Không chỉ người Sài Gòn, khảo sát sơ bộ cho thấy nhiều người Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… quen gọi vòng tròn làm mốc giao giữa các tuyến đường là vòng xoay hơn vòng xuyến. Một số khác quen với tên gọi bùng binh.
Sài Gòn thấy bỡ ngỡ, Hà Nội, Cần Thơ có quen vòng xuyến?
Sử dụng “vòng xuyến”, những biển giao thông này đang gây tranh cãi 
Nghe “vòng xuyến” thấy nó kỳ kỳ!
Được chia sẻ nhiều nhất là ý kiến của bạn đọc Nguyen Thao với phân tích và đề xuất: “Vòng xuyến chỉ đơn giản nói lên hình ảnh vật thể nào đó giống vòng xuyến, còn vòng xoay hay bùng binh là nói lên chức năng điều chỉnh giao thông của vật thể đó. Vì vậy theo tôi dùng từ vòng xoay hay bùng binh trong trường hợp này là chính xác, đặc biệt là ai cũng hiểu. Luật giao thông nên được xem xét bỏ và thay từ vòng xuyến!”. Ý kiến này nhận được hơn 400 lượt thích của các bạn đọc khác. Ngay cả những người từng biết đến từ “vòng xuyến” trong luật giao thông cũng mang cảm giác “lạ lẫm” như bình luận của bạn đọc Tiền Võ: “Mình đọc được từ “vòng xuyến” đầu tiên khi học Luật Giao thông để thi bằng lái xe máy thôi. Chứ chưa bao giờ nghe từ “vòng xuyến” trong giao tiếp bình thường”. Còn một cư dân Sài Gòn từ năm 1960 như bạn đọc C.C.S thì nhẹ nhàng góp ý: “Đồng ý là Luật Giao thông đường bộ ghi vòng xuyến, nhưng trên bảng hướng dẫn giao thông để theo tên gọi của địa phương như Sài Gòn, gọi là bùng binh hay vòng xoay cũng đâu có sao. Tôi sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến nay, cũng quen gọi bùng binh, nghe vòng xuyến thấy nó kỳ kỳ!”.
Nhiều nơi.. có xoay, có xuyến, có cả bùng binh
Để không giới hạn ở Sài Gòn, Tuổi Trẻ Online có cuộc khảo sát sơ bộ ra các địa phương khác trên cả nước để tìm hiểu mức độ thông dụng của những từ “vòng xoay”, “bùng binh”, “vòng xuyến”. Ở Gia Lai, nơi nhiếp ảnh gia Nguyễn Công Thành chia sẻ ông từng được người dân chỉ đường nhắc đến từ “vòng xuyến”. Trao đổi với anh Nguyễn Đinh Hùng, một người sống ở TP. Pleiku thì anh xác nhận: “Ở trên đây mọi người dùng cả “vòng xoay” và “vòng xuyến”. Hai từ này được dùng như nhau”.Nhưng một người Pleiku khác là chị Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng ở đây có dùng từ “vòng xuyến”, nhưng nó không thông dụng. Chị Trang nói: “Tôi thấy mọi người hay gọi là bùng binh, ví dụ khi chỉ đường thì người ta sẽ nói rằng “Đi thẳng đến bùng binh quẹo trái”, không ai nói đến “vòng xuyến” cả. Từ đó ít ai biết lắm, chỉ khi học về Luật Giao thông mới biết thôi! Nhưng sử dụng hàng ngày thì thấy ít ai dùng!”.

Khi dẫn chương trình về giao thông TP.HCM, chúng tôi chỉ dùng từ “vòng xoay” cho dễ hiểu, chứ không dùng từ “vòng xuyến”. Ngay cả từ “bùng binh” chúng tôi cũng không dùng. Kinh nghiệm của chúng tôi là không sử dụng những từ lạ, từ ít thông dụng… vì như vậy chúng tôi dễ bị bạn nghe đài phản ứng!”.
Biên tập viên Bích Phượng của kênh giao thông Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM 

Còn với chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, một giảng viên thế hệ 7X ở Trường ĐH Cần Thơ, trong gia đình dùng cả các từ “vòng xoay”, “bùng binh”, “vòng xuyến”. Chị cho hay: “Trước đây, khi tôi còn nhỏ nghe xung quanh mọi người chỉ nói chữ “bùng binh”. Nhưng bây giờ Cần Thơ có nhiều người từ nơi khác tới, nên tôi cũng nghe từ “vòng xuyến”, nhưng rất ít. Anh rể tôi làm cán bộ nên biết từ “vòng xuyến”. Tôi hỏi thì anh nói từ này từ trong các văn bản hành chính mà ra. Nhưng trong nhà những đứa cháu nhỏ của tôi chỉ nói từ “vòng xoay”, không biết từ “vòng xuyến”!”. Còn với nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Bổn ở Đà Nẵng, khi trao đổi vấn đề này với anh thì anh và nhiều người bạn anh nhất mực cho rằng không biết đến từ “vòng xuyến”. “Từ trước tới giờ người Đà Nẵng chỉ gọi là cái bùng binh. Sau này có những cái vòng lớn gọi là vòng xoay. Đà Nẵng không biết đến cái vòng xuyến là cái gì cả!”. – Anh Nguyễn Xuân Bổn nói.

Sài Gòn thấy bỡ ngỡ, Hà Nội, Cần Thơ có quen vòng xuyến?
Phóng viên Tuổi Trẻ khảo sát nhiều khu vực tại Hà Nội. Đến chiều 2-1, chưa thấy có biển báo hay biển chỉ dẫn nào ghi chữ vòng xoay, vòng xuyến hay bùng binh. Trong ảnh: Biển báo tại đường Âu Cơ -Yên Phụ 

Hà Nội chưa nghe vòng xuyến!

Ở Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa – họa sĩ Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng thủ đô cũng không chỗ nào gọi là “vòng xuyến”. Ông nói: “Hà Nội trước đây chỉ có một chỗ như vậy, gọi là “bùng binh”, là từ trong Nam ra. Sau này có những giao lộ lớn người ta gọi là “vòng xoay””. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cũng cho biết ông không biết từ “vòng xuyến” từ đâu ra, từ của vùng miền nào. “Chỉ có hồi xưa, vòng đeo tay của phụ nữ là cái xuyến, còn vòng đeo chân gọi là cái kiềng. Người ta cũng gọi là “cái xuyến” chứ không ai gọi là “vòng xuyến” vì bản thân xuyến đã là một cái vòng rồi!”. Cho nên, xét về mức độ thông dụng, dễ hiểu trên cả nước thì có vẻ từ “vòng xuyến” có phần lép vế hơn các từ “vòng xoay”, “bùng binh”. Cũng như, những tranh luận về những từ này không phải là sự “chẻ câu”, “chẻ chữ” để bắt bẻ nhau. Ngôn ngữ là văn hóa, là đặc trưng bản sắc của mỗi vùng miền. Nhưng hơn nữa ngôn ngữ còn thể hiện tư duy của một cộng đồng, một tài nguyên vô giá cần được khai thác đúng mức vào mọi lĩnh vực cuộc sống.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bùng binhLuật giao thôngvòng xoayvòng xuyến

Các tin liên quan đến bài viết