Lo sợ người lao động nghèo, vô gia cư thiếu thực phẩm trong thời gian thành phố giãn cách, nhiều nhóm thiện nguyện ồ ạt chuyển quà, thực phẩm vào xóm trọ, khu cách ly.
Chị San chia rau, củ, cá hộp… thành từng phần để chuẩn bị chở đi phát tặng người dân trong xóm trọ nghèo, khu cách ly. |
Ồ ạt chuyển quà vào xóm trọ, khu cách ly
Dỗ cho đứa con mới 4 tháng tuổi yên giấc, chị Trần Thanh San (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) mở cửa, vội vã ra khoảng sân chất đầy rau củ. Không kịp ăn trưa, San lao vào phân chia số thực phẩm trên thành từng túi nhỏ để kịp đem gửi cho người cần.
San không còn thời gian để đợi các tình nguyện viên của mình tập hợp đông đủ vì từ 0h ngày 9/7, TP.HCM thực hiện việc giãn cách. Lúc ấy, có thể các hoạt động tặng thực phẩm cho người dân xóm trọ, khu cách ly sẽ phải ngừng hoạt động.
Chị tất bật cho bó rau muống, chục củ khoai tây, cà rốt, khoai lang, 2 hộp cá hộp, 1 hộp sữa, 3kg gạo, mì tôm… vào túi. 14h chiều, bất chấp trời chuyển mưa xám xịt, tiếng con khóc đòi mẹ, San chất đầy các túi thực phẩm lên chiếc xe máy đã cũ.
Ngay sau đó, San gửi tặng phần thực phẩm cho chị Oanh đang phải chạy thận. |
San nói, chị ưu tiên chuyển những phần thực phẩm này đến một số hộ nghèo, chạy thận đang thuê trọ trong con hẻm ngoằn ngoèo, sâu hun hút trên đường Nguyễn Thái Sơn. Chị vừa nhận được thông tin về trường hợp hộ gia đình khó khăn, có người mang bệnh hiểm nghèo cần thực phẩm.
Sau khi tìm hiểu, San nhận thấy cần phải ưu tiên hỗ trợ nên quyết định một mình chở quà đến tận nhà phát tặng. Ngồi thở dốc trước cửa căn phòng trọ tồi tàn, rộng chưa đầy 20m2, chị Nguyễn Thị Thúy Oanh (35 tuổi) vui mừng khi nhận túi thực phẩm chứa rau củ, gạo, cá hộp, sữa… từ tay San.
Chị Oanh cho biết, chị đang phải chạy thận nên mất sức lao động. Mọi chi phí đều trông chờ vào đồng lương bấp bênh của chồng làm phụ hồ. Dù chưa đến ngày giãn cách, chồng chị đã thất nghiệp, không còn thu nhập.
Nhóm thiện nguyện của chị Miều cũng tất bật chuẩn bị các phần quà để đưa vào khu cách ly, xóm trọ nghèo. |
Cả nhà chị hết vay mượn lại trông chờ vào sự hỗ trợ của những người xung quanh. Thế nên, khi nhận được sự hỗ trợ từ các hội nhóm từ thiện, chị Oanh rất vui mừng, xúc động.
Trao xong phần thực phẩm, San gửi thêm cho chị này một số tiền nhỏ để chị có thể trang trải trong những ngày khó khăn sắp tới. Sau đó, San nói lời từ biệt, chở theo những phần thực phẩm rời đi để gửi cho các hộ khác trong xóm trọ.
Trong khi đó, nhóm thiện nguyện của chị Miều (50 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cũng tất bật chuẩn bị các phần thực phẩm. Khoảng 16h chiều, các tình nguyện viên trong nhóm đã hoàn tất việc cho rau, củ, thịt gà, trứng, gạo vào túi nilon.
16h30, cả nhóm ngồi lại, kiểm tra kỹ lưỡng các địa điểm phát quà thêm một lần nữa trước khi xuất phát.
Cuối ngày 8/7, người dân trong khu cách ly tại hẻm 638/58 Lê Trọng Tấn đã được nhận các phần thực phẩm tươi sống. |
Chị Miều cho biết, nhóm của chị sẽ phát nhu yếu phẩm cho các khu trọ có người già neo đơn, trẻ em, khu cách ly tập trung nhiều hộ nghèo.
Chị nói: “Trước khi phát, các tình nguyện viên sẽ đi khảo sát rồi lên danh sách số lượng quà. Đối với khu trọ nghèo, chúng tôi sẽ đến từng phòng trọ thăm hỏi, động viên, phát quà”.
“Đối với các khu cách ly, chúng tôi sẽ đem quà đến để ở bàn tiếp nhận thực phẩm. Người dân sẽ ra lấy theo thứ tự, mỗi người một phần”, chị nói thêm.
Kết đoàn vượt dịch
17h, vừa xếp các phần quà vào chiếc khay nhựa cho một bạn tình nguyện viên, chị Miều vừa liên tục hỏi về thông tin thành phố thực hiện giãn cách vào ngày 9/7. Chị lo lắng, sau khi thành phố giãn cách, chị sẽ không thể tiếp tục phát quà.
Người đàn ông vui mừng khi được nhận quà từ nhóm thiện nguyện. |
Thế nên, ngay khi còn có thể tự do di chuyển, chị hối thúc các tình nguyện viên nhanh chóng vận chuyển các túi thực phẩm gồm: cải ngọt, thịt gà tươi, trứng gà, gạo, khoai lang… đến điểm cách ly tại hẻm 638/58 Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM.
17h30, các tình nguyện viên trở về sau chuyến tặng thực phẩm đầu tiên. Lúc này, chị Miều đã sắp đầy các phần quà lên chiếc xe của mình. Chị cho biết sẽ chở số quà này đến 2 xóm trọ trong quận Tân Phú để họ có thực phẩm sử dụng trước khi thành phố thực hiện việc giãn cách.
Sợ không đủ thời gian, chị huy động thêm 2 tình nguyện viên chở quà đi gửi tặng. 3 chiếc xe chở đầy rau củ quả, thịt, gạo dừng lại trước con hẻm nhỏ. Sâu bên trong hẻm rộng chưa đầy 1m, tối om là 2 dãy phòng trọ nằm đối xứng nhau.
Gửi quà cho người dân có cuộc sống khó khăn sinh sống tại con hẻm nhỏm. Đa số hẻm này chỉ có già thuê trọ. |
Cư dân của hai dãy trọ này phần lớn đều là người già mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm truyền thống, bán vé số, nhặt ve chai. Được nhận những phần thực phẩm trước thời điểm phải hoàn toàn ngưng việc mưu sinh, những người dân trong hẻm không giấu được niềm xúc động.
Ông Phạm Văn Trọng (người thuê trọ trong hẻm) cho biết, ông mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm truyền thống. Thời điểm dịch bùng phát, ông hầu như không có thu nhập nên phải vay mượn để mua cơm ăn qua bữa.
“Suốt 2 tháng qua, gia đình tôi rất khó khăn, phải vay mượn để có tiền mua gạo, nấu cơm. Nhận được gạo và rau, thịt như thế tôi vui lắm. Số gạo, thức ăn này sẽ giúp chúng tôi tạm thời chống đói những ngày sắp tới”, ông Trọng chia sẻ.
Ông Trọng chờ đợi đến lượt mình nhận phần thực phẩm được gửi tặng. |
Để đảm bảo thời gian, việc phát quà tại đây chỉ diễn ra trong ít phút. Các tình nguyện viên tiếp tục đến con hẻm tối om, ẩm thấp cách hẻm nơi ông Trọng thuê trọ không xa. Con hẻm này tập trung nhiều hộ gia đình thực sự khó khăn thuê trọ.
Trong căn phòng trọ nằm cuối hẻm, gia đình chị Hà Thị Hồng (quê tỉnh Quảng Nam) đang quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc nhất có thể. Chị Hồng nói: “Mấy hôm nay, tôi liên tục tìm kiếm thông tin các điểm phát thực phẩm, cơm để đi nhận nhưng chưa được”.
Gia đình chị Hồng nhận phần gạo và rau củ quả trước khi thành phố giãn cách. |
“Hai vợ chồng tôi thất nghiệp, lại phải nuôi 2 con nhỏ nên vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang lo những ngày sắp tới hết gạo, thực phẩm, không thể đảm bảo dinh dưỡng cho bé mới 5 tuổi thì được mọi người đến gửi tặng gạo, thịt, trứng, sữa… nên rất vui”, chị Hồng nói thêm.
Chị Nguyễn Trần Như Mai, tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện của chị Miều chia sẻ, chị sinh ra lớn lên tại TP.HCM và chưa từng thấy thành phố trong tình cảnh khó khăn như thế.
Tuy nhiên, cũng như các thành viên khác, chị tin rằng, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, TP.HCM sẽ sớm diệt được đại dịch.
Nguồn: vietnamnet