Vườn điều bị nhiễm bệnh đã trở thành chuyện thời sự ở tỉnh Bình Phước hiện nay. Đi đến đâu cũng nghe người nông dân ca thán về tình trạng này. Hiện có đến hơn 35.400ha điều tại thủ phủ cây điều Việt Nam bị sâu bệnh gây hại khiến nông dân lo lắng không có gì để thu trong mùa vụ sắp tới. Trước thực trạng đó, tỉnh Bình Phước đã đề nghị các ngành, các cấp vào cuộc giúp nông dân giải cứu vườn điều đang bị các loại dịch bệnh tấn công.

Nhiều diện tích điều ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bị sâu bệnh gây hại nặng

Dịch bệnh tấn công thủ phủ điều

Ông Trần Văn Định, chủ vườn điều bị nhiễm bệnh nặng tại ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài cho biết, vườn điều của ông đã có dấu hiệu bệnh ngay từ khi thu hoạch vụ điều đầu năm 2017 vừa qua, nhưng do chưa phát hiện điều trị kịp thời, nên sau vụ thu hoạch dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan và phát triển mạnh. Gia đình cùng các hộ dân quanh vùng đã chủ động dùng thuốc để phun xịt, nhưng không hiệu quả và dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu.

Lãnh đạo xã Tiến Hưng cho biết, vườn điều khu vực này đã bị bệnh từ cuối năm 2016, tuy đã được bà con nhân dân tích cực phòng chống, điều trị theo hướng dẫn của các ngành chức năng, nhưng dấu hiệu phục hồi chậm và tình trạng cháy lá, khô đọt vẫn diễn biến xấu.

Về huyện Đồng Phú những ngày này, vẻ buồn rầu, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân trồng điều. Anh Phan Văn Thắng, ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú bất lực nhìn hơn 2ha điều hơn 20 năm tuổi bị cháy lá, khô cành. “Tôi cũng đã tốn nhiều công sức, tiền bạc để mua các loại thuốc về phun xịt nhưng dịch bệnh vẫn không giảm, giờ chỉ còn cách chặt bỏ đi những cành bị cháy khô rồi trông chờ cho đọt non mọc lại chứ không còn cách nào khác nữa. Vụ tới nếu có thu thì cũng chẳng được bao nhiêu, xem như phải “quên” đi một năm” – anh Thắng buồn bã nói.

Tương tự, ông Trần Văn Bửu, ở xã Tân Phước cho biết, diện tích vườn điều gia đình ông khoảng 7ha, trong đó đã có hơn 70% bị cháy lá khô cành và bọ xít gây hại. “Thời gian gần đây các loại sâu bệnh từ các nơi khác bất ngờ tràn về tấn công, chỉ trong chục ngày bọ xít xuất hiện khắp vườn, sau đó dẫn đến cháy lá, khô cành rồi vườn dần tan hoang, xơ xác. Hiện gia đình đang ra sức giải cứu” – ông Bửu nói và cho biết vụ điều vừa qua nhà ông cũng bị thất nặng do gặp mưa trái mùa. Trung bình mỗi năm sản lượng thu hoạch hơn 13 tấn hạt điều tươi/năm, nhưng năm vừa qua được chưa tới 10% mọi năm.

Nhiều diện tích điều ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa ra đọt non đã bị bệnh cháy lá khô cành
Nhiều diện tích điều ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa ra đọt non đã bị bệnh cháy lá khô cành

Cách vườn điều nhà ông Bửu không xa, ông Nguyễn Văn Mười ở cùng xã có gần 3ha điều đang bị nhiễm bệnh nặng do bọ xít tấn công. “Bọ xít muỗi là loại côn trùng có cánh, có thể di chuyển, phát tán từ nơi này đến nơi khác rất nhanh. Dù đã phòng chống rất tích cực nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình” – ông Mười chia sẻ.

Tại các xã thuộc huyện Phú Riềng, tình hình dịch bệnh trên cây điều cũng đang có chiều hướng tăng. Anh Đỗ Văn Trung, ở xã Bù Nho cho biết, hiện 2ha điều của gia đình bị cháy lá, khô cành. Để trị loại bệnh này, anh chỉ biết phun xịt thuốc rồi bón phân nhưng cũng không dám chắc cây điều sẽ hồi sức trong mùa vụ sắp tới.

Ngày 9/10, ông Trần Văn Lộc – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có hơn 35.400ha bị thiệt hại do dịch bệnh hoành hành. Trong đó, đáng chú ý có những địa phương bị thiệt hại nặng như: Bù Đăng 18.100ha, Bù Gia Mập 5.932ha, Đồng Phú 5.763ha, Phú Riềng 2.030ha, Phước Long 1.047ha.

Nguyên nhân

Theo ông Trần Văn Lộc, thống kê cuối vụ năm 2017 cho thấy, năng suất, sản lượng điều năm 2017 của tỉnh giảm gần 38% so với vụ 2016. Cụ thể, so với năm 2016, năng suất chỉ 7,15 tạ/ha, đạt 62,26%; sản lượng chỉ 94.485 tấn, đạt 62,26%.

Ông Trần Văn Lộc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước
Ông Trần Văn Lộc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sụt giảm năng suất, sản lượng, ông Lộc cho biết, về khách quan do mùa khô cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây điều ra hoa thụ phấn, mưa đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến việc đậu trái của cây điều, đồng thời mưa làm tăng độ ẩm dẫn đến nấm gây bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides) phát triển, phát tán mạnh, bệnh này gây hại trên chồi non và quả non làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều. Ngoài ra, mưa trái mùa làm độ ẩm tăng cao là môi trường lý tưởng cho bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phát triển mạnh. Bọ xít này gây hại cho lá non, hoa và hạt non.

Thêm nữa, mưa kéo dài suốt mùa khô nên hầu hết các đợt ra bông đều bị ảnh hưởng. Về chủ quan, đợt mưa đầu mùa vào đúng dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, bà con nông dân không kịp xử lý phun thuốc phòng các bệnh thán thư và bọ xít muỗi do mưa ẩm phát sinh. Cụ thể, có đến hơn 32.900ha là diện tích điều hoàn toàn quảng canh, không chăm sóc thâm canh. Diện tích này tập trung chủ yếu ở huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập, đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do. Khi mưa ẩm phát sinh bệnh hại diện tích này không được phun thuốc phòng trừ, từ đó trở thành nguồn bệnh lây lan sang các diện tích lân cận đã được phòng trừ. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn, tuyên truyền, tài liệu, quy trình về quản lý bệnh thán thư, bọ xít muỗi đã được tổ chức ở các xã, nhưng ở nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm ứng dụng. Mặt khác, một số diện tích cây điều do người ở nơi khác đến Bình Phước mua vườn để đầu tư đất hoặc chưa sử dụng, bỏ hoang không chăm sóc nên vườn điều bị bệnh nặng.

Đề cập đến tình hình sâu bệnh hại trên cây điều hiện nay, ông Lộc cho rằng thời tiết Bình Phước biến đổi không phân định rõ mùa mưa và mùa khô, ẩm độ các tháng từ đầu năm đến nay cao hơn mọi năm nên trên vườn điều vẫn thường xuyên xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh và côn trùng gây hại, trong đó gây hại chính cho vườn điều phải kể đến ba đối tượng chủ yếu. Đó là bệnh cháy lá khô cành. Nguyên nhân do nấm Pestalotia sp và Potryodiplodia kết hợp gây ra. Nấm bệnh thường xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc do côn trùng cắn phá và lây lan qua không khí. Ngoài ra bệnh còn gây hại nặng trên những vườn điều chăm sóc kém, nhiều cỏ dại, bón phân không hợp lý.

Kế đến, bọ xít muỗi. Có hai loài bọ xít muỗi gây hại là bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phổ biến nhất, còn bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii) ít phổ biến hơn, bọ xít muỗi thường gây hại trên các bộ phận non của cây. Và bệnh thán thư. Nguyên nhân nhận bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa kéo dài và thiếu ánh sáng. Nguồn bệnh phát tán nhờ nước và gió, bệnh thường xuất hiện trên các bộ phận non của cây.

“Diện tích bị mất mùa này tập trung vào các đối tượng nông dân là hộ nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Do không có thu nhập nên diện tích này sâu bệnh hại tiếp tục phát triển mà không được phòng trừ đúng cách, do đó diện tích này có nguy cơ phát sinh thành dịch và khả năng mất mùa rất cao” – ông Lộc nói.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ông Trần Văn Lộc, trước tình hình sâu bệnh hại trên cây điều ngày càng trầm trọng và lây lan nhanh, từ trung tuần tháng 9 đến nay, tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ xuống tận các vườn điều của người dân trong tỉnh để kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây điều, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại đối với loại cây trồng này để có biện pháp hỗ trợ.

Song song đó, lãnh đạo Sở đã đề xuất lên UBND tỉnh xem xét phương án hỗ trợ đối với diện tích điều bị thiệt hại hiện nay. Theo đó, để chăm sóc cây điều từ nay đến trước khi thu hoạch (vụ sắp tới) cần số tiền đầu tư khoảng 4 triệu đồng cho 1ha, gồm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, Sở đề xuất hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi ha khoảng 2 triệu đồng. Các phương án đề xuất hỗ trợ đang được xem xét cụ thể: thứ nhất, hỗ trợ 100% diện tích bị thiệt hại bao gồm các đối tượng là hơn 35.400ha, tương ứng gần 80 tỷ đồng; thứ hai, hỗ trợ 100% diện tích bị thiệt hại cho các đối tượng ưu tiên: nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 21.900ha, tương ứng gần 44 tỳ đồng.

Bà Trần Tuyết Minh (giữa) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra vườn điều hộ ông Trần Văn Định, ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, ngày 18/9
Bà Trần Tuyết Minh (giữa) – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra vườn điều hộ ông Trần Văn Định, ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, ngày 18/9

“Trên cơ sở nhu cầu cứu hộ diện tích điều đang bị thiệt hại năng cũng như nhu cầu phát triển ngành điều trong thời gian tới, Sở kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp chế biến điều, hiệp hội điều, cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cùng bàn bạc giải pháp hỗ trợ cùng với UBND tỉnh để giúp nông dân khôi phục và phát triển vườn điều”.

Việc hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp được thông qua các hoạt động như: hỗ trợ trực tiếp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; bán trả chậm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân; hỗ trợ giống để tái canh. Về lâu dài tham gia liên kết đầu tư tạo chuỗi giá trị sản xuất điều thông qua các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên minh các hợp tác xã” – ông Lộc cho biết.

Trong khi đó, để giảm thiệt hại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cần nhanh chóng vào cuộc và đề ra các biện pháp nhằm giúp bà con cứu lấy vườn điều đang bị dịch bệnh tấn công. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách vệ sinh vườn điều và phun thuốc phòng trừ dịch bệnh. Nhanh chóng rà soát lại diện tích các vườn điều cũng như các hộ dân bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để tỉnh hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại chất lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên toàn tỉnh; tập hợp các ý kiến, kiến nghị của địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách riêng cho cây điều.

Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ra chính sách hỗ trợ cho các hộ có diện tích điều bị ảnh hưởng. Trong đó, hỗ trợ thuốc và phân bón giúp phục hồi cây điều bị thiệt hại cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để không tái diễn mất mùa do dịch bệnh. Mặt khác, chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh khoanh nợ, giãn nợ; ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay khắc phục vườn điều. Đồng thời, huy động các đoàn thể, công an, quân đội vào cuộc hỗ trợ nông dân khắc phục vườn điều bị nhiễm bệnh, không để phát sinh hộ đói do mất mùa.

Điều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước, chiếm gần 33% diện tích cây lâu năm và hơn 30% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2016, diện tích điều toàn tỉnh là 173.849ha. Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2016 đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đóng góp gần 25% GDP của ngành nông nghiệp. Về an sinh xã hội, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 ngàn lao động tại 226 doanh nghiệp, 328 cơ sở chế biến điều và hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều của tỉnh.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Các tin liên quan đến bài viết