Vấn đề người di cư bất hợp pháp đang tạo ra sự mâu thuẫn tại nhiều quốc gia, trong khi nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn chưa ai đụng tới. Các nước lớn đang cố thể hiện bộ mặt hoặc trách nhiệm hoặc ích kỷ.
Cuối tuần qua, thế giới chứng kiến màn tranh cãi kịch liệt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý theo đường lối dân túy Giuseppe Conte.
Đầu tuần, một cuộc tổng chỉ trích nhắm vào Tổng thống Donald Trump nổ ra ở Mỹ. Tất cả đều xoay quanh một vấn đề: người di cư bất hợp pháp.
Châu Âu chia rẽ
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Ý từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của Tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee giải cứu trên Địa Trung Hải. Nhiều người đồng tình với chỉ trích của ông Macron, cho rằng chính phủ mới của Ý quá cay nghiệt.
Không ai nhìn ra việc nên giải quyết vấn đề này ngay từ trong trứng nước: chấm dứt nạn buôn người và vượt biên từ Bắc Phi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel – quốc gia tiếp nhận người di cư nhiều nhất châu Âu – kêu gọi nên giải quyết vấn đề ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu (EU).
Trong một tuyên bố ngày 16-6, bà Merkel khẳng định: “Vấn đề người di cư đang là một thách thức lớn. Nó cũng là vấn đề của châu Âu và cần có một câu trả lời từ các nước châu Âu”.
Lời hiệu triệu có vẻ đầy trách nhiệm của bà Merkel, đáng tiếc thay lại tiếp tục đi vào lối mòn cũ: đối phó và phân bổ dòng người di cư hơn là giải quyết rốt ráo nguyên nhân đã khiến những người này đánh cược mạng sống trên các con tàu rách nát vượt Địa Trung Hải, đó là sự bất ổn tại Bắc Phi, Trung Đông.
“Chúng ta cần một đất nước thượng tôn pháp luật, song cũng cần một đất nước được điều hành bằng cả trái tim Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump chỉ trích chính sách chống di cư bất hợp pháp của Mỹ
Hai phương án
Theo tờ Bild của Đức, Thủ tướng Merkel đang tìm cách tổ chức một cuộc họp giữa các nước EU để thảo luận về vấn đề di cư. Cuộc họp này nhiều khả năng diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.
Có hai luồng quan điểm đang diễn ra tại châu Âu: thứ nhất, tiếp nhận một cách có chọn lọc người di cư và thứ hai, nói không một cách dứt khoát với những đối tượng này.
Thủ tướng Ý Conte sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron tại Paris đã nhấn mạnh không một nước nào tại châu Âu có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm giải quyết vấn đề người di cư.
Ông Conte kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ các nước ở tuyến đầu như Ý giải quyết vấn nạn trên, cũng như ngụ ý tất cả các nước, bao gồm Ý, nên làm tròn trách nhiệm của mình.
Rõ ràng các nước như Ý đã quá mệt mỏi với chuyện tiếp nhận người di cư bất hợp pháp. Người ta cứ xuống tàu, với niềm tin rằng họ sẽ được cứu vớt trên biển, được đưa về đất liền châu Âu và nếu may mắn có thể ở lại lục địa già.
Niềm tin đó đã khiến các trung tâm tiếp nhận của Ý quá tải, bộ máy phúc lợi xã hội oằn gánh, nguy cơ những bất ổn xã hội ngày càng tăng.
Chính sách mới của Mỹ bị chỉ trích
Từ tháng 5-2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định triển khai chính sách “không khoan dung” (zero-tolerance) nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình di cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn.
Thống kê cho thấy trong suốt 6 tuần qua, đã có gần 2.000 trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bị tách khỏi cha mẹ chúng hoặc những người bảo hộ.
Chính sách này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ. Thậm chí, đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump cũng thể hiện sự không đồng tình với chủ trương này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 17-6, người phát ngôn của bà Melania Trump, Stephanie, cho hay: “Bà Trump ghét chứng kiến trẻ em bị chia tách khỏi gia đình chúng và bà hi vọng các chính khách của hai đảng có thể đạt được một kế hoạch cải cách nhập cư thành công”.
Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng cần phải chấm dứt chính sách này. Trả lời trong chương trình “Face the nation” của kênh CBS, thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins nhấn mạnh chính sách mới gây tổn thương tới những đứa trẻ vô tội và điều này đi ngược lại với những giá trị ở Mỹ.
Nguồn: tuoitre.vn