Chiều 25-3, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ra mắt Khoa Công nghệ nông nghiệp, với sự tham dự của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện nhiều trường đại học, khoa thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học.
Đây là bước tiến mới của Đại học Công nghệ nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để phát triển, xây dựng nông nghiệp thông minh.
Theo Giáo sư Lê Huy Hàm, Trưởng Khoa Công nghệ nông nghiệp, để ứng dụng công nghệ cao tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thông minh cần có nguồn nhân lực dồi dào với trình độ chuyên môn cao, đồng thời hiểu biết về thị trường Việt Nam và thị trường thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, các trường đại học và học viện ở Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư nông nghiệp và kỹ sư công nghệ, chưa đào tạo kỹ sư/cử nhân, thạc sỹ công nghệ nông nghiệp tiên tiến – hiểu biết cả về công nghệ, nông nghiệp và quản lý. Chính vì vậy, việc thành lập Khoa Công nghệ nông nghiệp với chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ công nghệ nông nghiệp tiên tiến trong thời đại 4.0 là vô cùng cần thiết.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại biểu tặng hoa chúc mừng Khoa Công nghệ nông nghiệp. |
Hà Lan cũng được xếp vào tốp những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống cây trồng và nhà kính. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm hàng hoá nông nghiệp Hà Lan đạt 100 tỷ euro, trong đó xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục là 92 tỷ euro. Đạt được kỳ tích đó là do Hà Lan không ngừng nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp.
Có nét tương đồng với Việt Nam, Nhật Bản có khí hậu khác nhau, với 80% dân số làm nghề nông và lúa là nông sản chính. Nhờ thay đổi chính sách phù hợp và áp dụng công nghệ mới cho phát triển nông nghiệp bền vững, chỉ 3% dân số của Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng cung cấp đầy đủ thực phẩm chất lượng cao cho hơn 127 triệu dân của quốc gia này, ngoài ra còn dư thừa để xuất khẩu.
Gần đây, việc đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ lai tạo giống, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, công nghệ vận chuyển (chuỗi cung ứng lanh), công nghệ phân tích và cải tạo đất đang được Nhật đẩy mạnh (do đất dai ngày một cằn cỗi). Đây được xem là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Trường Đại học Công nghệ định hướng phát triển các ngành đào tạo và nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp dựa trên thế mạnh của nhà trường và của Đại học Quốc gia Hà Nội, để đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học chuyển giao trực tiếp đến các doanh nghiệp nông nghiệp, và đặc biệt tập trung vào các nông trại có diện tích phù hợp với các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình gắn kết với các chuỗi phân phối khép kín của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu, nhà trường định hướng xây dựng một số ngành đào tạo gắn liền với phát triển một trung tâm thực nghiệm nông nghiệp thông minh. Nhà trường sẽ hợp tác với một trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này (có thể lựa chọn Trường đại học từ Hà Lan, Australia, hoặc Nhật Bản, …).
Trước mắt, Trường Đại học Công nghệ đề xuất mở ngành đào tạo Công nghệ nông nghiệp tiên tiến. Nhà trường dự định khai thác triệt để thế mạnh tại Khu Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội với diện tích mặt bằng lớn, có nguồn nước, giao thông thuận tiện, điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển nghiên cứu về nông nghiệp.
Khoa Công nghệ nông nghiệp sẽ tuyển sinh từ năm 2019, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 60 chỉ tiêu. Tổ hợp môn xét tuyển là A00, A01, B00. Sinh viên của Khoa sẽ được đào tạo theo nguyên tắc “học bằng làm”, tạo ra thế hệ sinh viên thực tiễn. Nhà trường sẽ xây dựng cơ sở vật chất, trung tâm thực nghiệm, phòng thí nghiệm và tạo nguồn nhân lực đồng bộ để đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp. Tạo sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các khu nông nghiệp công nghệ cao của các địa phương dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp.
|
Theo Công an nhân dân