Chưa hết căng thẳng khi phải chật vật săn lùng sách cho con, phụ huynh lại xôn xao vì những hình ảnh minh họa “khó hiểu” trong sách Toán hay những nhầm lẫn kéo dài suốt 16 năm trong sách Ngữ văn.
Bộ sách bị đẩy giá gấp 5
Năm 2020 là năm cuối cùng học sinh lớp 6 sử dụng SGK theo chương trình phổ thông hiện hành. Các nhà in vì thế cũng giảm số lượng phát hành sách so với những năm học trước.
Số lượng sách giảm, nhiều phụ huynh rơi vào tình thế căng thẳng khi phải “săn lùng”, “góp nhặt” mới có thể mua trọn bộ sách cho con.
“Chưa có năm nào muốn mua đủ bộ SGK lại phải đi gần chục nhà sách lớn nhỏ như thế”, một phụ huynh thốt lên.
Tình trạng khan hiếm SGK ở nhiều địa phương đã tạo cơ hội cho một số “cò” sách “thổi” giá sản phẩm. Mặc dù mức giá niêm yết của NXB đối với một bộ sách lớp 6 là 179.800 đồng, nhưng có nơi, “cò” có thể hét giá tới 900.000 đồng. Riêng sách Tiếng Anh – cá biệt có người bán đẩy lên mức giá 300.000 đồng.
Giá sách bị đội cao gấp 5 lần khiến nhiều phụ huynh choáng váng. Mặc dù biết rõ những cuốn sách đang được bán ra với giá “cắt cổ”, nhưng cực chẳng đã, một số phụ huynh phải cắn răng mua đủ sách cho con khi năm học mới vừa bắt đầu.
Trước tình trạng này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu.
Bìa sách Toán có hình nghệ sĩ cải lương
Cũng trong những ngày qua, nhiều người cảm thấy khó hiểu khi nhìn thấy bìa của một cuốn sách Toán lại có in hình… nghệ sĩ cải lương. Cuốn sách “Toán và các bài toán thực tế lớp 6” được giới thiệu nhằm hỗ trợ học sinh vận dụng kiến thức toán học để giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là bìa sách – hiện đang được in hình ảnh của NSND Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga – dường như không ăn nhập gì đến các vấn đề toán học.
“Sách Toán mà trang bìa không thấy hình cũng chẳng thấy số. Ngoại trừ chữ “Toán” ra thì mọi chi tiết đều khiến người nhìn nghĩ ngay là sách lịch sử”, một số người băn khoăn.
Giải thích về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP.HCM thông tin, đây là sách sử dụng chất liệu có tính thực tế. Hình ảnh này giúp bìa sách thêm sinh động, thay cho những hình ảnh truyền thống trước đây là các công thức toán học.
Hình nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga xuất hiện trong bìa liên quan đến câu số 5 tại đề số 2. Đề bài có trích dẫn tiểu sử nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga và dẫn dắt như sau: “Theo các nhà tâm lý học hành vi, động tác dang 2 tay hướng về phía trên và góc hợp bởi cánh tay và cẳng tay là góc tù sẽ thể hiện được lòng quyết tâm của con người trước một biến cố.
Hãy sử dụng thước đo góc để đo 2 góc được tô màu vàng trên và xác định nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở Thái hậu Dương Vân Nga có thể hiện được sự kiên cường, lòng quyết tâm cao độ trước hiểm họa xâm lăng đất nước của nhà Tống hay không?”.
“Như vậy, đây là sách sử dụng chất liệu có tính thực tế và có yếu tố toán học. Học sinh phải dùng kiến thức toán để tìm ra đáp án cho một vấn đề cụ thể”, ông Hà giải thích.
“Cơ, rô, bích, tép” vào vở bài tập Toán lớp 1
Trong khi đó, tại trang thứ 12 của cuốn “Vở bài tập Toán lớp 1″, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” (NXB Giáo dục Việt Nam) lại khiến phụ huynh xôn xao khi lấy những lá bài “cơ, rô, bích, tép” làm hình minh họa.
Nhiều phụ huynh cho rằng, có rất nhiều hình ảnh, đồ vật ý nghĩa xung quanh ta có thể sử dụng làm ảnh minh họa.
“Việc đưa “cơ, rô, bích, tép” khiến trẻ liên tưởng đến hình ảnh những bộ bài, liệu có ảnh hưởng đến học sinh?”.
Tuy nhiên, một số phụ huynh khác lại cho rằng, đây là suy nghĩ rắc rối và phức tạp hóa mọi chuyện.
“Với những hình này, trẻ đơn thuần liên tưởng đến hình trái tim, hình thoi và những chiếc cây có 3 vòm lá. Phụ huynh không nên gắn suy nghĩ của mình vào con trẻ”.
SGK Ngữ văn ghi sai tên tác giả bài thơ suốt 16 năm
Còn trong cuốn SGK Ngữ văn 8 tập 1, ở trang 165 có sử dụng khổ thơ được trích từ bài thơ “Tết quê bà” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Bà tôi ở một túp lều tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào giậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe”.
Tuy nhiên, dưới khổ thơ này lại được chú thích tên tác giả Anh Thơ.
Thực tế, bài thơ này chính thức được đưa vào SGK Ngữ văn 8 vào năm 2004, đúng vào năm nhà thơ Đoàn Văn Cừ qua đời. Và kể từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, trải qua 16 năm với hơn 10 lần tái bản, sự nhầm lẫn này vẫn chưa được khắc phục.
Tại bản in được sử dụng cho năm học 2020-2021 là lần tái bản gần nhất vẫn ghi “Tết quê bà” là của tác giả Anh Thơ.
Nguồn: vietnamnet