Mấy năm gần đây, các sách dịch từ tiếng Nhật xuất hiện khá nhiều tại thị trường sách Việt Nam và ít nhiều tạo được chú ý trong nhiều giới. Tuổi Trẻ vừa có cuộc trao đổi với dịch giả, người làm sách về câu chuyện khai thác dòng sách Nhật Bản.

Sách từ Nhật Bản ngày càng gây chú ý - Ảnh 1.

Một số sách Nhật Bản đang được chú ý tại Việt Nam

Còn nhiều bản thảo Nhật Bản hấp dẫn

Các sách Nhật bán chạy ở Việt Nam chủ yếu theo trào lưu, như các sách Nhật về nuôi dạy con cái, về chủ nghĩa sống tối giản… Còn các mảng sách mới, chủ đề mới, các đơn vị xuất bản khá e dè trong việc khai thác.

Riêng về dòng sách non-fiction mà chính tôi là người đang theo đuổi, tôi cho rằng còn rất nhiều dư địa để khai thác.

Gần đây tôi có may mắn được dịch một vài cuốn sách như Ba gã say luận đàm thế sự của Nakae Chomin, Luận ngữ và bàn tính của Shibusawa Eiichi hay cuốn Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản, mà theo tôi đánh giá là giúp phần nào khỏa lấp lỗ hổng tri thức về thời Minh Trị mà phần đông nhiều người lầm tưởng.

Qua các cuốn sách sẽ thấy rằng công cuộc duy tân Minh Trị không chỉ có Fukuzawa Yukichi, không chỉ là gặt hái được nhiều thành quả ngọt ngào, mà ngoài ra còn nhiều nhân vật đáng quan tâm khác như Nakae Chomin (được đánh giá là một trong số ít những nhân vật mang tính đại diện cho đất nước Nhật Bản thời Minh Trị, người thúc đẩy tự do dân quyền, dịch hàng loạt sách kinh điển của phương Tây) hay Shibusawa Eiichi; đồng thời cho thấy rằng công cuộc duy tân Minh Trị cũng tồn tại nhiều mặt trái, những điều bị xem là vết nhơ trong lịch sử.

Ngoài ra, cũng còn rất nhiều chủ đề khác ngoài Minh Trị duy tân như việc Nhật Bản tiếp thu khoa học kỹ thuật phương Tây từ thời Edo sang đến thời Minh Trị là như thế nào.

Một mảng khác cũng không kém phần thú vị là các bộ sách cổ của Nhật Bản như Truyện kể Genji, Nhật Bản thư kỷ… mà nhiều bộ sách cổ đó còn chưa được dịch ra tiếng Việt.

Trong thể loại du ký như cuốn Nam biều ký thì đến quãng đầu thế kỷ 20 theo chính sách Nam tiến của Nhật, chúng ta cũng có thể thấy xuất hiện những du ký tương tự nhưng do các chính trị gia, giới trí thức ghi chép lại.

Bên cạnh đó là những nghiên cứu của người Nhật về Việt Nam trên các khía cạnh lịch sử, văn hóa, con người…

Đó đều là những đề tài thú vị dù đã được các nhà nghiên cứu trình bày trong luận văn, luận án, các bài khảo cứu rải rác đâu đó, nhưng việc xuất bản thành sách và có tính hệ thống thì vẫn chưa.

Dịch giả Nguyễn Mạnh Sơn

Sách trinh thám Nhật rất được độc giả yêu thích

Nhật Bản còn có dòng sách trinh thám rất được độc giả Việt Nam yêu thích. Điều này thể hiện ở số lượng sách trinh thám Nhật được xuất bản hằng năm, năm sau nhiều hơn năm trước.

Có những tác giả trinh thám nổi bật như Higashino Keigo đã có đến hơn 30 tác phẩm được dịch và xuất bản tại Việt Nam, Minato Kanane có 8 tác phẩm…

Nguyên nhân khiến dòng sách trinh thám Nhật được yêu thích như vậy, tôi nghĩ là do tính logic, suy lý trong các tác phẩm này đều rất mạnh, đồng thời tâm lý, tính cách nhân vật cũng được diễn tả một cách rất hợp lý… phù hợp với lối suy nghĩ của người Á Đông.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là độc giả Việt Nam đã biết đến trinh thám Nhật Bản từ rất lâu thông qua các bộ manga nổi tiếng như Conan, Kindaichi… nên việc tiếp nhận tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Minh (trưởng phòng bản quyền Công ty sách Nhã Nam)

Đẩy mạnh dòng sách mua bản quyền của Nhật

Khoảng 10 năm trở lại đây, NXB Phụ Nữ Việt Nam đẩy mạnh mua bản quyền sách Nhật, đặc biệt tập trung khai thác mảng sách giáo dục, gia đình, cách sống…

Tín hiệu mừng là độc giả Việt Nam nhiệt tình đón nhận, nhiều cuốn trở thành sách bán chạy của NXB: Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, Nuôi dạy con trai, Nuôi dạy con gái, Nuôi dạy con một, Phẩm cách quốc gia, Phẩm cách cha mẹ, Phẩm cách phụ nữ, Hạnh phúc hay không do ta quyết định, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày…).

Điều đặc biệt ở các mảng sách giáo dục và kỹ năng của Nhật được viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, gần gũi với tư duy, đời sống, tâm lý, tình cảm, quan điểm sống… của người Việt nên bạn đọc rất quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sách mua bản quyền của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng (giám đốc NXB Phụ Nữ Việt Nam)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dòng sáchHấp Dẫnnhật bản

Các tin liên quan đến bài viết