Tinh thần ấy không chỉ mang tính đúng đắn mà còn là đòi hỏi cấp thiết và càng cấp thiết hơn khi một năm học sắp trôi qua, một kỳ thi đang đến gần và xa hơn là tính mục đích, ý nghĩa của sự chấn hưng cần phải hiện thực hóa.
Triền miên nhiều tháng ròng rã, những đứa con, đứa cháu tôi gần như cả ngày ngồi lì trong phòng, cặm cụi với học trực tuyến (online). Chúng cần phải bật màn hình sớm trước giờ vào lớp để còn điểm danh và các thủ tục kiểm tra camera, micro…
Những thủ tục ấy đã khiến thời gian dành cho việc “tiến hành học” dài hơn, nhưng thực chất thời gian thực học ít hơn rất nhiều.
Rồi hết giờ học, chúng lại tiếp tục ngồi lỳ trước máy tính để hoàn thiện các bài tập về nhà. Dù thời gian dành cho việc thực học ít hơn, nhưng chúng vẫn cần phải học đầy đủ các môn học – thậm chí việc học thể dục cũng được tiến hành ngay trong căn phòng nhỏ.
Thế rồi những đứa con và cháu tôi vui mừng ra mặt khi được nhà trường thông báo sẽ cho phép đi học trực tiếp (offline). Chúng đã chờ đợi quá lâu cái ngày được gặp mặt bạn bè, thầy cô để không chỉ học kiến thức, mà còn được tung tăng chơi đùa, giao lưu và tương tác với nhau.
Có quá nhiều điều mà tâm hồn những thế hệ học sinh khát khao nằm ngoài khuôn khổ những trang sách vở.
Ngày “tựu trường” đã đến. Nhưng niềm hân hoan ấy sớm rối bời vì vẫn là nửa online và nửa offline. Nhanh chóng tìm sự thích nghi, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh chấp nhận với hoàn cảnh này.
Họ buộc phải xáo trộn với những lo toan về thời gian đưa đón con, lo cho con ăn uống… và đặc biệt, mọi việc cần phải tiến hành rất nhanh trong giai đoạn tan học offline ở trường rồi nối tiếp học online ở nhà.
Và rồi sự “bùng nổ F0” đã khiến nhà trường, phụ huynh và học sinh bị chia rẽ. Những F0 bao gồm cả giáo viên và học sinh thì có thể dạy và học online; còn giáo viên và học sinh chưa phải là F0 vẫn đến trường. Đây là lúc các giáo viên phải “phân thân”, vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa phải tiến hành đầy đủ thủ tục điểm danh, kiểm tra camera, micro… đối với học sinh học online.
Gần một năm học trôi qua, cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh giật mình. Thời gian học quá nhiều nhưng tất cả đều băn khoăn và lo lắng vì thực tế không hiệu quả.
Nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh đã phát biểu trên báo chí và các diễn đàn rằng việc dạy và học hiện nay quá hình thức – thậm chí thiên về “chức năng trông trẻ”. Con của tôi và nhiều đứa trẻ khác còn đặc biệt lo lắng vì năm nay chúng sẽ chuyển cấp từ THCS lên THPT.
Tư lệnh ngành giáo dục đã từng phát biểu chấn hưng nền giáo dục bằng việc hướng đến “học thật”. Tinh thần ấy không chỉ mang tính đúng đắn mà còn là đòi hỏi cấp thiết và càng cấp thiết hơn khi một năm học sắp trôi qua, một kỳ thi đang đến gần và xa hơn là tính mục đích, ý nghĩa của sự chấn hưng cần phải hiện thực hóa ngay bây giờ và cho mãi sau này.
Vậy thì liệu rằng “tổ hợp vận hành” hoạt động giáo dục có quyết liệt loại trừ những yếu tố “giả”, yếu tố hình thức, yếu tố lãng phí ra khỏi quy trình dạy và học để hướng đến sự thực chất, sự “học thật” hay không?
Vẫn biết rất khó có thể ngay tức thời nhận diện và loại trừ hết những yếu tố đó. Nhưng nếu giáo dục không tiến hành hoặc tiến hành chậm trễ thì cái đích “học thật” rất khó chạm tới, còn sự “học giả” sẽ tồn tại mãi – trong đó “trạng thái Covid” chỉ là cái vỏ bọc che lấp bản chất hình thức ấy mà thôi.
Nguồn: tuoitre.vn