâm mộ với các đội bóng đang dần nhường chỗ cho sự tu luyện tận tâm của cá nhân vận động viên.
Các nền tảng truyền thông xã hội cho phép các vận động viên hàng đầu thu hút người theo dõi trên quy mô toàn cầu, thu hút những người hâm mộ không có mối liên hệ nào với đội của họ hoặc thậm chí với môn thể thao của họ.
Nhiều cầu thủ ngôi sao đã làm say lòng người hâm mộ trên toàn thế giới ở giải Ngoại hạng Anh thông qua mạng xã hội. Lionel Messi đã thu hút lượng khán giả mới đến với MLS, không chỉ nhờ 6 giải thưởng “Chiếc giày vàng” mà còn nhờ khoảng nửa tỷ người theo dõi trên Instagram.
Bóng rổ nữ đang bùng nổ nhờ Caitlin Clark, một cầu thủ có thành tích phá kỷ lục đã thu hút những người hâm mộ chưa bao giờ xem môn thể thao này.
Thực tế là những người hâm mộ trẻ tuổi, những người ưa thích phương tiện video ngắn, có xu hướng xem những điểm nổi bật và tóm tắt về các trận đấu trong một giải đấu, hơn là theo dõi cả trận đấu như những người lớn tuổi.
Cá cược thể thao, gần đây đã được hợp pháp hóa ở phần lớn nước Mỹ và đang phát triển nhanh chóng, càng khuyến khích người tiêu dùng theo dõi toàn giải đấu hơn là tập trung vào một đội duy nhất. Khi cộng đồng người hâm mộ trở nên đa dạng hơn và ít tư duy cục bộ hơn, thì rào cản địa lý không còn là vấn đề đối với họ.
Những người chiến thắng trong luật chơi mới
Ai có thể thắng trò chơi mới này? Trong số các công ty truyền thông, các doanh nghiệp có phạm vi phân phối lớn nhất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các giải đấu muốn chủ yếu tìm kiếm lượng khán giả lớn nhất có thể và sẵn sàng chấp nhận những thỏa thuận ít sinh lợi hơn với các dịch vụ phát trực tuyến có thể cung cấp các trận đấu của họ cho tất cả khán giả. Do đó, Netflix, Amazon và các nền tảng toàn cầu khác có lợi thế hơn so với các đài truyền hình đương nhiệm.
Hàng nghìn người tới chiêm ngưỡng ngọn lửa Olympic tại vườn hoa Tuileries. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)
Trong số các tổ chức thể thao, các giải đấu lớn nhất cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phân phối rộng rãi hơn, giống như việc phát nhạc trực tuyến đã cho phép người nghe khám phá những siêu sao như Taylor Swift.
Các môn thể thao dành cho nữ, vốn đã bị lãng quên từ lâu, chiếm gần một nửa sản lượng phát trực tuyến của ESPN. Có những dấu hiệu cho thấy người hâm mộ đang mất dần sự quan tâm đến Thế vận hội, vốn tập trung vào các quốc gia hơn là những cá nhân nổi tiếng – một số người trong số họ, như Messi, đang chọn không tham gia.
Cạnh tranh toàn cầu để thu hút người hâm mộ
Khi toàn cầu hóa, thể thao sẽ phải đối mặt với lời buộc tội từng chỉ dành cho các ngành giải trí khác: thực tế là sự xuất hiện của nội dung nước ngoài đã thúc đẩy việc từ bỏ nội dung địa phương. Các chính trị gia châu Âu đã từng phàn nàn rằng truyền hình Mỹ đang khiến người xem mất tập trung vào các chương trình địa phương.
Điều tương tự có thể xảy ra đối với thể thao, khi những người hâm mộ quan tâm đến những ngôi sao thể thao ở xa hơn là các ngôi sao địa phương – những người mà họ đang bắt đầu từ bỏ. Nhưng việc người hâm mộ muốn theo dõi môn thể thao nào là tùy thuộc vào người hâm mộ, cũng giống như việc họ chọn nhạc muốn nghe hay phim muốn xem.
Trong thể thao, sự cạnh tranh là điều quan trọng nhất. Các tổ chức thể thao nếu không muốn lo lắng về việc mất người hâm mộ trong sân chơi thể thao toàn cầu mới này thì họ cần phải lưu ý đến phương châm của Olympic: đã đến lúc phải “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.
Theo Báo Bình Phước