Nhiều ý kiến đồng tình nên giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, tuy nhiên cần điều chỉnh mức hưởng cao hơn để tránh nhận lương hưu quá thấp, không đủ sống.

Nhiều ý kiến phản hồi về dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm được hưởng lương hưu. Trong đó đa số ý kiến đồng tình nên giảm thời gian đóng, nhưng cần điều chỉnh để tránh hưởng mức lương hưu quá thấp.

Một bạn đọc tên Thủy chia sẻ, việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm (thay vì 20 năm như hiện nay) là hợp lý, góp phần khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH để hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, thay vì rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, đi cùng với việc giảm thời gian đóng, cũng phải tính đến mức lương hưu quá thấp không đảm bảo cuộc sống của người lao động khi về già. Do vậy nên tăng tỷ lệ phần trăm hưởng lên theo hướng 10 năm bằng 45%, cứ đóng thêm 1 năm thì sẽ tăng 3% và 15 năm là 60% để có mức lương được cao hơn.

Trong khi đó, bạn đọc Mai Thanh Tâm cho rằng, BHXH cần đề xuất nhiều nấc nghỉ hưu, kể cả nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu non với mức lượng thấp, hướng tới BHXH toàn dân ai cũng tham gia. Khi BHXH tạo lợi ích thì sẽ có nhiều người tham gia góp phần làm cho Quỹ BHXH lớn hơn, khả năng chi trả cao hơn.

“BHXH xét cho cùng cũng là hỗ trợ rủi ro lẫn nhau, khi nhiều người tham gia sẽ có nguồn quỹ lớn để tăng mức hưởng đối với người lao động khi đến tuổi hưởng lương hưu”, một bạn đọc chia sẻ.

Rút ngắn đóng BHXH xuống 15 năm, lương hưu có đủ sống?
Đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu, người lao động lo mức lương không đủ sống

Một bạn đọc khác lại cho rằng, rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hay 10 năm nhưng tuổi nghỉ hưu tăng thì người lao động cũng không thực sự mặn mà. Bởi, thực tế với mức tuổi hưu hiện nay, những người làm trong môi trường độc hại, khi đóng BHXH đủ 15 năm nhưng phải chờ đến tuổi nhận lương hưu là quá lâu. Trong khi những người làm ở môi trường độc hại đa số đến 50 tuổi không còn đủ sức khỏe để làm việc tiếp nên nhiều người thay vì đóng tiếp thì rút BHXH một lần.

Bạn đọc tên Thu bày tỏ quan điểm, “Tôi thấy vấn đề lao động rút BHXH 1 lần hàng năm vẫn cao, lý do một phần do tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi nên nhiều người chọn rút BHXH một lần thay vì đóng tiếp để hưởng lương hưu. Hiện nay có người 50 tuổi đóng BHXH được 15 năm, nhưng khi nghỉ việc không có doanh nghiệp nào thuê, không có lương nên đành phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống thay vì đóng tiếp”.

Do vậy, bạn đọc Hoangon cho rằng, BHXH là bảo hiểm của toàn dân nên Chính phủ cần hạ số năm xuống để ai đóng cũng được hưởng, ai đóng dài hưởng nhiều, ai đóng ít thì hưởng thụ ít. Nên áp dụng 5, 10, 15 năm còn ai muốn sau này hưởng lượng cao (75%) thì tiếp tục kéo dài thời gian đóng.

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu thực tế, nhiều người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp sau khi đóng BHXH được 10 đến 12 năm nghỉ việc đã phải rút BHXH một lần thay vì tiếp tục đóng để hưởng lương hưu.

Nguyên nhân chủ yếu là do sau khi nghỉ việc cuộc sống lao động gặp khó khăn khó, không tìm việc làm mới. Do vậy, Chính phủ cần có quỹ hỗ trợ người lao động cho vay với lãi suất thấp, tạo thêm việc làm để họ ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đóng BHXHlương hưutiền lương

Các tin liên quan đến bài viết