“Cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết bằng cách nào mà Bộ Công an đã tìm ra được nơi ở của Tuấn “bẩn” để nhanh chóng bắt gọn tên tội phạm nguy hiểm này. Tuấn “bẩn” đã 25 năm lẩn trốn qua nhiều địa phương và đã thay tên đổi họ nhưng vẫn không thoát được lưới pháp luật…”. Đó là ý kiến của nhiều người dân ở thôn 10, xã Thống Nhất (Bù Đăng) khi nói về việc công an bắt được tên tội phạm nguy hiểm Nguyễn Quốc Tuấn có lệnh truy nã 25 năm qua.
NHỮNG VỊ KHÁCH LẠ
Anh Linh Văn Toản – công an thường trực, Ban công an xã Thống Nhất cho biết, ngày 18-8-2016, UBND xã tổ chức thi đấu bóng chuyền giữa các thôn và các tổ của Nông trường cao su Thống Nhất đứng chân trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Khoảng 10 giờ, trời mưa lớn nên các trận đấu còn lại phải dời sang buổi chiều. Ngay lúc ấy, trên sân của UBND xã xuất hiện một ôtô chở 4 vị khách lạ mặc thường phục.
Căn nhà của Hán Văn Nguyên tại thôn 10, xã Thống Nhất
“Vừa xuống xe, cả 4 vị khách nhanh chóng tỏa đến các phòng làm việc của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã. Sau đó ít phút, một cuộc hội ý giữa lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Công an xã… và 4 người khách được diễn ra. Một người khách trong nhóm cho biết, họ thuộc đơn vị C52 Cục truy nã tội phạm, Bộ Công an đang thực hiện nhiệm vụ truy bắt tội phạm đã bị truy nã cách đây 25 năm, hiện sinh sống trên địa bàn xã. Lãnh đạo xã Thống Nhất ngơ ngác nhìn nhau như để tìm câu trả lời. Vị khách này nói tiếp, tội phạm tên Hán Văn Nguyên gây án cách đây 25 năm tại Phú Thọ, hiện lấy tên là Nguyễn Quốc Tuấn đang sinh sống tại thôn 10 và đề nghị xã cử người phối hợp cùng thi hành nhiệm vụ. Và tôi được lãnh đạo Ban công an xã cử tham gia chuyên án với các đồng chí công an từ bộ vào để thực hiện nhiệm vụ” – anh Toản kể việc mình tham gia bắt tên tội phạm nguy hiểm trên địa bàn vừa qua.
Anh Toản kể tiếp, khi đến nơi thì Nguyễn Quốc Tuấn vắng nhà. Gia đình cho biết, Tuấn đang chơi bên nhà hàng xóm. Tại nhà hàng xóm, 4 chiến sĩ công an thuộc C52 tiếp cận chủ nhà và tìm cách nhận diện đối tượng. Sau khi biết chắc chắn Nguyễn Quốc Tuấn chính là Hán Văn Nguyên, hung thủ trong vụ án giết người cướp của cách đây 25 năm thì chiếc còng số 8 đã khóa chặt hai tay của tên tội phạm trước sự bất ngờ của mọi người. Sau đó, chiếc ôtô đặc chủng đưa Nguyên và các chiến sĩ công an trở về nơi xảy ra vụ án giết người.
CHÂN DUNG SÁT THỦ
Sau khi di lý đối tượng về nơi vụ án xảy ra, ngày 4-11-2016, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất mọi thủ tục để tiếp tục thụ lý điều tra vụ án do Hán Văn Nguyên gây ra.
Theo hồ sơ vụ án, Hán Văn Nguyên (1959) ở xã Tam Cường, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Nguyên có vợ là Bùi Thị Lý, giáo viên cùng xã. Vợ chồng Nguyên sinh được hai người con nhưng do cuộc sống khó khăn lại không chịu tu chí làm ăn nên Nguyên đã gây ra tội ác. Vào khoảng 3 giờ ngày 3-4-1991, Nguyên cùng 2 đồng phạm là Nguyễn Văn Bắc và Đặng Trần Tòng (cùng trú huyện Tam Nông) mang súng K54 đến dốc Mịn, xã Mỹ Thuận, huyện Thanh Sơn, nay là xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) để chặn đường cướp tiền. Tại đây, nhóm của Nguyên phát hiện một xe ôtô IFA chạy ngược chiều nên tổ chức chặn xe xin tiền. Nguyên chặn đầu xe và cầm súng bắn chỉ thiên một phát để Tòng và Bắc leo lên cabin đe dọa xin tiền. Nhóm của Nguyên lấy được một đồng hồ SK cùng 500 ngàn đồng. Thấy tài sản cướp được quá ít, Nguyên bắn thêm một phát súng để uy hiếp những người trên xe, sau đó lấy đi 1 bao gạo nặng 70kg. Anh Đỗ Xuân Đích, quê Thái Bình, là chủ hàng thấy tiếc của nên xuống xe và chạy đến chỗ Nguyên xin lại bao gạo. Ngay lập tức, Nguyên cầm súng nhằm thẳng vào cổ anh Đích bóp cò, nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau đó cả ba tên cướp bỏ trốn khỏi hiện trường và 6 năm sau thì Bắc, Tòng bị bắt giữ.
Còn Nguyên sau khi gây án đã đưa vợ con trốn khỏi nơi cư trú. Năm 1992, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Hán Văn Nguyên về hành vi giết người cướp của.
CUỘC TRỐN CHẠY CỦA KẺ GIẾT NGƯỜI
Theo hồ sơ quản lý của Công an xã, gia đình Hán Văn Nguyên chuyển từ tỉnh Lâm Đồng đến Thống Nhất lập nghiệp từ tháng 10-1999 và sống ổn định tại thôn 10 cho đến nay. Trước khi đến Lâm Đồng, Nguyên đã có một thời gian lẩn trốn tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận).
Vợ chồng Nguyên có 3 người con, trong đó 2 sinh tại Phú Thọ. Sau khi lên Lâm Đồng, vợ chồng Nguyên có thêm 1 con gái. Để tránh bị phát hiện, cả 3 người con của Nguyên đều được đổi sang họ Lê khi làm giấy khai sinh. Riêng Nguyên đổi tên là Nguyễn Quốc Tuấn rồi dắt díu vợ con vượt sông Đồng Nai sang thôn 10, xã Thống Nhất sống bằng nghề làm nông. Sau một thời gian làm ăn, Nguyên mua lại từ người khác một xe cuốc nhỏ để đào ao cá. Tuy nhiên, ai thuê đào gì Nguyên đều nhận lời làm hết. Điều khác lạ là tuy gia đình không đến nỗi thiếu trước hụt sau nhưng Nguyên luôn mặc rách rưới nên người dân trong xã gọi là Tuấn “bẩn”. “Sống hiền lành nhưng không ngờ Tuấn “bẩn” còn bẩn cả lương tâm, đạo đức, gây nguy hiểm cho xã hội…” – một người dân trong thôn nói về Nguyên, sau khi sự thật về chân dung của một kẻ giết người không ghê tay đã được phơi bày.
Nguồn: Báo Bình Phước