Các thực phẩm sau khi vận chuyển trót lọt tới các hàng quán sẽ được tẩy trắng, tẩm ướp gia vị, trông bắt mắt và tỏa mùi thơm hấp dẫn đánh lừa khẩu vị các thực khách.
Từ 17 giờ tới đêm muộn, các quán đồ nướng trên các phố Yên Phụ nhỏ (quận Tây Hồ), Lý Văn Phức (quận Đống Đa), Gầm Cầu, Mã Mây (quận Hoàn Kiếm)… luôn tấp nập thực khách. Với giá cả phải chăng, thực đơn hấp dẫn, nhiều bạn trẻ lựa chọn các hàng quán này làm nơi tụ tập, hẹn hò, bỏ qua những nguy hiểm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thời tiết mát mẻ, đi ăn đồ nướng thì không gì ngon bằng…”, nói là làm, Vũ Trà My (Khâm Thiên, Đống Đa) nhấc máy gọi ngay cho hội bạn thân, đặt bàn vào buổi tối. My cho biết, đã thành thông lệ, thi thoảng hội bạn thân của cô hẹn nhau đi cà-phê và hạ màn cho buổi hẹn bao giờ cũng là tại quán lẩu hoặc quán nướng. “Nhóm em với ba, bốn người, cả nhóm đi ăn đồ nướng chỉ hết khoảng 300 nghìn đồng là no căng”- My chia sẻ.
Từ khoảng 17 giờ tới tối muộn, từng nhóm bạn trẻ tụ tập kín các quán nướng trên phố Yên Phụ nhỏ. Với thực đơn hàng chục món gồm nem chua, nem ngọt, chân gà, cánh gà nướng, bánh mì mật ong, thịt nướng, khoai tây phô-mai,… được tẩm ướp thơm phức, giá cả phải chăng, nên dù đã ăn nhiều lần, những khách hàng như Trà My vẫn muốn quay lại các quán này.
Các quán bán đồ nướng các phố Gầm Cầu, Mã Mây thì có thực đơn đa dạng hơn với lòng bò, thịt bò tảng, các loại hải sản… Đồ nướng được thực khách tự nướng trong chảo gang, có bơ, phô-mai thêm phần hấp dẫn. Nhiều quán còn có giá buffet (tự chọn) chỉ 139 nghìn đồng/người, tặng kèm kem Singapore. Quán trong phố cổ đông đúc, bàn ghế kê san sát, khói từ các bếp, khay nướng nghi ngút, tỏa mùi thơm lừng, thi thoảng có tiếng tàu hỏa chạy qua ở đường tàu trên cao… là những yếu tố hấp dẫn thực khách.
Lựa chọn một quán nướng trên phố Gầm Cầu để tổ chức sinh nhật, Lê Quỳnh Chi (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cô ăn đồ nướng ở đây từ khi còn là sinh viên. Trong một lần quay lại đây, Chi khá bất ngờ vì thực đơn được cập nhật hấp dẫn hơn, giá cả phải chăng, phong cách phục vụ cũng ổn, cho nên cô đã lựa chọn làm nơi tổ chức sinh nhật lần này. Dù ý thức được rằng thực phẩm ở đây có thể không tươi ngon, thậm chí nhiều khâu không bảo đảm vệ sinh, nhưng Quỳnh Chi vẫn khen là “rất hợp khẩu vị” và cho rằng “lâu lâu ăn một lần chắc không sao”.
Ảnh minh họa
An toàn vệ sinh thực phẩm từ các món nướng đã được nhắc tới từ rất nhiều năm nay. Năm nào cũng vậy, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đều phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển số lượng lớn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí đã bốc mùi hôi thối được đưa vào Hà Nội tiêu thụ.
Mới đây, tháng 6/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Tây Hồ đã phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 4 đường nước Phần Lan, quận Tây Hồ đang kinh doanh 975 kg cánh gà đóng trong 65 bao tải dứa (loại 15 kg/túi).
Toàn bộ số hàng hóa trên đựng trong bao bì không có thông tin về nơi sản xuất, không có giấy tờ xác định nguồn gốc, xuất xứ, mầu sắc đã biến đổi. Trong nhiều vụ việc khác, lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều mặt hàng như nội tạng, nầm lợn… đã bị mốc, thối. Các thực phẩm sau khi vận chuyển trót lọt tới các hàng quán sẽ được tẩy trắng, tẩm ướp gia vị, trông bắt mắt và tỏa mùi thơm hấp dẫn đánh lừa khẩu vị các thực khách.
Theo các chuyên gia y tế, việc thường xuyên ăn đồ nướng có thể gây tổn hại đến sức khỏe. Một số chất sinh ra khi nướng kết hợp với khói và chất đạm có thể là nguyên nhân tác động xấu dẫn tới một số bệnh (tim mạch, xương khớp), ăn nhiều có thể gây ra ung thư.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những món nướng thường có nhiều dầu mỡ, giàu đạm, lại được nấu chín trên nền nhiệt độ cao (thông thường khoảng 200-3000C) cho nên dễ xảy ra hiện tượng bẻ gãy các phân tử protein. Các phân tử protein này khi vào cơ thể người, thông qua quá trình tiêu hóa sẽ “chui” qua thành ruột, xâm nhập vào các tế bào, tạo thành những tế bào lạ. Đây là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều bệnh cho con người, nhất là ung thư.
Nhiều người cho rằng, việc nướng thực phẩm bằng bếp cồn khô hay nướng với bơ sẽ an toàn hơn vì cồn ethanol là nhiên liệu sạch, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện trên thị trường, các loại cồn methanol (có thể gây ngộ độc) có giá rẻ hơn nhiều so với cồn ethanol. Nếu sử dụng cồn methanol thì khi đốt cháy, khói của nó có thể chứa một lượng hơi methanol chưa kịp cháy, nếu thực khách hít phải một lượng lớn dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù món nướng được coi là khoái khẩu, nhưng tuyệt đối không được ăn nhiều. Nếu ăn, cần chú ý không nên nướng, rán quá kỹ để tránh gây hại tới sức khỏe. Khi chế biến, nếu thấy thực phẩm có phần bị cháy đen hay khét thì mọi người không nên tiếc mà cần loại bỏ ngay, vì thực phẩm đó có chứa những chất không an toàn, có thể gây bệnh.
Nguồn: vietnamnet