Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới, có gì mới?”, GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới) cho biết, từ sau ngày 19/1/2018, các nhà xuất bản đã rất nhạy bén và bắt đầu tổ chức viết sách.  Ông nói chưa thể dám chắc chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm 2019.

Tháng 10 có thể ban hành chương trình môn học

Về tiến độ công bố chương trình môn học, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo dự kiến, năm 2019 chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thông qua. Đến thời điểm hiện tại, việc xin ý kiến chuyên gia, xin ý kiến nhân dân có thể coi là đã hoàn thành.

“Giai đoạn này chúng tôi đã được 20/25 hội đồng thẩm định các môn học thông qua. Hiện chúng tôi đang tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GD-ĐT xem xét. Tôi hi vọng đến cuối tháng 9 hoặc tháng 10 sẽ có thể ban hành được chương trình môn học”.

Từ ngày 19/1, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo môn học trên cổng thông tin của Bộ, các nhà xuất bản đã rất nhạy bén và bắt đầu tổ chức viết sách.

Đến khi Bộ trưởng ký ban hành chương trình chính thức, người viết sẽ đối chiếu và tiếp tục sửa theo chương trình chuẩn.

“Làm những việc này phải gối lên nhau chứ không thể chờ xong mới bắt đầu làm” – GS Thuyết khẳng định.

Chưa khẳng định sẽ triển khai sách giáo khoa mới trong năm 2019

Tuy nhiên ông cho rằng, chưa dám chắc sẽ triển khai đưa sách giáo khoa mới trong năm học 2019-2020 được.

“Theo Nghị quyết 88, cuối năm nay Bộ trưởng phải báo cáo với Quốc hội về tình hình chuẩn bị. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng sẽ xin ý kiến của Chính phủ thì lúc ấy mới có thể triển khai”.

Sách giáo khoa mới: Các nhóm tác giả đang vừa viết vừa điều chỉnh
Các nhà xuất bản chuẩn bị viết sách giáo khoa giả định để “đón” chương trình giáo dục phổ thông mới từ tháng 1.

“Điều khó khăn lớn nhất đó là lòng dân. Nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thực hiện”.

Ngoài ra, một khó khăn khác là về giáo viên. “Hiện tại, vẫn còn một bộ phận không nhỏ giáo viên có tính thụ động, chậm đổi mới thì liệu có đáp ứng kịp chương trình khi thời gian còn rất ngắn?”

Nhưng ông Thuyết cho rằng: “Nhược điểm đó không phải là bản chất của giáo viên. Đó là do cách quản lý khiến giáo viên phải “co” lại. Ví dụ khi đi dự giờ, người quản lý mang cuốn sách giáo khoa ra để tìm những chỗ giáo viên đề cập khác (hoặc thiếu) so với sách. Như vậy giáo viên sẽ không còn hứng thú giảng dạy. Ở trong chương trình mới này, giáo viên sẽ là người được giao quyền tự chủ”.

Để chuẩn bị cho đổi mới, hiện nay Bộ GD-ĐT đã giao 8 trường ĐH sư phạm trọng điểm đào tạo giáo viên. Đối với những trường không có điều kiện cho giáo viên đi học, có thể cho các giáo viên cùng dạy với các môn tích hợp. Việc tập huấn chương trình cho giáo viên sẽ diễn ra ở cả 3 cấp với hai hình thức là tập huấn trực tiếp và tập huấn trực tuyến.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết chương trình mới không tuyệt đối hóa bất kì phương pháp nào. Chương trình này nhấn mạnh vào nhiệm vụ chủ chốt là tổ chức hoạt động cho học sinh.

Bên cạnh đó, theo ông, việc đổi mới phương pháp phải đi kèm với đổi mới kiểm tra, đánh giá. Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá mới chỉ đòi hỏi kỹ năng giải bài tập của học sinh thay vì việc vận dụng, thực hành kiến thức. Áp lực của thi cử đã khiến giáo viên đang dạy học sinh của mình một cách nhồi nhét. “Nếu không đổi mới kiểm tra, đánh giá thì đổi mới rất khó. Cứ thế, thầy cô sẽ chỉ nhồi nhét và dạy học sinh phần có trong đề thi mà thôi” – ông nói.

Xu hướng thế giới là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Về việc còn nhiều ý kiến trái ngược về một chương trình nhiều bộ SGK, GS Thuyết nói ông ngạc nhiên vì Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành nhưng ngày 12/9, nhiều đại biểu phân tích, việc thực hiện chủ trương “Một chương trình nhiều SGK” còn nhiều điểm bất ổn.

Có ý kiến cho rằng, điều này sẽ làm mất đi sự thống nhất trong giáo dục hay nảy sinh bất cập trong việc lựa chọn SGK giữa các địa phương. Trong khi chủ trương được Quốc hội thống nhất tại Nghị quyết 88 từ năm 2014 đã cho phép một chương trình nhiều bộ SGK.

“Mọi người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 của Quốc hội ngang với luật và đã ban hành rồi. Nghị quyết 88 ra đời tạo điều kiện để huy động trí lực của xã hội. Các nhóm tác giả có thể cạnh tranh nhau về chất lượng để người học được lợi” – GS Thuyết khẳng định.

Ngoài ra, GS Thuyết cho rằng, việc xác định chủ trương phát triển giáo dục cần tuân theo xu hướng của thế giới. “Thế giới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Việt Nam đổi mới mà vẫn giữ một chương trình một bộ SGK là không ổn. Chúng ta cần phải theo xu hướng chung của thế giới.

Tất nhiên, một chương trình nhiều SGK cũng có phức tạp nhưng không phải vì thế mà không làm”.

Đế đón đầu chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, hiện nay các nhóm tác giả đang chuẩn bị sách giáo khoa giả định. Trong đó, một nhóm tác giả làm sách của Bộ GD-ĐT theo dự án của Ngân hàng Thế giới; nhóm của TP.HCM; nhóm làm sách theo tinh thần của bộ sách “mô hình trường học mới” VNEN; hai nhóm tác giả ở phía Bắc.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chương trìnhgiáo dụcsách giáo khoatác giả

Các tin liên quan đến bài viết